(KTSG Online) - Trong 7 tháng của năm 2023, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ... nằm trong số những mặt hàng có mức sụt giảm nhiều nhất, theo báo cáo của Bộ Công Thương.
- Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Úc
- Xuất khẩu dệt may sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh
- Ngành dệt may, da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 80 tỉ đô la vào năm 2025
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, ngày 31-7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7-2023 với chủ đề "Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày".
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỉ đô la, giảm hơn 26%; xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỉ đô la, giảm hơn 15%; còn xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỉ đô la, giảm hơn 17% so với cùng kỳ.
Nhận định thị trường trong thời gian tới, theo tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng… với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU.
Với da giày, khâu tạo ra nhiều carbon trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng carbon gián tiếp từ sau năm 2023), do vậy các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng.
Với dệt may, EU sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...
Vì thế, với các quy định này, doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình, do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức thì công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.