Không cần chờ phản đòn, các hãng công nghệ Mỹ đã bị đối xử…tệ từ trước
Phan Nhật
(TBKTSG) – Đầu năm ngoái, tại một hội thảo thuộc khóa học mà tôi tham gia tại Nhật Bản, một cô bạn người Trung Quốc đã xác nhận sự thật rằng, ở Trung Quốc người dân bị xem là vi phạm khi đăng nhập vào các trang mạng phổ biến như Google hay Facebook. Đây là cách để Trung Quốc ngăn cản cạnh tranh, tạo cơ hội cho các trang mạng nội địa.
Thực tế, người dùng trẻ Trung Quốc có thể dùng thủ thuật để vượt tường lửa và tiếp cận với cộng đồng trực tuyến quốc tế. Tuy nhiên, kết quả từ một vài cuộc khảo sát được tờ New York Times thực hiện cho thấy, người Trung Quốc ngày càng không có nhu cầu lớn trong việc tiếp cận các trang tin quốc tế, kể cả khi họ có thể dễ dàng sử dụng các công cụ vượt tường lửa miễn phí.
Lý do cho sự hình thành thói quen đó là do người dùng Trung Quốc đã có Google, Facebook hay Amazon “made in China” của riêng họ: Baidu, WeChat và Alibaba.
Cần phải ghi nhận sự thành công của các hãng công nghệ Trung Quốc trước những kết quả đó. Nhưng không thể phủ nhận, công cụ kiểm soát về mặt hành chính đã hỗ trợ rất lớn cho sự ra đời và lớn mạnh của các trang mạng Trung Quốc. Cụ thể, chương trình Tường lửa vĩ đại (hay Phòng hỏa trường thành/Great Firewall), được Trung Quốc chính thức áp dụng từ giữa những năm 1990, đã góp phần cản trở bước tiến, sự thâm nhập của các hãng công nghệ bên ngoài, dọn đường cho các công ty công nghệ nội địa tiến lên.
Thậm chí, ngay cả khi Trung Quốc đặt chân vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc cũng không dại để “dính” vào các cam kết bảo đảm nhân quyền để buộc phải nới lỏng tự do Internet và tiếp cận thông tin trên không gian mạng. Ngược lại, hơn 850 triệu người dùng Internet Trung Quốc (tính đến năm 2019) vẫn phải tiếp tục đối diện với hệ thống kiểm duyệt thông tin ngày càng được cải tiến và phức tạp thuộc dạng bậc nhất trên thế giới.
Đương nhiên, các ông lớn công nghệ Mỹ cũng không phải là ngoại lệ, nếu không muốn nói là chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất. Đơn cử như trường hợp của Google, trang mạng này bị chặn khoảng 10% thời gian và chỉ có thể chạy với tốc độ rùa bò khi lần đầu tiên tung ra phiên bản tiếng Trung vào năm 2000. Sau lần bị chặn hoàn toàn trong suốt chín ngày vào năm 2002, Google chính thức bị chặn trở lại từ năm 2003 để rồi thất thủ trước Baidu như đã nói.
Tính đến năm ngoái, Trung Quốc đã đặt tường lửa ngăn chặn đến khoảng 10.000 trang web, trong đó đương nhiên có cả Facebook, Instagram và WhatsApp; các hãng tin tức như Bloomberg, The Wall Street Journal và The New York Times hay cả các công cụ hỗ trợ phổ biến như Dropbox và Google Drive… Thậm chí, khi một giai đoạn mới tăng cường kiểm soát mở ra từ năm 2015, danh sách các trang thông tin bị ngăn chặn gần đây tiếp tục kéo dài đến đến tờ Washington Post và Guardian.
Bên cạnh những lo lắng về các luồng thông tin có thể có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, các quyết định này trở thành các rào cản thị trường quan trọng đối với hoạt động công nghệ tại thị trường nội địa Trung Quốc như đã nói.
Chính quy mô thị trường Trung Quốc cũng là một trong những điều kiện mang tính tiên quyết cho sự lớn mạnh của các công ty công nghệ, và cả nhãn hàng khác của Trung Quốc. Rõ ràng, với quy mô thị trường hơn 1 tỉ dân, Trung Quốc từ lâu đã có thể có đủ lực để “lớn giọng”, ngay cả đối với các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ khác.
Tại không ít quốc gia, đơn cử như Việt Nam, không ít hãng công nghệ và trang mạng ra đời sau đã nhanh chóng chết yểu. Ngược lại, đối với thị trường Trung Quốc, ngay cả khi giới hạn đối tượng người dùng tại “ao nhà”, một trang mạng nội địa vẫn có thể sống khỏe. Thậm chí, số lượng người dùng Internet tại Trung Quốc còn nhiều hơn Mỹ gấp 2,5 lần. Điều này lý giải vì sao nhiều công ty công nghệ Mỹ cho đến thời điểm hiện tại vẫn nhìn thị trường Trung Quốc như cách cáo nhìn chùm nho xanh.
Cho nên, bên cạnh những phản ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện, kiểu như Mỹ và các nước châu Âu đã sai lầm khi để Trung Quốc hưởng chính sách thương mại của một nền kinh tế đang phát triển khi gia nhập WTO, còn có những cay đắng về những thua thiệt của các công ty công nghệ Mỹ tại thị trường của đối thủ. Thậm chí, đường sống của các công ty công nghệ nước ngoài tại Hồng Kông trong những ngày tới cũng có nguy cơ bị triệt khi Trung Quốc quyết định áp đặt luật an ninh mới lên phần lãnh thổ này.
Không phải đến thời của ông D.Trump mới có những phản ứng đối nghịch với Trung Quốc. Giới phân tích trước đây cho rằng, cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama cũng nhìn thấy thực tế đau lòng đó. Tuy nhiên, ở thời điểm đó ông Obama cũng chỉ “nhẹ nhàng” khuyên nhủ Trung Quốc nên chấm dứt tình trạng kiểm duyệt và ngăn sông cấm chợ dịch vụ Internet.
Trước sau như một, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Internet lần thứ hai năm năm trước từng tuyên bố: Mỗi quốc gia có quyền tự quyết trong việc lựa chọn không gian mạng cho riêng mình. Không những thế, theo báo cáo của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ, sau 17 năm Trung Quốc gia nhập WTO, quốc gia này vẫn không ngừng theo đuổi chính sách “thúc đẩy, hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời tìm cách cản trở, làm bất lợi và gây tổn hại cho các đối tác nước ngoài”.
Điều đáng nói là, trong tình thế đó, Mỹ nhiều năm qua vẫn rất “quân tử” mở cửa thị trường để các hãng công nghệ Trung Quốc tiếp cận thị trường cộng đồng người Hoa bên ngoài và cả người dùng Mỹ. Kết quả, từ vị thế thống lĩnh thị trường nội địa, Tiktok, Wechat… bắt đầu đe dọa các ứng dụng và trang mạng xã hội tại chính thị trường của Mỹ.
Quan hệ thương mại đó rõ ràng bất cân xứng. Và có lẽ, Tổng thống Donald Trump đã nhận thấy rằng, tiếp tục “quân tử” với các hãng công nghệ Trung Quốc chẳng khác gì một… anh hùng rơm nên quyết định “ra đòn”.