Thứ sáu, 2/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không để đầu cơ cộng hưởng vào lạm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không để đầu cơ cộng hưởng vào lạm phát

Phó chủ nhệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung lo ngại tình trạng đầu cơ có thể đẩy lạm phát lên cao sau tháng 6 - Ảnh: K.H

(TBKTSG Online)- Bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội hôm 14-5, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Lê Quốc Dung, về những nguy cơ hiện tại của nền kinh tế.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Thưa ông, theo một số dự báo, sau tháng 6, hết thời hạn kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu, sẽ có biến động mạnh. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Quốc Dung: Theo tôi biết sau tháng 6, sẽ có mặt hàng điều chỉnh giá, có thể là xăng dầu. Tình hình kinh tế đang có mâu thuẫn với nhiều bài toán khó giải đáp. Một mặt xu hướng lạm phát mới giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao. Giá một số mặt hàng quan trọng ở thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá dầu. Tình hình suy giảm kinh tế của Mỹ, châu Âu và khu vực Đông Nam Á cũng chưa thể đưa ra những dự báo sẽ dừng ở mức độ nào. Nền kinh tế Việt Nam cũng tiềm ẩn xu hướng xấu sẽ bùng phát nhiều vấn đề về giá cả, xuất khẩu, cạnh tranh.

Mâu thuẫn nữa là có một số mặt hàng vẫn còn bao cấp về giá. Nếu theo trượt giá thị trường thì phải đẩy giá lên rồi. Nhưng đẩy giá lên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng, đến đời sống, đến chỉ số giá tiêu dùng. Cộng hưởng cả hai yếu tố trong và ngoài nước thì sẽ đẩy lạm phát rất căng.

Tôi đang theo dõi trong tình hình hiện tại các ngân hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào. Theo một số thông tin tôi biết, với mức lãi suất cao như hiện tại, vay để sản xuất là khó khăn. Vay vốn chỉ chống đỡ và cầm cự sản xuất. Với những tác động như vậy, giá bán sản phẩm xuất khẩu sẽ phải rất đắt. Trong khi ở các nước khu vực, lãi suất cho vay rất thấp, giá sản phẩm hạ hơn thì doanh nghiệp Việt Nam càng khó cạnh tranh hơn. Vì thế, tăng trưởng GDP mức 7% cũng là một con số rất hoài nghi.    

Có ý kiến của các chuyên gia kinh tế cảnh báo, có hiện tượng đầu cơ để đẩy giá lên sau tháng 6. Ủy ban Kinh tế sẽ thực hiện việc giám sát như thế nào nếu hiện tượng này xảy ra?

Đó là tâm lý có thật và có thể đầu cơ vì người ta thấy lạm phát nên phải tích trữ và bán ra khi được giá. Quốc hội thực hiện việc giám sát Chính phủ còn Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ các tổng công ty, tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu làm sao để cho việc lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường. Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức các đoàn giám sát cùng Chính phủ, nếu không, để tình trạng đầu cơ cộng hưởng vào thì sẽ rất là nguy hiểm. ·   

Tỷ lệ nhập siêu 4 tháng đầu năm đã đạt mức hơn 11 tỉ đô la Mỹ và bằng 60,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo ý ông, muốn giảm tỷ lệ nhập siêu Chính phủ nên có những biện pháp gì và đẩy mạnh xuất khẩu có phải là biện pháp tối ưu hay không?

Đúng là nhập siêu ngày càng trở nên lớn hơn. Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu, đầu cơ để chống chọi với sự tăng giá của thế giới thì cũng nên nhìn nhận khách quan, đúng mức.

Nhập siêu tăng dẫn đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán sẽ khó khăn. Nhà nước phải thực hiện việc điều tiết qua ngân hàng để cung ứng ngoại tệ. Ngoại tệ hiện đang khan hiếm là một biểu hiện của việc thiếu đô la vì nhập khẩu tăng. Nhà nước phải  điều chuyển dự trữ và đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp.

Song, những điều tiết này phải được tiến hành thận trọng. Biện pháp khác là kiểm soát việc nhập hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ.      

Nhưng hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ như ô tô chiếm tỷ trọng chưa đầy 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu và 92% thuộc về máy móc và tư liệu sản xuất? Như vậy có ngăn được nhập siêu hiệu quả không?

Vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu lại sản xuất, đặc biệt là phát triển công nghiệp phụ trợ. Điều này đáng lẽ phải làm lâu rồi nhưng Nhà nước lại bỏ rơi. Đối với hàng nông nghiệp, xuất khẩu thô nhiều quá. Lẽ ra phải có chiến lược đầu tư chế biến để đẩy giá trị lên. Ví dụ như cao su xuất thô hầu hết, cà phê cũng xuất thô đến 90%, mất cân đối xuất khẩu.   

Nhiều ý kiến cho rằng việc can thiệp của Nhà nước bằng các mệnh lệnh hành chính chỉ nên áp dụng trong thời điểm hiện tại thôi và cơ bản vẫn phải trả giá cả về cho thị trường?

Đúng vậy. Nếu Nhà nước can thiệp nhiều quá sẽ làm méo thị trường. Nhưng trong một số thời điểm thì lại rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng sai lệch và dẫn đến tình trạng bong bóng chung của nền kinh tế. 

Theo ông, thời điểm nào dừng việc này là phù hợp?

Tôi hiểu là Chính phủ cũng muốn dừng lắm nhưng khả năng dự trữ, tiềm năng có hạn nên cũng phải lựa chọn thời điểm để giảm bớt.  

Ủy ban Kinh tế sẽ làm gì nếu tình hình này chưa thể dừng được ngay?

Chúng tôi sẽ có ý kiến. Ngay khi ổn định, phải trả giá cả về với đúng quy luật thị trường.

NGỌC LAN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới