Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không gian chính sách nới rộng nhờ áp lực tỷ giá giảm mạnh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Áp lực tỷ giá giảm mạnh nhờ kịch bản “gần như chắc chắn” Fed giảm lãi suất đồng đô la Mỹ trong tháng 9. Diễn biến mới này đem lại kỳ vọng thị trường tài chính được cải thiện tích cực hơn trong cuối năm.

Tỷ giá hạ nhiệt đáng kể sau khi chạm các mốc kỷ lục trên thị trường. Ảnh minh họa: DNCC.

Tỷ giá tiếp đà đi xuống

Tỷ giá vẫn đang nằm trong xu hướng giảm là điều tích cực từ đầu tháng tháng 7 đến nay. Tại Vietcombank, tỷ giá chào bán cuối ngày 28-8 ở mức 25.020 đồng/đô la Mỹ, giảm nhẹ so với hồi đầu tuần nhưng đã giảm mạnh 400 đồng so với mức hồi đầu tháng 8. Tương tự, tỷ giá trên thị trường phi chính thức cũng đã giảm về mức 25.205 đồng/đô la.

Diễn biến từ đầu tuần này tiếp tục nối dài chuỗi giảm trên các thị trường. Theo đó, tỷ giá thị trường liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá trên thị trường tự do đồng loạt hạ nhiệt đáng kể, thu hẹp mức tăng của tỷ giá chỉ còn 2,9% so với hồi cuối năm 2023, theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI. Trong đó cũng ghi nhận thêm diễn biến mới khi tỷ giá liên ngân hàng đã giảm về dưới 25.000 đồng, còn mức chênh lệch giữa thị trường tự do và chính thức gần như không đáng kể.

Trước đó, trong tháng 7, áp lực tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi chạm những mốc kỷ lục. Theo đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng bắt đầu giảm từ mức sát ngưỡng trần giao dịch do Ngân hàng Nhà nước quy định, tương tự tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh sau khi chạm mốc đỉnh lịch sử 26.000 đồng/đô la.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, nguyên nhân chính khiến tỷ giá giảm mạnh là vì đồng đô la Mỹ lao dốc.

“Gần như chắc chắn FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, điều này sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la, một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá trước đó. Mức cắt giảm kỳ vọng là 25-50 điểm cơ bản trong tháng 9 và 100 điểm cơ bản cho cả năm 2024”, ông Lâm đánh giá.

Theo báo cáo thị trường tài chính ngày 28-8 của ACB, đồng đô la Mỹ mới đây đã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua (mức 100,5 điểm) trong bối cảnh chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này. Tính riêng trong tháng 8, đô la Mỹ đã giảm 3,2% giá trị và đang trên đà ghi nhận mức giảm tính theo tháng lớn nhất kể từ tháng 11-2022.

Nhìn chung, thị trường đánh giá triển vọng Fed cắt giảm lãi suất đang trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, có nhiều lý do khác giải thích cho câu chuyện của tỷ giá là nguồn cung đô la tiếp tục duy trì ở mức cao. Chẳng hạn như thặng dự cán cân thương mại từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8 ước hơn 15 tỉ đô la.

Trong bối cảnh này, hầu hết các chuyên gia đánh giá theo đà suy yếu của đô la trên thị trường thế giới, tiền đồng hiện vẫn đang ở trong giai đoạn hình thành vùng cân bằng mới.

Một số dự báo mới đưa ra gần đây lạc quan hơn về thị trường ngoại hối. Chẳng hạn, tại hội thảo chiều ngày 28-8, ông Nguyễn Trọng Ý, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng tỷ giá tiếp tục giảm khoảng 1% trong quí 3 này và giảm thêm 0,5% vào quí 4 tới.

Bên cạnh lý do cắt giảm lãi suất của Fed và thặng dư thương mại tiếp tục ở mức cao, một câu chuyện khác là áp lực rút vốn ngoại cũng giảm nhiệt sẽ hỗ trợ thêm cho cán cân thanh toán, từ đó giúp tỷ giá bớt phần áp lực hơn, chuyên gia này lý giải.

Nguồn: SSI.

Cơ hội đảo ngược chính sách

Khi đô la Mỹ trên thế giới đang suy giảm mạnh, nhiều đồng tiền châu Á bất ngờ “trỗi dậy”, đảo chiều tăng so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm. Tại thị trường tài chính Việt Nam, áp lực tỷ giá giảm cũng đem lại những cơ hội mới về mặt điều hành chính sách.

Trên thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây đã bắt đầu xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mua trở lại đô la dư thừa để tích lũy. Theo thống kê của World Bank, dự trữ ngoại hối theo ước tính đã giảm từ mức 90 tỉ đô la Mỹ trong tháng 12-2023 xuống còn khoảng 83-84 tỉ đô la và cuối tháng 6-2024, trong bối cảnh đồng bạc xanh gây sức ép đáng kể trên thị trường quốc tế.

Sự đảo chiều về mặt chính sách điều hành còn diễn ra trên thị trường liên ngân hàng. Nếu như NHNN bắt đầu hút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vào giữa tháng 3-2024, qua đó đẩy lãi suất thị trường này lên vùng 5%, thì giờ đây áp lực cũng đang giảm dần. Hiện nay, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giao dịch trong biên độ hẹp, quanh mức 4,5%.

Một điểm đáng chú ý là lãi suất trên kênh tín phiếu điều chỉnh giảm xuống 4,15% từ mức 4,25%, phản ánh tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt, theo đánh giá của SSI.

Theo ông Lâm của Chứng khoán Maybank, khi lý do “gốc rễ” là sức ép của đồng đô la được giải quyết thì tiền đồng cũng sẽ tăng giá trở lại so với đô la. Hệ quả tích cực tiếp theo sẽ là giảm bớt áp lực lạm phát, cũng như giúp NHNN “có nhiều không gian điều hành chính sách tiền tệ hơn”.

Sức ép từ lạm phát được nhiều nhà phân tích đánh giá hiện nay đã bớt rủi ro hơn. Theo báo cáo vĩ mô về Việt Nam của HSBC công bố đầu tháng 8, áp lực giá đã được "kiểm soát tương đối dù cần thêm thời gian để vững vàng hơn".

Kỳ vọng tiếp theo là việc duy trì chính sách điều tiết và giữ lãi suất chính sách ổn định trong thời gian tới, từ đó giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, nghĩa là tốc độ nhanh nhất trong khối ASEAN.

Trên thực tế, HSBC cùng với World Bank là 2 định chế gần đây nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm đáng kể so với dự báo trước đó. Với World Bank, tổ chức này cũng đánh giá việc cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9 là yếu tố tích cực, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

“Điều này cũng có thể góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam”, báo cáo của World Bank đánh giá.

1 BÌNH LUẬN

  1. Góp ý LUẬT ĐIỆN LỰC
    Không có gì nan giải nếu NGỪNG DUY Ý CHÍ, để THỊ TRƯỜNG tự chữa lành!
    Doanh nghiệp NHÀ NƯỚC cũng cần CẠNH TRANH THỊ TRƯỜNG (tập cạnh tranh), vd các TCty điện VÙNG MIỀN vẫn nhà nước nhưng độc lập cạnh tranh nhau toàn quốc, trg không chỉ mua bán điện mà cả nc-pt-sx thiết bị điện mà thị trường khổng lồ đang trg tay nước ngoài do cứ khư khư bám theo duy ý chí!!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới