Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư cũng thua lỗ nặng

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - …Nhưng so với các nhà đầu tư khác, các quỹ đầu tư với nguồn lực tài chính dồi dào cùng khả năng quản trị tài sản/tiền mặt, đã có thể chủ động hơn trong việc xử lý các vị thế và quản trị danh mục của mình.

Làn sóng bán tháo càn quét các loại danh mục, tài khoản

Không chỉ đánh mất thành quả lãi của hai năm tăng trưởng 2020-2021 ở thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã chứng kiến danh mục chuyển sang lỗ do ảnh hưởng của làn sóng bán tháo suốt những tháng vừa qua. Tính từ đầu tháng 4 cho đến phiên giao dịch đầu tuần này (7-11-2022), chỉ số VN-Index đã bốc hơi gần 35% giá trị, trong đó hai chuỗi giảm mạnh nhất là từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 và từ đầu tháng 9 cho đến nay.

Và không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, các doanh nghiệp ham mê lướt sóng cổ phiếu ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, mà ngay cả những nhà đầu tư tổ chức lớn, các quỹ đầu tư với nguồn lực và kinh nghiệm dày dạn, khả năng tiếp cận các nguồn dữ liệu phong phú và phân tích vượt trội, cũng chứng kiến mức thua lỗ nặng nề.

Đơn cử như quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital, sau khi chứng kiến giá trị tài sản ròng (NAV) giảm gần 15% trong tháng 9, thì tháng 10 tiếp tục ghi nhận mức lỗ 14%, tương đương giảm gần 259 triệu đô la Mỹ (xấp xỉ 6.132 tỉ đồng), xuống còn hơn 1,55 tỉ đô la Mỹ, do sự lao dốc của cổ phiếu ngành bất động sản mà quỹ này đang nắm giữ khá lớn.

Hiệu suất của quỹ này tính từ đầu năm đến nay đã âm 39,67%, cao hơn so với mức giảm của VN-Index. Tốp 10 danh mục đầu tư của quỹ hiện tại gồm ACB tỷ trọng 12,4%; VPB 11,78%; MWG 10,9%; FPT 5,23%; GAS, VCB, HPG, BCM, VHM, PNJ. Trong đó đã có những mã sụt giảm sâu đến 60-70% tính từ đầu năm đến nay như HPG, VHM.

Một quỹ ngoại khác là Vietnam Holding Limited (VNH) cũng chứng kiến mức lỗ hơn 36% trong 10 tháng đầu năm, riêng tháng 10 lỗ hơn 4%. Tổng tài sản của VNH do đó đã giảm đáng kể, từ 200,4 triệu đô la Mỹ thời điểm tháng 6-2021 còn 129,1 triệu đô la Mỹ vào tháng 6-2022 và đến ngày 3-11-2022 chỉ còn 96,6 triệu đô la Mỹ, tương ứng giảm một nửa trong vòng hơn một năm qua.

Tương tự, quỹ Lumen Vietnam Fund ghi nhận hiệu suất âm 8,3% trong tháng 10, đưa hiệu suất từ đầu năm đến nay âm 29,7%.

Việc duy trì tỷ lệ tiền mặt cao không chỉ giúp các quỹ đảm bảo nguồn tài chính trong bối cảnh thanh khoản hiện căng thẳng, sử dụng vốn hiệu quả hơn trước xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây, mà còn mang đến cơ hội lựa chọn các cổ phiếu đã giảm về vùng hấp dẫn, chờ thời cơ mua vào và tái cơ cấu lại danh mục.

Hay như quỹ đầu tư đến từ Phần Lan là PYN Elite với danh mục đầu tư đã lỗ xấp xỉ 40% tính từ đầu năm, ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.

Trong đó, riêng tháng 10 ghi nhận mức lỗ hơn 15%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2020- thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành ở Việt Nam.

Được biết trong danh mục của quỹ PYN Elite có đến hai cổ phiếu bất động sản nằm trong tốp 3 khoản nắm giữ của quỹ là VHM và VRE, ngoài ra còn các cổ phiếu ngân hàng như CTG, TPB, MBB, HDB cũng giảm sâu.

Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), một trong những quỹ ETF lâu đời và lớn nhất thị trường Việt Nam với danh mục 320 triệu đô la Mỹ, cũng không thể tránh khỏi sự càn quét trong làn sóng bán tháo vừa qua của thị trường. Quỹ này ghi nhận hiệu suất danh mục giảm 46,5% từ đầu năm đến nay. Tổng tài sản ròng của quỹ giảm mạnh từ 366 triệu đô la Mỹ xuống còn 320 triệu đô la Mỹ tính từ giữa tháng 8 tới nay.

Một quỹ ngoại lâu năm khác là FTSE Vietnam ETF cũng lỗ hơn 45%.

Ngoài ra còn có JPMorgan VOF lỗ gần 42%, SSIAM VNFinlead ETF lỗ gần 40% và Fubon ETF lỗ gần 35%. Trong khi đó, KIM Vietnam Korea (lỗ 32%), DCVFM VN30 ETF (lỗ 32,46%) và LionGlobal Vietnam Fund (lỗ 31,75%) có hiệu suất “tệ” gần như ngang bằng VN-Index.

Quỹ có thành tích “tốt” nhất thị trường thuộc về VOF VinaCapital và DCVFM VNDiamond ETF khi để mất mát dưới 30%.

Tăng tiền mặt, chọn hàng và chờ thời cơ

Dù vậy, không như các nhà đầu tư cá nhân trở nên hoảng sợ và bán tháo theo đám đông trong các phiên thị trường lao dốc mạnh, hay các lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ bị buộc phải bán giải chấp và chấp nhận mức thiệt hại lớn, các quỹ đầu tư với nguồn lực tài chính dồi dào cùng khả năng quản trị tài sản/ tiền mặt, đã có thể chủ động hơn trong việc xử lý các vị thế và quản trị danh mục của mình.

Chứng kiến những rủi ro của thị trường, các quỹ này gần đây đã tích cực nâng tỷ trọng tiền mặt lên cao hơn. Như quỹ VEIL đã nâng tỷ trọng tiền mặt lên cao kỷ lục trong bối cảnh thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch Covid -19 vào tháng 3-2020, cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.

Theo đó, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của quỹ vào cuối tháng 10 nâng lên mức xấp xỉ 9,5%, tương đương hơn 147 triệu đô la Mỹ (khoảng 3.655 tỉ đồng). So với mức 1,77% vào cuối tháng 9, tỷ trọng tiền mặt của quỹ đã tăng thêm 7,72 điểm phần trăm.

Quỹ VNH cũng duy trì tỷ trọng tiền mặt cao nhất có thể. Theo ông Craig Martin, người đứng đầu quản lý quỹ, cho biết tỷ lệ tiền mặt đã được nâng từ mức 2-3% thông thường lên mức 6% gần đây.

Việc duy trì tỷ lệ tiền mặt cao không chỉ giúp các quỹ đảm bảo nguồn tài chính trong bối cảnh thanh khoản hiện căng thẳng, sử dụng vốn hiệu quả hơn trước xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây, mà còn mang đến cơ hội lựa chọn các cổ phiếu đã giảm về vùng hấp dẫn, chờ thời cơ mua vào và tái cơ cấu lại danh mục.

Thực tế đã có quỹ tận dụng diễn biến thị trường lao dốc vừa qua, bắt đáy mua vào để nâng tỷ lệ sở hữu tại một số doanh nghiệp mục tiêu.

Như trong phiên giao dịch 31-10-2022, ba quỹ thuộc nhóm Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 1,66 triệu cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí. Trong đó, Norges Bank mua vào 1,5 triệu cổ phiếu; Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 100.000 cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balanced Fund mua vào 60.000 cổ phiếu.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại này tại PVD tăng từ 7,79% lên 8,09%, tương ứng lượng nắm giữ gần 45 triệu cổ phiếu. Trước đó, vào tháng 9-2022, Dragon Capital mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu PVD, tăng sở hữu từ 4,77% lên 5,33%, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 7-9.

Hay như quỹ VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) tiếp nối đà mua ròng mạnh mẽ từ 30-9 đến 21-10. Trong 10 ngày cuối tháng 10 quỹ này tiếp tục chi tiền mua ròng các mã cổ phiếu Việt Nam và không bán bất kỳ mã nào. Trong đó mạnh nhất vẫn là HPG (236.000 cổ phiếu), VHM (163.000 cổ phiếu), SSI (135.000 cổ phiếu), VRE (127.000 cổ phiếu), VND (127.000 cổ phiếu).

Về cơ cấu, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam vẫn giữ nguyên so với mốc ngày 21-10 là 76,93%. Trong đó, mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là VHM (7,72%), NVL (7,48%) và VNM (7,3%).

Trong khi đó, dù cho biết “rất bối rối và ngạc nhiên trước tình hình hoạt động yếu kém như vậy của thị trường chứng khoán”, người đứng đầu quỹ PYN Elite là ông Petri Deryng vẫn lạc quan nói rằng “không cần quá lo ngại về danh mục của PYN Elite” vì nền tảng của nền kinh tế Việt Nam vẫn lành mạnh và các đợt nâng lãi suất chỉ làm chậm lại đà tăng trưởng đôi chút. Ngoài ra, hoạt động thanh tra giám sát tuy trong ngắn hạn gây ra tâm lý yếu trên thị trường, nhưng về lâu dài sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới