(KTSG Online) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm 25 gói thầu sẽ khởi công trước ngày 15-1-2023 tới, tức trước Tết Nguyên Đán Quý Mão. Đây là những gói thầu được bộ giao cho 7 ban quản lý dự án làm chủ đầu tư và trực tiếp làm bên mời thầu.
- Bộ Giao thông Vận tải thúc tiến độ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
- Không được lùi thời gian hoàn thành cao tốc Bắc - Nam
Trong nội dung kết luận tại cuộc họp trực tuyến về kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ấn định các mốc thời gian khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, đối với 12 gói thầu khởi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần trước ngày 31-12-2022.
Đối với 13 gói thầu còn lại, các Ban quản lý dự án phải hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15-1-2023, trước tết Nguyên đán Quý Mão.
Các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khởi công, sau khi khởi công phải thực hiện ngay việc triển khai thi công.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần với 25 gói thầu, sẽ thi công tổng chiều dài gần 724 km tuyến chính, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (261 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352 km) và Cần Thơ - Cà Mau (111 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 147.000 tỉ đồng.
Chỉ còn hai dự án cao tốc bị thiếu cát san lấp
Đối với vật liệu san lấp là đất, cát, đá... để thi công cao tốc, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến thời điểm này, công tác khảo sát các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 - 2025) đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu các dự án thành phần.
Với 10 dự án thành phần đi qua các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường, với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3.
Hiện nay, chỉ còn hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thiếu cát san lấp. Hai dự án này cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nền đường nhưng mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác còn các địa phương khác trong khu vực chưa có kế hoạch.
Ngoài khai thác các mỏ cát sẵn có. Cần tìm thêm nguồn nguyên vật liệu cho san lấp mặt đường, dùng cát biển, sỉ than từ các nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Duyên Hải… và nhập khẩu cát từ Campuchia.