Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không dễ huy động vốn trung dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ huy động vốn trung dài hạn

Người dân hiện nay có tâm lý không thích gửi tiền tại ngân hàng dài hạn. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Nhu cầu vốn trung dài hạn ở một số ngân hàng đang tăng, nên các ngân hàng thương mại sẽ tăng cường phát hành các giấy tờ có giá với lãi suất cao để huy động vốn. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện việc huy động này.

Ngân hàng lớn vào cuộc

Khá nhiều ngân hàng lớn đều xúc tiến cho việc ra đời các sản phẩm nhằm thu hút vốn trung dài hạn để phục vụ cho các khách hàng của mình. Việc chuẩn bị này không chỉ bây giờ mới bắt đầu mà đã nhen nhóm từ tháng 3, khi cơ chế tín dụng của các ngân hàng đã có phần nới lỏng hơn cho doanh nghiệp.

VietinBank cho biết trong vòng hai tháng bắt đầu từ ngày 15-4, ngân hàng sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh đợt 1 năm 2009 với lãi suất khá hấp dẫn (mức cao nhất là 9%) so với mức lãi suất bình quân 7,8-8,4% của các ngân hàng trên thị trường. Tổng mệnh giá phát hành của đợt này sẽ là 6.000 tỉ đồng với năm loại kỳ hạn là 6, 9, 12, 24 và 36 tháng. Lãi suất nằm trong khoản từ 7,9% đến 9%/năm, cao hơn khoảng một điểm phần trăm so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của các ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, chứng chỉ tiền gửi này không được rút vốn trước hạn.

Trước đó, BIDV cũng có đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với các kỳ hạn 1, 2, 3, và 5 năm và mức lãi suất năm đầu tiên dao động ở mức 8,2%-8,6%. Ngân hàng Sacombank cũng đang có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để thu hút vốn trung hạn.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết năm nay ACB có dành ngân sách cho vay dài hạn với các tổng công ty lớn khoảng 10.000 tỉ đồng. Nhưng có thể ngân hàng sẽ tính toán lấy thêm một phần vốn từ hạn mức 6.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trước đây để chuyển qua cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, ACB cũng đang tích cực phát hành các giấy tờ có giá dài hạn. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đồng ý cho ACB phát hành 11.000 tỉ đồng giấy tờ có giá dài hạn trong năm 2009.

Ngân hàng nhỏ e ngại

Các ngân hàng cổ phần cho biết họ luôn có nhu cầu vốn trung và dài hạn nhưng cơ cấu vốn huy động hiện nay khoảng 80-90% là vốn ngắn hạn. Vì thế, để phát hành giấy tờ có giá dài hạn thì các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình phải tính toán rất kỹ.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết muốn phát hành giấy tờ có giá trung dài hạn thành công thì lãi suất phải cao, nhưng đi kèm đó là rủi ro khá lớn cho ngân hàng. “Nếu lãi suất cơ bản tiếp tục giảm trong khi ngân hàng đã huy động vốn trung dài hạn lãi suất cao thì sẽ thiệt thòi rất nhiều”, bà Xuyến nói.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn có nguồn vốn gửi thanh toán không kỳ hạn lớn từ các doanh nghiệp lớn, nên lãi suất đầu vào bình quân của các ngân hàng này sẽ giảm thấp.

Thêm vào đó, các ngân hàng cổ phần cũng không dễ dàng tìm được các dự án tiềm năng để cho vay, bà Xuyến phân tích. Vì thế, hiện Đông Á vẫn chưa có kế hoạch phát hành giấy tờ có giá để thu hút vốn trung dài hạn, mà chỉ dùng trong hạn mức 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng chỉ sử dụng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Bà Tâm cho rằng thời gian gần đây tín dụng của các ngân hàng nới lỏng hơn, giá vật tư cũng rẻ hơn, thị trường nhà đất ấm dần lên nên các dự án bắt đầu khởi động lại, làm nhu cầu vốn trung dài hạn tăng. Tuy nhiên, cũng như Đông Á, Techcombank vẫn chưa có kế hoạch gì cho vấn đề này.

Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, dư nợ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ của các ngân hàng là khoảng 40%, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn của các ngân hàng từ dân cư trung bình chỉ khoảng 11%.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới