Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Khoán 10” trong cải cách hành chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Khoán 10” trong cải cách hành chính

Thanh Long

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Giới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, đại biểu Quốc hội và nhất là người dân vô cùng bức xúc về sự trì trệ của quá trình cải cách hành chính ở nước ta trong mấy thập niên qua. “Hành là chính” đã trở thành câu nói cửa miệng trong xã hội. Bộ máy và biên chế hành chính giảm rồi lại phình ra.

“Giấy phép mẹ” vừa bị cắt thì chỉ chốc lát hàng loạt “giấy phép con” đã ra đời. Thủ tục hành chính này vừa bị cắt thì thủ tục khác “hành” dân tinh vi hơn đã kịp đưa ra để thế chỗ. Liệu cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp diễn đến bao giờ? Liệu có giải pháp nào triệt để hơn để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay?

Bài này hy vọng góp thêm một tiếng nói về một cách tiếp cận tuy không mới nhưng đã bị lãng quên áp dụng trong cải cách hành chính: hãy quay về giải quyết từ gốc bằng cách áp dụng “Khoán 10”.

Cải cách hành chính bắt đầu từ ngọn?

Làm cải cách hành chính cũng gần giống như nhổ cỏ dại, phải đào hết cả gốc lẫn rễ. Nếu chỉ cắt phần trên ngọn, tạm thời cỏ có thể không phát triển nhưng chẳng bao lâu lại tươi tốt như cũ. Sự cam go của cải cách hành chính là ở chỗ nó không giống hoàn toàn việc nhổ cỏ dại. Nghĩa là trước mắt có thể phải chấp nhận giải pháp tạm thời, chưa triệt để, tức là bắt đầu làm từ ngọn, chưa làm được đến tận gốc. Nhưng về lâu về dài thì phải “diệt tận gốc, trốc tận rễ” những khiếm khuyết của bộ máy hành chính.

Năng lực xác định được cái ranh giới mong manh đó, tức là làm từ đâu, cả trong nội hàm cũng như về lộ trình thực hiện chính là chỉ báo, là tín hiệu tin cậy về tài nghệ của các nhà cải cách. Bài toán hóc búa này không có sẵn lời giải trong sách vở và cũng không có thầy cô nào có thể dạy nổi. Tuy nhiên ta đã có cả một kho báu kinh nghiệm từ thời chiến và từ cải cách kinh tế trước đây. Tương tự, cuộc “đại phẫu thuật” về kinh tế – xã hội (tức là sự nghiệp “đổi mới”) từ giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước (từ Đại hội Đảng lần thứ VI) cho thấy sự lựa chọn loại hình cải cách thích hợp ở mỗi giai đoạn phát triển có ý nghĩa sống còn như thế nào đối với dân tộc.

Kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Hiển nhiên tình hình ngày càng đổi khác. Người dân ngày càng khó chấp nhận cách tiếp cận “làm cho cái bánh to ra trước” rồi giải quyết các vấn đề khác sau. Do vậy trong chính sách cải cách cũng đã có những nội dung mới: bảo đảm bình đẳng xã hội ngay trong quá trình phát triển. Nói cách khác, cải cách chính trị đã từng bước cố gắng để đồng hành cùng cải cách kinh tế, mặc dù chưa theo kịp. Nói cách khác, sự lựa chọn không làm từ gốc ở giai đoạn đầu của lộ trình dài cải cách hành chính là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên điều làm cho nhiều người băn khoăn chính là ở chỗ hình như chúng ta đã duy trì cách làm tạm thời “từ ngọn” này quá lâu và phải chăng nếu tiếp tục cách tiếp cận này thì không còn thích hợp nữa?

Hãy xem xét một vài ví dụ: Luật Doanh nghiệp (1999) với triết lý phổ biến là “hậu kiểm” ra đời năm 1999 và có hiệu lực năm 2000 đã được coi như một “phép thần thông” vì nhờ nó mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân đã được khai sinh như nấm mọc sau mưa. Tiếp đó là việc ra đời của Luật Doanh nghiệp mới và Luật Đầu tư mới (2005). Với những luật này giới doanh nhân, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tưởng như bắt được phao cứu sinh để vượt qua bể ải của thủ tục hành chính. Tất cả các luật kinh tế nói trên bước đầu đều phát huy tác dụng rất tích cực, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sản xuất kinh doanh ở nước ta. Mô hình một cửa đã được xây dựng và thực hiện từ vài chục năm nay.

