Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khoảng cách nhóm ba

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khoảng cách nhóm ba

Eximbank đã giải ngân được 2.000 tỉ đồng theo hình thức tín dụng cho vay tiền đồng đối với lãi suất ngoại tệ trong chưa đầy hai tháng – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trong vòng chưa đầy hai tháng, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) giải ngân được 2.000 tỉ đồng theo hình thức tín dụng cho vay tiền đồng với lãi suất ngoại tệ.

Mới đây Eximbank công bố dành thêm 3.000 tỉ đồng cho chương trình này. ACB cũng chuẩn bị sẵn sàng 5.000 tỉ đồng tài trợ cho xuất khẩu theo lãi suất đô la Mỹ. Trước đó Vietcombank và tuần trước là Sacombank thông báo áp dụng hình thức trên.

Các ngân hàng lớn đang xoay xở và củng cố vị thế, kéo rộng khoảng cách ngày một xa với những tổ chức tín dụng nhỏ thuộc nhóm ba. 

Cho vay tiền đồng theo lãi suất ngoại tệ, các ngân hàng tìm được chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào khoảng 1-2% tùy theo khách hàng. Các nhà xuất khẩu trả nợ từ nguồn tiền đồng thu được nhờ bán ngoại tệ cho ngân hàng theo một tỷ giá định trước.

Với cách này các ngân hàng ổn định được nguồn ngoại tệ, tránh phải đối đầu với sự khan hiếm khi cung cầu ngoại tệ biến động. Các doanh nghiệp cũng không phải lo tỷ giá lên xuống bởi việc ấn định trước tỷ giá bán cho ngân hàng gần như là một biện pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

So với tín dụng thông thường (cho vay tiền đồng với lãi suất 17,5- 21%/năm và càng cho vay càng lỗ), tài trợ xuất khẩu như trên mang lại lợi nhuận. Đó chỉ là một thí dụ cho thấy các ngân hàng lớn đang xoay xở để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Vietcombank, ACB, Eximbank cho biết họ có khả năng đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay. Bên cạnh đó nợ xấu của các ngân hàng này vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên các ngân hàng nhỏ nhóm ba (số lượng 10-12 ngân hàng, được phân loại theo quy mô vốn điều lệ, vốn huy động, vốn cho vay, kinh doanh ngoại hối) với khả năng quản trị có hạn, đang phải chật vật đối phó với khó khăn.

Nếu như tháng 7-2008 các ngân hàng nhỏ đã lỗ, thì tháng 8-2008 họ tiếp tục ở trong tình trạng thu nhỏ hơn chi. Nợ xấu của những ngân hàng nhỏ cũng đang gia tăng. Đây thực sự là những tín hiệu cần được quan tâm và cần có biện pháp giải quyết kịp thời. Kinh nghiệm chỉ ra rằng việc xử lý yếu kém của những ngân hàng nhỏ không quá phức tạp, nhưng thường kéo dài.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phải không nắm rõ tình hình hoạt động của các ngân hàng nhỏ. Cơ quan quản lý lĩnh vực ngân hàng đang chỉ đạo bộ phận thanh tra làm rõ thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản ở một số ngân hàng. Những biện pháp chấn chỉnh rồi sẽ có. Song vẫn còn những băn khoăn.

Chẳng hạn Nhà nước sẽ hỗ trợ để những ngân hàng này tiếp tục tồn tại hay sáp nhập chúng vào những tổ chức tín dụng lớn để tạo ra những ngân hàng nội địa tầm cỡ thực sự mạnh? Sự sáp nhập nếu có, cần phải diễn ra càng sớm càng tốt, nhưng đến bây giờ, dự thảo quy chế sáp nhập, thâu tóm, chuyển nhượng các tổ chức tín dụng vẫn chưa hoàn tất. Nó mới chỉ trong giai đoạn khởi động.

Mặt khác, ngày 31-12-2008, hạn cuối cùng để tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đô thị lên tối thiểu 1.000 tỉ đồng như quy định của NHNN đang rất gần. Cho đến nay đa số các ngân hàng nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện về vốn. Họ chắc chắn sẽ gặp trở ngại trong việc tăng vốn vì cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu bằng mệnh giá trong khi giá giao dịch cổ phiếu các ngân hàng này trên thị trường OTC đang ở mức dưới mệnh giá. Cá biệt có ngân hàng giá cổ phiếu chỉ còn 8.000 đồng/cổ phiếu.

Vậy thì tại sao NHNN không tận dụng bối cảnh hiện tại để thúc đẩy nhanh hơn việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn thông qua quá trình tăng vốn? Hơn nữa sử dụng tiền ngân sách (cho vay, sau đó hoàn trả cả vốn lẫn lãi) phục vụ cho việc chấn chỉnh các ngân hàng yếu sẽ không thể nhanh gọn và ít tốn kém hơn việc huy động vốn của các cổ đông của ngân hàng lớn (nếu cần) do phải qua nhiều khâu thủ tục. “Đồng tiền liền khúc ruột”, cổ đông của các tổ chức tín dụng lớn có thể giám sát hiệu quả việc sáp nhập hoặc mua lại ngân hàng nhỏ.

Ghi nhận việc tăng vốn của các ngân hàng cổ phần từ đầu năm đến nay cho thấy phần lớn các ngân hàng (như ACB, Đông Á, Quân đội, Eximbank, VPBank, Sacombank) đều chia thưởng, phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư hoặc nguồn dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Cổ đông không phải đóng thêm đồng nào.

Trong điều kiện cổ phiếu ngân hàng không còn là loại chứng khoán nhiều lực hút, góp vốn vào các tổ chức tín dụng nhỏ nơi việc kinh doanh hiện tại không mang lại lợi nhuận, không phải là lựa chọn phổ biến của giới đầu tư. Vì thế lúc này là thời điểm thuận lợi để sáp nhập. Một số ngân hàng, kể cả quốc doanh cho biết họ đang chờ tín hiệu đèn xanh của NHNN.

HẢI LÝ

Tăng cường kiểm soát“

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại các khoản cho vay đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, đầu tư đa ngành…), tăng cường hơn nữa kiểm soát và phòng ngừa rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, hiệu quả những sai sót làm ảnh hưởng đến hoạt động của từng ngân hàng; thực hiện việc đánh giá, xác định thực trạng nợ xấu, mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng để có phương án chủ động khắc phục, bảo đảm an toàn hệ thống; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện quy chế mua bán nợ và thiết lập tổ chức mua bán, xử lý nợ khó đòi cho hệ thống ngân hàng thương mại; sớm xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại, phá sản những ngân hàng gặp vấn đề để có căn cứ pháp lý thực hiện chủ trương về cơ cấu lại đối với những ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm lành mạnh, an toàn của hệ thống”.

(Trích Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nền kinh tế nước ta).  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới