Không gian ngầm đô thị: vừa thiếu vốn, vừa thíếu luật
Văn Nam
Các đại biểu tại hội thảo phát triển không gian ngầm đô thị tổ chức ngày 28-7 - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Phát triển không gian ngầm đô thị, xây dựng các công trình ngầm như đường tàu điện, bãi đậu xe... hiện rất khó khăn, không chỉ do thiếu vốn đầu tư mà thiếu cả quy hoạch lẫn khung pháp lý đối với hoạt động mới mẻ này.
Tại hội thảo quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị tổ chức ngày 28-7 tại TPHCM, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho biết, công trình ngầm thường có chi phí đầu tư rất lớn, nên việc thu hồi vốn đầu tư các dự án không gian ngầm như metro, bãi đậu xe, công trình dịch vụ công cộng ... là rất khó khăn.
Đề xuất thêm nhiều loại phí
Để giúp khắc phục một phần khó khăn về vốn, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã đề xuất một số cơ chế tài chính, theo đó, Nhà nước cần thu phí phát triển, phí quy hoạch ... đối với chủ đầu tư công trình ngầm.
Phí phát triển là khoản tiền nộp một lần khi xin giấy phép xây dựng, đánh vào diện tích sàn mới phát triển tại khu vực đã có sẵn hạ tầng. Phí nghĩa vụ quy hoạch bằng tiền hoặc bằng hiện vật mà chủ đầu tư phải nộp cho chính quyền khi được giao đất dự án bất động sản.
Ngoài ra, ông Liêm cũng đề xuất thu tiền của các hộ đang kinh doanh trong một khu vực vào vốn đầu tư cho dự án công trình ngầm tại khu vực đó, cách này gọi là phương thức “khu vực cải thiện kinh doanh”.
Đáng chú ý, ông Liêm cũng đề xuất nên thu thuế tài sản mà nước ta gọi là thuế nhà đất. Ông Liêm cho rằng trước giờ chỉ có thu thuế đất chứ không thu thuế nhà nên nguồn thu được không nhiều. Ở các đô thị lớn, nếu thu được thuế cả nhà và đất thì nguồn thu cũng chiếm đến 30-70% tổng thu ngân sách đô thị.
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong thời gian tới bộ sẽ hoàn thiện các khung pháp lý về quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị. Đồng thời sẽ sớm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi cho việc đầu tư công trình ngầm, ban hành quy hoạch không gian ngầm đô thị tại các thành phố lớn.
Ông Nghị cho biết, đến nay Việt Nam có gần 760 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đạt 31%, 10 năm tới thì tỉ lệ này đạt 45%. Quy mô các đô thị ngày càng được mở rộng, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM và chính 2 thành phố này cũng đang gặp khó khăn trong bố trí giao thông và khai thác không gian trên mặt đất. Hướng phát triển giao thông ngầm đang có vai trò chiến lược quan trọng.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lệ hội thảo, ông Olivier Vion, Giám đốc điều hành Hội không gian ngầm và Hầm quốc tế, cho biết bất cứ thành phố nào trên thế giới nếu dân số đạt đến 10 triệu dân thì không thể thiếu các công trình ngầm.
Theo ông Vion, trường hợp như TPHCM, thì trước mắt nên tập trung phát triển các tuyến tàu điện ngầm, song song đó, cần xây dựng thêm các bãi đậu ngầm bên cạnh tàu điện ngầm.
Đánh giá về hiện trạng phát triển công trình ngầm tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng các công trình hầm đường bộ như Kim Liên, hầm chui đại lộ Thăng Long, hầm vượt sông Sài Gòn khai thác giải quyết được ùn tắc giao thông cục bộ. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có công trình bãi đậu xe ngầm nào riêng biệt được xây dựng.
Ngoài ra, ông Đông còn nhận định các tuyến đường sắt đô thị có đoạn đi ngầm như tuyến số 2, số 3 tại Hà Nội hay tuyến số 1, 2 tại TPHCM mới đang chuẩn bị triển khai được kỳ vọng giải quyết đáng kể ùn tắc giao thông, tuy nhiên lại đang có xu hướng chậm tiến độ.
“Hiện vẫn thiếu khung pháp lý, thiếu vốn. Một khung pháp lý quan trọng nhất là Luật đất đai lại chưa đề cập cụ thể đến quản lý, khai thác không gian ngầm đô thị. Trên thực tế tại các đô thị lớn Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu nào về công trình ngầm, không gian ngầm đô thị, việc này khiến quy hoạch không thống nhất, đầu tư chồng lấn, kém hiệu quả”, ông Đông nói.