Thứ tư, 20/11/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở vùng đất cố đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở vùng đất cố đô

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Sau hơn 4 năm “làm quen” với các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế đang muốn đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và xem đây là một kênh quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở vùng đất cố đô
Một dự án khởi nghiệp tại thành phố Huế, hướng đến sống xanh và trải nghiệm. Theo những người trong cuộc, các nhà khởi nghiệp cần sự liên kết mạnh mẽ từ các bên, bao gồm cơ quan nhà nước, tư vấn và nhà đầu tư để phát triển bền vững. Ảnh: Nhân Tâm

Tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 diễn ra hôm nay, 24-9 tại thành phố Huế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, ông Hồ Thắng, cho biết việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh bắt đầu từ năm 2016 với một số kết quả đáng khích lệ.

Tỉnh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu, trao đổi, chia sẻ, kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để liên kết phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue, Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ thông minh Tayta, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương Mại và Dịch vụ Xưa hay Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh là số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Huế và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận việc phối hợp triển khai các hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, còn trùng lắp, chưa phát huy mạnh mẽ trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp. “Các ý tưởng dự án đạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp trong bốn năm qua chưa có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp”, ông Thắng nói và cho biết thêm chất lượng các ý tưởng dự án khởi nghiệp còn thấp.

Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại tỉnh miền Trung này, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án Cố đô khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Hai điểm mấu chốt trong đề án này là xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và phấn đấu 100% các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ từ các chính sách và ưu tiên sử dụng các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế.

Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 diễn ra hôm nay, 24-9-2020 tại thành phố Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco, cho biết qua kinh nghiệm của chính YesHue, nhà cung cấp các gia vị nấu bún bò Huế và kinh doanh khu du lịch sinh thái, bà nhận thấy sự thay đổi cách tiếp cận sẽ là mấu chốt để hoạt động khởi nghiệp tại địa phương phát triển trong thời gian tới.

“Liên kết chéo giữa các cơ quan, ban ngành sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiết kiệm chi phí tiếp thị, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp Huế”, bà Hằng đưa ra ví dụ.

Có cùng quan điểm với bà Hằng, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng (CoPlus) – một đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cho biết việc liên kết trong hỗ trợ khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

Bà Trang lấy ví dụ Onebox – nền tảng tìm kiếm các dịch vụ dành cho các nhà khởi nghiệp. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nền tảng cùng cam kết chất lượng và chính sách hỗ trợ giá dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng khởi nghiệp.

“Là sáng kiến của CoPlus và được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển trong khuôn khổ nhiệm vụ Đề án 844, Onebox là một nền tảng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng và phát triển với các dịch vụ tổng hợp để không phải mất thời gian gõ cửa nhiều nơi riêng lẻ”, bà Trang chia sẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sự hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước, liên kết giữa các bên liên quan, chủ động nguồn vốn và đào tạo nguồn lực là những nhân tố quan trọng để tỉnh phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

“Các nhà khởi nghiệp phát triển nhanh trên nền tảng trí thức và bền vững trên nền tảng văn hóa”, ông Thọ nói và cho biết mục tiêu cuối cùng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ông mong muốn đừng để những đề án chỉ là những trang giấy đẹp mà hãy đưa vào thực tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới