(KTSG Online) - Ngày 13-9, đại diện các nhà bán lẻ lớn toàn cầu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển... như Walmart, Amazon, Carrefour, Decathlon, Aeon, IKEA, LuLu, Central Group... đã cùng có mặt tại TPHCM để tìm kiếm các nhà cung cấp hàng hóa của Việt Nam.
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10% trong 8 tháng đầu năm
- Nhà bán lẻ giảm thiểu túi nilon trong mua sắm
Các tập đoàn đến TPHCM tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing 2023) với mục tiêu tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam vào hệ thống bán lẻ trên thế giới của các tập đoàn.
Bộ Công Thương và UBND TPHCM đồng chủ trì tổ chức Vietnam International Sourcing 2023 cho biết sự kiện ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Đáng chú ý đây là những thương hiệu bán lẻ lớn toàn cầu như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ Điển), LuLu (UAE)… có hệ thống kinh doanh rộng khắp.
Những nhóm sản phẩm mà các tập đoàn tập trung tìm kiếm bao gồm thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất,...
Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã lựa chọn các doanh nghiệp trong nước đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng trên để kết nối giao thương với các tập đoàn này.
Là nhà bán lẻ đa kênh lớn nhất thế giới, Walmart cho biết Việt Nam là một trong những thị trường tìm nguồn cung ứng quan trọng của tập đoàn và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á.
Tại sự kiện, ông Avaneesh Gupta, Phó Chủ tịch Cấp cao, nguồn cung ứng hàng may mặc và buôn bán tổng hợp, Walmart International, cho biết Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa nói chung và thực phẩm như giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi, xoài, sầu riêng và dừa...
Đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện các tập đoàn cho biết, sau đại dịch do Covid-19 và những bất ổn địa chính trị, kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, điều các nhà bán lẻ quan tâm hiện nay không chỉ sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh mà còn phải "xanh", thân thiện môi trường, sản xuất phải giảm thiểu tác động đến môi trường...
Chuỗi sự kiện kéo dài đến ngày 15-9 tại Trung tâm tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7 là hoạt động nhằm tích cực triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chuỗi sự kiện thu hút sự tham gia của 300 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Chia sẻ tại khuôn khổ sự kiện, một số doanh nghiệp trong nước cho rằng việc chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng xanh hóa, bền vững, tuần hoàn là chiến lược tất yếu, không những giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh nền sản xuất đang chuyển đổi nhanh chưa từng có như hiện nay.