Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không bảo vệ được bản quyền giống cây trồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không bảo vệ được bản quyền giống cây trồng

Ngọc Hùng

Đại diện Công ty cổ phần đường Biên Hòa (phải) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường ký hợp đồng nghiên cứu và phát triển công nghiệp mía đường. Ảnh: Quang Ngọc

(TBKTSG Online) – Mặc dù đã ký biên bản ghi nhớ để mua bản quyền hai giống lúa thuần chủng là OM 6600 và OM 4488 của Viện lúa ĐBSCL nhưng ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần miền Nam cho biết, nhiều khả năng sẽ hủy thương vụ này vì luật bản quyền không bảo vệ được lợi ích của doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại.

Luật không giúp được doanh nghiệp

Tại hội thảo giới thiệu và chuyển giao bản quyền giống cây trồng, quy trình công nghệ tại các tỉnh phía Nam do Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 26-5 đã có nhiều ý kiến đưa ra để tìm biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm luật bản quyền về giống cây trồng. Tuy vậy, khi kết thúc hội nghị, theo các đại biểu thì phải chờ các cơ quan chức năng có những quy định cụ thể và không biết phải chờ cho đến khi nào.

Ông Thành cho biết, theo luật sở hữu trí tuệ và luật bản quyền thì khi công ty ông mua bản quyền hai giống lúa OM 6600 và OM 4488, nghĩa là công ty ông độc quyền sản xuất và phân phối hai giống lúa này. Song trên thực tế, có rất nhiều công ty sản xuất giống cũng bán ra thị trường hai loại giống này.

“Chúng tôi bỏ ra một số tiền lớn để mua bản quyền sản xuất giống lúa nhưng thực tế thì ngoài công ty chúng tôi còn có nhiều công ty giống cây trồng khác cũng sản xuất bán giống lúa này. Chúng tôi có bằng chứng họ vi phạm nhưng không có cách nào bảo vệ được mình. Vậy chúng tôi chẳng dại gì mà bỏ tiền tỉ để mua thứ mà chúng tôi không độc quyền được”, ông Thành bức xúc.

Cùng quan điểm đó, ông Bùi Ngọc Tuyển, Phó giám đốc Trung tâm khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng Nam bộ cho rằng, vị phạm bản quyền sản xuất giống cây trồng của nước ta ở thời điểm này khá tràn lan, khó quản lý, cho dù có bằng chứng rõ ràng cũng chưa chắc phạt hành chính được.

Ông Thành dẫn chứng, hiện giống lúa Nàng Hoa 9 đã được ông Lê Hồng Ân, giám đốc công ty TNHH Hoa Tiên (TPHCM) lai tạo và đăng ký bằng bảo hộ, nghĩa là công ty Hoa Tiên toàn quyền sản xuất và phân phối giống trên thị trường nhưng trên thực tế có rất nhiều công ty sản xuất giống lúa cũng bán giống lúa này dưới tên gọi NH9.

“Hiện giống lúa này được nhiều công ty sản xuất giống khác nhau bán tràn lan tại Long An, Tiền Giang, công ty Hoa Tiên biết nhưng không có cách nào để giải quyết”, ông Tuyển cho hay.

Giá bản quyền giống quá rẻ

Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, hiện viện đã sản xuất thành công giống lúa chịu hạn, chịu mặn và bán bản quyền sản xuất và phân phối giống lúa này cho một công ty với giá 3 tỉ đồng.

“Đây là giống lúa mới, thích ứng với biến đổi khí hậu vì thế chúng tôi muốn giống lúa này nhanh chóng đến tay người nông dân nên mới bán bản quyền cho doanh nghiệp với giá rẻ như vậy vì chỉ cần 1 năm là doanh nghiệp đã thu hồi được vốn”, ông Bửu nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên hàng lang hội nghị, ông Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô (bắp) cho biết, năm 2011 viện đã bán 3 giống bắp lai cho 3 công ty sản xuất giống khác nhau. Giá một loại giống bắp chỉ ở mức 3 tỉ đồng và với mức giá này thì doanh nghiệp chỉ cần 2 năm là thu hồi được vốn.

“Hiện nay, bản quyền giống cây trồng rất rẻ nhưng không phải loại giống nào được các nhà khoa học làm ra đều có thể bán được vì vướng rất nhiều thủ tục”, ông Triệu nói.

Theo nhiều đại biểu, giá bản quyền giống cây trồng được bán rẻ như vậy là một phần do vướng mắc ở những thủ tục, hành chính về việc bảo vệ quyền tác giả đối với bản quyền cây trồng không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cũng tại hội nghị này, có 5 doanh nghiệp đồng ý mua bản quyền sản xuất giống từ các thành viên thuộc Viện khoa học kỹ thuật Việt Nam từ vài trăm triệu đến dưới 2 tỉ đồng. Theo ông Bửu mức giá này là khá rẻ và số lượng quá ít nếu so với mức bình quân của thế giới.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để có thể bán bản quyền hay quyền sử dụng một loại giống cây trồng nào đó thì bắt buộc giống đó phải đăng ký bảo hộ với Cục trồng trọt.

“Lâu nay, các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo giống mới bằng ngân sách nhà nước nên họ có tâm lý là không dám đăng ký bảo hộ mặc dù luật không cấm nên mới có tình trạng giống cây trồng mới được lai tạo nhiều nhưng không thể bán bản quyền cho doanh nghiệp được”, ông Hòa lý giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới