(KTSG Online) - Diện tích trồng cà phê có thể tiếp tục bị thu hẹp và sản lượng sẽ bị giảm khi người nông dân so sánh trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng... mang về giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với thu hoạch cà phê.
- Cà phê, đồ gỗ... bị cản đường bởi 'luật chơi' mới của EU?
- Xuất khẩu thứ 2 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu đô nhập cà phê
Nhận định trên được doanh nghiệp cà phê và người đại diện của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ tại hội nghị quốc tế cà phê châu Á (Coffee Outlook) lần thứ 27 diễn ra ngày 5 và 6-12 tại TPHCM.
Hội nghị với sự tham dự của hơn 150 đại biểu từ Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), hiệp hội cà phê các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, các chuyên gia thị trường trong nước và quốc tế...
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nhà kinh doanh cà phê đang hướng đến Việt Nam - nền kinh tế gần 100 triệu dân đang trong mùa vụ thu hoạch của niên vụ mới. Một số vùng thu hoạch muộn do thời tiết mưa nhiều, khả năng sản lượng giảm mạnh so với dự kiến.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chuyển đổi cây trồng khi giá cà phê những năm qua ở mức quá thấp, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 giảm gần 13% so với cùng kỳ 2022. Khả năng cả năm 2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm gần 15%.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group và là Phó chủ tịch Vicofa, cũng cho hay năm 2023 là năm khá đặc biệt với ngành cà phê khi giá cà phê trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao. Đặc biệt, có thời điểm giá cà phê trong nước có thời điểm tăng lên đến mức 70.000 đồng/kg - mức cao nhất trong 30 năm qua.
Dù giá cà phê trong năm nay tăng cao nhưng trước đó nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng khác. Diện tích cà phê tại Việt Nam đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm do người dân chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng, bơ…, hay trước đây là cây tiêu.
Theo ông Đỗ Hà Nam, mỗi héc ta cà phê hiện mang về lợi nhuận khoảng 100-200 triệu đồng, trong khi cây bơ mang về từ 1-1,5 tỉ đồng, gấp 5 lần hoặc cao hơn nữa so với cây cà phê. Do đó, tình hình diện tích trồng cà phê có thể sẽ còn bị thu hẹp bởi sự chuyển đổi cây trồng của người nông dân. Điều này Chính phủ cũng không thể can thiệp được.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy diện tích cà phê của Việt Nam hiện ở mức 700.000 héc ta, nhưng theo ông Nam, tình hình thực tế có thể chỉ còn trên 600.000 héc ta.
Do đó, trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022-2023; mức giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới.
Theo đại diện Vicofa và các doanh nghiệp chế biến cà phê, sản lượng cà phê trong niên vụ tới dự kiến giảm còn do tác động của biến đổi khí hậu.
Trao đổi với KTSG Online về niên vụ cà phê 2023-2024 diễn ra gần đây, các doanh nghiệp dự báo sản lượng tiếp tục giảm khoảng 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, cây ăn trái khác...
Với sự sụt giảm về sản lượng, ông Nam dự báo rằng giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4-2024 cho đến khi Indonesia, Brazil bước vào vụ thu hoạch mới. Ông cho rằng cả thế giới hiện đang hướng vào nguồn cung cà phê ở Việt Nam. Trên thực tế, giá cà phê có xu hướng tăng trở lại do giá trên thị trường thế giới tăng.
Coffee Outlook là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, kết nối thông tin chia sẻ và cập nhật hiện trạng sản xuất và xu hướng mới nhất về thị trường cà phê của các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới; cập nhật xu hướng thị trường và tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng của các thị trường cà phê Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Úc…
Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với ngành cà phê toàn cầu. Theo đó, ngay từ đầu niên vụ 2023 - 2024 ngành cà phê phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh châu Âu (EU).
Việc triển khai từng bước các chương trình này là thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Nhìn lại niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỉ đô la Mỹ nhờ giá tăng cao.
Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 đô la/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.