Thật vậy, khi các sáng kiến cải cách nêu trên mới ra đời, số giấy phép rất ít và hiện tượng “giấy phép con” chưa xuất hiện. Ấy vậy mà chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, không những số giấy phép (cả “mẹ” lẫn “con”) không giảm mà thủ tục còn tăng lên gấp bội. “Một dấu, một cửa” ngày càng mất thiêng nên lại phải quay lại nhiều dấu. “Một cửa” đã trở thành “một cửa, nhiều khóa”, sau đó phải đổi sang “một cửa liên thông”. Gần đây lại được tăng cường thêm bởi “Đề án 30” nhằm đoạn tuyệt với thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Liệu cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp diễn đến bao giờ và “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính sẽ đi đến đâu? Mẫu số chung của các nỗ lực nêu trên chính là tính không triệt để, tính nửa vời, chỉ cắt phần trên ngọn, tức là thủ tục, không giải quyết được các căn nguyên của các vấn đề cải cách hành chính tận gốc rễ.

Hướng tới những giải pháp cải cách triệt để hơn: “Khoán 10”?

Muốn chữa bệnh hiệu quả phải chẩn bệnh tốt. Căn nguyên chính của tình trạng trì trệ trong cải cách hành chính hiện nay là do thiếu động lực và cơ chế khuyến khích thích hợp đối với đội ngũ cán bộ công chức của các cơ quan công quyền ở mọi ngành, mọi cấp. Cơ chế và thủ tục hành chính là do con người “đẻ” ra. Con người giảm được chúng thì cũng chính con người sẽ làm chúng tăng lên, thậm chí làm phức tạp thêm. Nghịch lý là ở động lực của việc làm này.

Hãy nhớ lại: Thời bao cấp sản xuất lương thực trì trệ đến mức phải nhập khẩu lương thực. Nguyên nhân chính là vì ruộng đất không được gắn với người cày. “Khoán 10” đã cởi trói cho mối quan hệ này, sản xuất bung ra, sản lượng lương thực tăng vọt và nước ta trở thành một trong vài ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Liệu một “Khoán 10” khác, một “Khoán 10” ở thế kỷ 21 có thể phát huy được tác dụng trong lĩnh vực cải cách hành chính? Hoàn toàn có thể.

Đó chính là một hệ thống và cơ chế gắn chặt trách nhiệm của cán bộ công chức với quyền lợi của họ. Làm sao để họ thấy rõ họ được lợi nhiều hơn khi thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa. Đây là một hệ thống các giải pháp trọn gói nhằm mục đích “cởi trói” động lực ở các cơ quan hành chính nhà nước, chứ không đơn thuần chỉ là một biện pháp đơn lẻ như “khoán chi” đã và đang được áp dụng ở các đơn vị sự nghiệp công. Nếu được như vậy thì chính công chức chứ không phải ai khác sẽ là người chủ động thiết kế và thi công việc hoàn thiện quy trình làm việc, làm cho năng suất và hiệu quả phục vụ tăng lên gấp bội. Nghĩa là cán bộ công chức phải là người làm chủ quá trình cải cách hành chính chứ không phải là đối tượng của nó. Dĩ nhiên họ phải sống được và sống tốt bằng đồng lương của mình, đồng lương tăng lên tới hàng chục lần so với hiện nay nhưng tương xứng với năng suất và hiệu quả phục vụ cũng tăng lên tương ứng. Trong quá trình cạnh tranh đó, tất yếu sẽ dẫn tới sự đào thải tự nhiên. Ai không theo kịp guồng máy năng suất và hiệu quả chóng mặt này thì tự họ sẽ phải rút lui, đi tìm việc khác, nhất là ở khu vực tư nhân. Nếu cải cách theo hướng này thì tổng số tiền lương mà ngân sách phải chi cho đội ngũ cán bộ này (số lượng đã giảm đáng kể) chưa hẳn đã lớn hơn tổng số tiền lương trước cải cách mặc dầu lương của họ đã tăng lên nhiều lần, không thua kém gì ở khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, một mặt phải tăng cường các biện pháp khuyến khích, cả vật chất lẫn tinh thần theo kiểu “Khoán 10” nhằm tạo động lực để người cán bộ công chức chủ động tiến hành cải cách chứ không để họ trở thành người cản trở cải cách. Mặt khác phải không ngừng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, làm “van xả hơi”, tạo ra thị trường lao động hấp dẫn cho sự dịch chuyển của một bộ phận cán bộ công chức không còn thích hợp ở một số vị trí tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Cuộc giải phẫu nào mà không chảy máu, chỉ là ít hay nhiều. Thắng lợi nào mà không có tổn thất. Nhưng chảy máu và tổn thất ở đây chỉ là giọt nước trong biển cả lợi ích được tạo ra cho xã hội. Hãy mạnh dạn cắt bỏ khi khối u đã không còn là u lành nữa. Hãy bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng để thực hiện thành công một “Khoán 10” mới trong lĩnh vực cải cách quan trọng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới