(KTSG Online) – Du lịch xanh, du lịch bền vững hay du lịch gắn với kinh tế tuần hoàn được dự báo là xu thế bắt buộc giúp các điểm đến nâng cao chất lượng, phù hợp với những thay đổi của ngành du lịch trong thời gian sắp tới khi sống chung với dịch.
- Đi tìm lời giải cho ‘Hội An - Điểm đến xanh’ hậu Covid-19
- Kết hợp nông nghiệp và du lịch hậu Covid-19: nhìn từ mô hình PGS Hội An
Từ câu chuyện của Hội An
Hội An là thành phố du lịch, nơi sở hữu các giá trị nổi trội toàn cầu thông qua các danh hiệu mà UNESCO cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, như Đô thị cổ Hội An (1999), Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (2009) và một phần Di sản văn hóa Phi vật thể nghệ thuật hô hát Bài Chòi của cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam (2017), là điểm đến quan trọng trong hành lang di sản miền Trung - Tây nguyên.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, Hội An đã thu hút một lượng khách du lịch rất lớn, từ 3.400 lượt khách (năm 1991) lên trên 5 triệu lượt khách vào năm 2019.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh về du lịch, các loại rác thải phát sinh từ hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tỉ lệ cao (40%) trong tổng số lượng rác thải hàng ngày của thành phố.
Theo thống kê, khối lượng rác thải phát sinh tại thành phố gia tăng dần qua các năm, từ khoảng 65,5 tấn/ngày (năm 2013) đã tăng lên gần 100 tấn/ngày vào năm 2019. Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách cùng với sự tiện nghi trong các dịch vụ du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng rác thải, chủ yếu là rác thải hữu cơ, các loại rác thải nhựa dùng một lần và túi ni lông chiếm đến 23% tổng lượng rác phát sinh, dẫn đến bãi rác tập trung của thành phố tại xã Cẩm Hà quá tải.
“Điều này đặt ra một thách thức lớn cho công tác quản lý môi trường và mục tiêu xây dựng thành phố Hội An sinh thái - văn hóa - du lịch”, ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch thành phố Hội An, chia sẻ tại buổi tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới Hội An điểm đến xanh và phục hồi sau Covid-19 diễn ra sáng ngày 30-9. “Chúng ta thường có quan niệm sai lầm rằng xã hội hiện đại là phải sử dụng nhiều loại bao bì dùng một lần, cốc để mua đồ uống mang đi…để rồi những sản phẩm này sẽ gây ô nhiễm hành tinh trong hàng trăm năm tiếp theo. Như vậy, việc tiêu dùng một cách không bền vững có thể hiện tính hiện đại hay không nếu điều này tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe của chính chúng ta?”
Và khi Covid-19 xảy ra, kinh tế du lịch Hội An nói riêng của Hội An bị ảnh hưởng nặng nề vì hơn 80% lao động ở đây phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp vào du lịch. Tuy nhiên, trong hai năm qua, doanh nghiệp với chính quyền tại thành phố miền Trung này xem đây là cơ hội để chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường.
Theo ông Lý, việc tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc gia tăng khối lượng chất thải. Ngược lại, một mô hình kinh tế và xã hội bền vững có thể thực hiện được nếu tất cả các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm thiểu chất thải.
Và trong hơn một năm qua, đã có khoảng 40 doanh nghiệp đi theo con đường này nhằm hướng đến một thương hiệu, sản phẩm du lịch không chỉ chất lượng mà còn phải sinh thái, thân thiện với môi trường, thậm chí một số doanh nghiệp thực hiện dịch vụ tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa giá trị thấp. La Siesta, Silk Senses, The Field, Vườn Ông Thọ, hay Khu cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành là một số cái tên nổi bật.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Đồng sáng lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cũng chia sẻ: “GreenHub thực hiện dự án Giảm ô nhiễm nhựa với các giải pháp địa phương tại thành phố Hội An, với sự tài trợ của USAID, mong muốn thúc đẩy các sáng kiến, thực hành tốt của khối doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, kết nối các bên liên quan, hướng đến Hội An trở thành điểm đến xanh, giảm rác nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn, là tiền đề để nhân rộng quy mô tới các địa phương khác và cả nước”.
Đến xu thế du lịch sắp tới
Và để tạo ra một hướng đi bền vững hơn, thành phố Hội An cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã ký kết “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến xanh - giai đoạn 2021 - 2023” với sự hỗ trợ từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cũng như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
“Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp. Các nhà hàng, khách sạn cũng phải truyền thông, kêu gọi khách và mọi người cùng tham gia. Một doanh nghiệp thay đổi thì hàng trăm doanh nghiệp thay đổi, từ đó tạo ra hệ sinh thái”, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm và nhấn mạnh chỉ có du lịch xanh mới có dòng khách tích cực hơn, từ đó nâng cao chất lượng điểm đến.
Theo ông Thanh, hiệp hội hướng tới 100 doanh nghiệp tham gia và tái chế thành công 30% rác thải tại Hội An đến năm 2023. Muốn làm được như vậy cần có sự đi sâu đi sát vào cộng đồng.
Tại buổi tọa đàm, theo nhận định từ các doanh nghiệp cũng như chuyên gia, cách làm của Hội An và Quảng Nam hiện nay là phù hợp với xu thế. Các địa phương du lịch tại Việt Nam, tùy đặc thù của mình sẽ phải đi theo xu thế này nếu muốn nắm bắt cơ hội để phục hồi sau dịch.
Bà Hoàng Ngọc Mai, đại diện của Outbox Consulting – một đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn du lịch – cho biết bên cạnh việc “phủ” vaccine – một yêu cầu bắt buộc, hơn một nửa du khách trên toàn cầu có xu hướng đi du lịch bền vững và họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho điều đó. “Tiết kiệm năng lượng là một trong những lý do khi khách chọn điểm đến và nhà cung cấp dịch vụ du lịch” bà Mai đưa ra ví dụ. “Các khách sạn tăng trải nghiệm cho du khách”.
“Dùng sản phẩm xanh chưa chắc là chúng ta đảm bảo kinh tế tuần hoàn. Chúng ta phải hiểu giá trị kinh tế, giá trị môi trường để thực hiện thì mới đảm bảo phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, chia sẻ tại tọa đàm qua công cụ trực tuyến Zoom. “Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong hỗ trợ và lồng ghép chính sách.”
Ông Quân ủng hộ Hội An và Quảng Nam làm kinh tế tuần hoàn lồng ghép với du lịch thông qua nông nghiệp xanh, sạch và gợi ý Hội An có thể đưa ra khung phát thải khí nhà kính, như một điểm nhấn cho du lịch Hội An bên cạnh chiến lược điểm đến xanh hiện nay.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình Biển và Tài nguyên Ven bờ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cũng chia sẻ: Ý tưởng xây dựng Khung Kế hoạch nói trên đươc IUCN và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Hội An lên ý tưởng từ năm 2019. Ngày hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi thấy ý tưởng này đã trở thành hiện thực với sự tham gia và cam kết của 36 doanh nghiệp tại địa phương”.
Theo bà Hiền, trong thời gian tới, IUCN sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương và các tổ chức đối tác cùng thực hiện kế hoạch này, hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái tái chế góp phần giảm rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại thành phố Hội An.
Đứng trên quan điểm cơ quan nhà nước về du lịch, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, nhìn nhận một khách sạn chỉ xây phòng cho khách ở, chỉ lấy giá theo thị trường thì sẽ không bền vững lâu dài.
“Nếu chúng ta tăng thêm giá trị trải nghiệm tại nơi lưu trú thì sẽ tăng thêm giá trị trong sản phẩm”, ông cho biết và đồng ý rằng việc chọn lựa cho du lịch xanh là xu thế tất yếu của ngành du lịch Quảng Nam nói riêng.
Theo ông Tường, sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cá nhân làm du lịch xanh, tái chế bên cạnh ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp du lịch, các khu điểm để có thể đón các dòng khách sắp tới.
UBND thành phố Hội An và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) ngày 30-9 tổ chức lễ ký kết và công bố “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội AN - Điểm đến xanh - giai đoạn 2021 - 2023”. Sau lễ công bố là buổi tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới Hội An điểm đến xanh và phục hồi sau Covid-19.Chương trình nằm trong khuôn khổ “Chương trình đối tác chiến lược IUCN Việt Nam - PRO Việt Nam” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (Local Solutions for Plastic Pollution)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub).Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đồng hành cùng chương trình với tư cách là nhà bảo trợ truyền thông.