(KTSG Online) - Các nhà máy trên khắp châu Á gặp nhiều khó khăn cùng lúc trong tháng 11 khi phải đối mặt với chi phí cao hơn, các đồng tiền khu vực suy yếu và nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt. Áp lực đối với hoạt động của các nhà máy trong khu vực được dự báo sẽ chưa dứt trong những tháng tới.
Dữ liệu từ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất toàn cầu của S&P Global công bố hôm 1-12 cho thấy, các nhà sản xuất trên khắp khu vực châu Á đang cắt giảm sản lượng và việc làm, với tâm lý kinh doanh trở nên ảm đạm hơn khi doanh nghiệp phải ứng phó với nhu cầu đang suy giảm từ khách hàng Mỹ và châu Âu.
Việt Nam ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất trong khu vực với chỉ số PMI giảm xuống 47,4 điểm trong tháng 11 từ 50,6 điểm trong tháng 10. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm xuống dưới 50 điểm, ranh giới phân định giữa mở rộng và thu hẹp.
Tại Nhật Bản, chỉ số PMI lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 điểm sau gần hai năm. Theo nhà kinh tế Laura Denman tại S&P Global, thị trường suy yếu, áp lực chi phí kéo dài và nhu cầu cơ bản yếu, cả trong nước và quốc tế, được cho là những yếu tố then chốt khiến chỉ số PMI của Nhật Bản đi xuống.
Hai trung tâm sản xuất điện tử của khu vực, Đài Loan và Hàn Quốc, cũng đang hoạt động trì trệ khi các nhà sản xuất giảm mua hàng và hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài suy yếu.
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 11 đã phải chịu mức giảm hàng năm mạnh nhất trong 2,5 năm do nhu cầu hạ nhiệt tại các thị trường lớn dẫn đầu là Trung Quốc và cơn suy thoái của ngành công nghiệp bán dẫn.
Các chỉ số PMI ảm đạm càng làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy các nhà máy trên thế giới đang bước vào một mùa đông dài khi thương mại toàn cầu nguội lạnh. Hoạt động sản xuất trên toàn cầu chỉ mới bắt đầu phục hồi sau các đợt đóng cửa liên quan đến đại dịch Covid-19 và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Do vậy, tình trạng tăng trưởng chậm lại của toàn cầu đang trở nên đáng ngại hơn.
Sản lượng suy giảm ở Đài Loan, nơi chỉ số PMI nhích lên nhẹ so với tháng 10 nhưng vẫn giảm mạnh ở mức 41,6, cho thấy hoạt động sản xuất đang yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, theo Annabel Fiddes, Phó giám đốc kinh tế tại S&P Global.
Fiddes cho biết các công ty không dự đoán mọi thứ sẽ sớm được cải thiện khi họ đánh giá triển vọng trong 12 tháng là “cực kỳ bi quan”.
“Môi trường kinh tế toàn cầu ngày càng thách thức với áp lực lạm phát và các điều kiện tài chính thắt chặt dự kiến sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của các nhà máy trong những tháng tới”, bà nói.
Tại Trung Quốc, thước đo hoạt động sản xuất trong tháng 11 do Caixin và S&P Global công bố hôm 1-12 đạt 49,4 điểm, duy trì dưới mốc 50 điểm trong tháng thứ tư liên tiếp.
Hôm trước đó, Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số PMI ngành sản xuất và phi sản xuất với điểm số giảm xuống các mức thấp nhất kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa để kiểm soát Covid-19 hồi tháng 4.
Tác động của các đợt bùng phát Covid-19 và các hạn chế liên quan đối với các nhà máy ở Trung Quốc là rất rõ ràng. S&P Global cho biết trong tháng 11, các công ty ở Trung Quốc đã giảm hoạt động mua hàng và cắt giảm số lượng lao động hơn nữa do sản lượng của nhà máy giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước trong bối cảnh người dân bị hạn chế đi lại.
Các nhà phân tích nhận thấy rủi ro suy giảm đang tăng lên đối với với tăng trưởng của Trung Quốc bất chấp một loạt các chính sách mà Bắc Kinh triển khai trong thời gian gần đây để thúc đẩy các hoạt động kinh tế bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản đang trì trệ.
Tuy nhiên, có những điểm sáng ở Nam Á và Đông Nam Á khi hoạt động của nhà máy ở Philippines, Thái Lan và Indonesia tiếp tục mở rộng. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Ấn Độ trong tháng 11 tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của khu vực, tăng lên 55,7 điểm, cao nhất trong ba tháng.
Rahul Bajoria, nhà kinh tế tại Ngân hàng Barclays, cho biết không giống như phần còn lại của châu Á, các đơn đặt hàng xuất khẩu ở Ấn Độ vẫn chưa bị ảnh hưởng. Ông cho biết các đơn đặt hàng mới ở Ấn Độ đang tăng lên nhờ nhu cầu trong mùa lễ hội cuối năm dù chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền tùy ý có thể giảm bớt trong những tháng tới do lãi suất tăng, lạm phát cao.
Tuy nhiên, trong quý 3, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã chậm lại, chỉ tăng 6,3% so với một năm trước, so với mức tăng 13,5% trong quý 2. Theo Rajani Sinha, nhà kinh tế trưởng tại CareEdge, đây là sự co lại đáng lo ngại.
Theo Bloomberg, Reuters