Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn ‘bủa vây’ ngành bảo hiểm!

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngoài khó khăn ở mảng kinh doanh chính thì xu hướng lãi suất giảm cũng sẽ tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

Khó khăn khi kênh bancassurance chững lại

Bảo hiểm là một trong những nhóm ngành gặp khá nhiều “sóng gió” trong thời gian gần đây. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam sở hữu mô hình kinh doanh dựa trên hai nguồn lợi nhuận chính là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận tài chính từ các khoản đầu tư.

Trong khi các thông tin tiêu cực về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) từ đầu năm 2023 đến nay cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm bị ảnh hưởng thì lợi nhuận tài chính từ các khoản đầu tư vào chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm, ủy thác đầu tư... đang đóng vai trò gánh vác một phần tương đối quan trọng cho kết quả kinh doanh của một số công ty bảo hiểm.

Điển hình như theo ban lãnh đạo của Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, công ty này duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng thu nhập đầu tư trong nửa cuối năm 2023 vì hầu hết các khoản đầu tư hiện tại của Bảo Việt vẫn đang hưởng lợi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bảo Việt cũng đang xem xét tái cơ cấu danh mục đầu tư để chuyển sang trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Về phía Công ty Bảo hiểm Quân đội, đối với hoạt động đầu tư tài chính, trái phiếu hiện chiếm khoảng 10% tổng tài sản sinh lời của công ty, bao gồm một phần của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp tài chính. Theo lãnh đạo công ty, những trái phiếu này đều trả lãi đúng hạn và có tài sản bảo đảm gấp 3 lần so với giá trị trái phiếu.

Mặc dù một vài doanh nghiệp lớn vẫn có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn như trên nhưng trong thực tế, nếu nhìn xa và rộng hơn thì những thách thức với các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới là không hề nhỏ.

Cơ hội đơn lẻ vẫn sẽ xuất hiện với các công ty có thế mạnh ở các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay bảo hiểm công trình nhờ hoạt động đầu tư công được thúc đẩy.

Đầu tiên phải kể đến trở ngại từ việc bán bảo hiểm qua kênh bancassurance, hiện có xu hướng chững lại rõ nét. Trước đây, các ngân hàng thường ký hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm.

Kênh phân phối này đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thêm tệp khách hàng từ ngân hàng nhờ vào tính tiện lợi, nhanh chóng và sự tin tưởng của khách hàng đối với ngân hàng đang sử dụng.

Tuy nhiên, sau những vụ lùm xùm liên tiếp, cùng sự vào cuộc của cơ quan thanh tra Bộ Tài chính với kết luận cho thấy bán bảo hiểm qua kênh bancassurance còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, thì kênh bancassurance đang rơi vào thế khó.

Khó khăn đầu tiên, được xem là cố hữu và đến nay vẫn chưa được giải quyết, là tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm của khách hàng ở mức khá cao. Tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh bancassurance chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do không mang tính chất tự nguyện nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ hủy hợp đồng của khách hàng có nơi lên tới 70%.

Thứ hai, tại các ngân hàng, việc phê duyệt một khoản vay trong những năm qua thường đi kèm một hợp đồng bảo hiểm để được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý việc ép buộc khách hàng vay vốn ký hợp đồng bảo hiểm, qua đó tác động không nhỏ tới thị trường.

Cuối cùng là tác động của mạng truyền thông xã hội, điển hình là với các trường hợp ký hợp đồng bảo hiểm khi khách hàng chưa được tư vấn rõ, dẫn tới tâm lý thận trọng của người mua khi xem xét, ký kết các loại hợp đồng bảo hiểm.

Xu hướng lãi suất giảm ảnh hưởng đến triển vọng ngành

Ngoài khó khăn ở mảng kinh doanh chính là bảo hiểm thì xu hướng lãi suất giảm cũng sẽ tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, kể cả mảng nhân thọ và phi nhân thọ, do thu nhập từ lãi đóng góp tỷ lệ khá lớn vào lợi nhuận chung của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo thống kê, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay đã giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm/năm so với cuối năm ngoái và dự báo có thể tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm, sớm là trong hai quí cuối năm nay hoặc muộn hơn là trong năm 2024.

Số liệu cho thấy các khoản tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đơn cử như tại Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), tính tới ngày 31-3-2023, đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức hơn 117.000 tỉ đồng, chiếm 53,1% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn hơn 84.000 tỉ đồng, chiếm 38,2% tổng tài sản. Hai khoản mục này chiếm tới 91,3% tổng tài sản.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Bảo Việt, chiếm chủ yếu trong khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, với 114.000 tỉ đồng, là tiền gửi kỳ hạn dưới một năm; chiếm chủ yếu trong khoản đầu tư tài chính dài hạn, với 80.000 tỉ đồng, là tiền gửi kỳ hạn dài. Như vậy, có thể thấy, Bảo Việt gặp áp lực nhất định đối với khoản tiền gửi khi lãi suất có xu hướng giảm.

Điều tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BIC), tính đến 31-3-2023 ghi nhận hơn 4.200 tỉ đồng là tiền gửi ngắn hạn và 681 tỉ đồng là tiền gửi dài hạn. Hay như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI), tính đến 31-3-2023 đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 3.237 tỉ đồng là tiền gửi kỳ hạn dưới một năm. Tại Công ty cổ phần PVI (mã PVI), thời điểm cuối quí 1-2023, tiền gửi kỳ hạn dưới một năm ở mức 6.079 tỉ đồng trong khi tiền gửi kỳ hạn trên một năm đạt 4.828 tỉ đồng...

Bên cạnh những khó khăn về hoạt động kinh doanh thì một đặc điểm chung khác của nhóm cổ phiếu bảo hiểm là thanh khoản khá thấp, ngoại trừ BVH và BMI. Do vậy, nhà đầu tư muốn giao dịch với các mã này sẽ bị hạn chế đáng kể.

Ngoài ra, doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ phụ thuộc lớn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khi kinh tế khó khăn, doanh thu bảo hiểm hàng hải, sức khỏe, xe cơ giới... sẽ đều chịu ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Mặc dù vậy, cơ hội đơn lẻ vẫn sẽ xuất hiện với các công ty có thế mạnh ở các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay bảo hiểm công trình nhờ hoạt động đầu tư công được thúc đẩy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới