Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Không hình sự hóa quan hệ kinh tế’, một diễn giải…

PGS. TS. Võ Trí Hảo (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Hay Bắt không bằng Bắt Hay; Bắt Hay không bằng Không Hay Bắt” - Hồ Chí Minh

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã được ban hành kịp thời nhằm định hướng cho hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp trong thời gian tới để thúc đẩy xã hội và bảo vệ những thương nhân trung thực. Tuy nhiên, ngôn từ mang tính khái quát cao sẽ có tính trừu tượng cao và có nguy cơ bị diễn giải sai. Theo tác giả, trong trường hợp này cần dựa vào tư tưởng của Hồ Chí Minh để diễn giải đúng triết lý lập pháp, đúng triết học pháp quyền làm cơ sở cho Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thúc đẩy thay vì hạn chế tự do cạnh tranh lành mạnh.

Hay bắt

Chúng ta lần lượt diễn giải nghị quyết này theo các từ khóa nêu trên. Bắt đầu bằng việc diễn giải chữ “hay bắt”.

“Hay bắt” xảy ra khi lập pháp mất kiểm soát hành pháp, lập pháp ban hành các điều luật quá mơ hồ, trao quyền quá rộng cho cơ quan tiến hành tố tụng và dẫn tới họ tùy tiện. Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999, quy định tội danh “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” từng tạo ra khoảng tùy tiện như thế. Nhưng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã loại bỏ tội danh này, thay thế nó bằng các tội danh cụ thể hơn.

“Hay bắt” cũng có thể do chính cơ quan lập pháp tạo ra, bằng việc tăng số tội danh trong Bộ luật Hình sự lên nhiều lần, ví dụ nếu bổ sung tội “Không siêng năng”, “Tội nhìn đểu” thì lúc này cả xã hội sẽ ngồi tù.

Thực tế, Liên Xô trước đây đã quy định hành vi nói chuyện riêng quá 15 phút trong giờ làm việc sẽ bị phạt tù tới ba năm, để chấn chỉnh hiện tượng “không siêng năng” của các hợp tác xã viên trong mô hình kinh tế hợp tác xã bậc cao(1).

Cùng với quá trình “đổi mới”, nhiều tội danh gắn liền với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bị xóa bỏ.

“Hay bắt” cũng có thể do cơ quan lập pháp, lập quy đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình quá cao; không theo không được, nên doanh nhân bèn phải nhắm mắt cúng tiến và thế là lại xảy ra “hay bắt”. Số lượng doanh nhân bị bắt theo mô hình kinh tế xin - cho theo đó mà tăng lên. Thủ tục càng nhiêu khê, tiêu chuẩn càng bất hợp lý thì “các đường tắt”, “đường binh”, “đường mòn, lối mở” mới có giá trị cao, lấn át “đường chính ngạch”, nguồn lợi bất chính sẽ tỷ lệ thuận với mức độ nhiêu khê của thủ tục, với số lượng và độ khó của các điều kiện kinh doanh.

Bắt hay

Giả sử, tội danh đã được lập pháp quy định một cách hợp lý, thì “bắt hay” xảy ra khi hành pháp được giám sát chặt chẽ. Ngược lại với “bắt hay” là “bắt không hay”.

Trước các hiện tượng có vấn đề của xã hội, tư duy pháp chế thường sẽ yêu cầu tăng thanh tra, tăng xử phạt hành chính, xử lý hình sự; mà không chú trọng việc thiết kế các động lực kinh tế, các công cụ kinh tế, phương pháp kinh tế như thuế, phí, đấu giá; trợ giá; hủy giao dịch bất chính. Hãy luôn đặt việc quy định chế tài hành chính, hình sự là giải pháp cuối cùng, như kháng sinh liều cao - vừa tốn kém, vừa tạo ra nguy cơ kháng thuốc.

“Bắt không hay” xảy ra khi có việc bức cung, nhục hình kiểu như án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn. Việc bức cung, nhục hình diễn ra vì pháp luật và tập quán tố tụng cho phép cơ quan điều tra lấy lời khai mà không cần sự có mặt của luật sư; cho phép các biện pháp thu thập chứng cứ không bảo đảm quy trình/thủ tục chuẩn (due process).

“Bắt không hay” xảy ra khi tiến trình tố tụng thiếu sự giám sát thực chất của công tố viên.

Các cải cách tư pháp gần đây đã đi đúng hướng, khi hỗ trợ kiểm sát viên, công tố viên các phương tiện để có thể “bám sát” hiện trường, bám kịp điều tra viên; các cơ quan giám sát của Đảng như Ban Nội chính cũng quay trở lại phát huy vai trò.

Đặc biệt, bằng việc khởi tố khoảng 10 vụ án trong ba năm vừa qua, Cục 1 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã gián tiếp nhắc nhở các cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng về việc coi thường kỷ cương, xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ có xác suất cao đối diện với rủi ro bị khởi tố như thế nào.

Việc nâng cao vị thế luật sư và cải cách theo hướng “tranh tụng” cũng giảm bớt rủi ro “bắt không hay”.

Và tất cả giải pháp đúng định hướng nêu trên của Ban Nội chính, của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, của Liên đoàn Luật sư đang dần từng bước tạo ra “bắt hay” vì “bắt không hay” không còn dễ như trước.

Đến... không hay bắt

“Bắt hay” chỉ đảm bảo đúng người, đúng tội, không tùy tiện, nhưng không giải quyết được nguyên nhân phạm tội. Nếu giải quyết được nguyên nhân phạm tội, thì “không hay bắt” mới có thể diễn ra.

Đa số đều đồng ý điều này, nhưng trải qua gần 80 năm, các giải pháp vẫn chưa hiện thực hóa được mục tiêu này; trái lại, nhìn vào số lượng và quy mô, tính chất của các vụ án thì tình hình ngày càng phức tạp. Bởi vậy, việc ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW rất cần thiết.

Muốn... “không hay bắt” thì doanh nhân cần được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính nhiêu khê; việc giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất thay vì gộp hai điều kiện cũ thành một điều kiện mới; phải giảm các loại quy hoạch nhằm hạn chế cạnh tranh, trục lợi, ép doanh nhân xin - cho. Ai cũng nói, ai cũng hô hào, mà từ chối làm thật. Cái cần làm thật là cái gì? Lỗi ở đâu?

Lỗi thứ nhất: dắt chó dài dây

Lập pháp không làm chủ được việc soạn thảo các dự thảo, nên các nhóm lợi ích cài cắm các điều khoản bất chính vào trong chính các điều luật, nghị định, tạo nên hiện tượng “tham nhũng chính sách”, mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã xướng tên đích danh(2). Làm sao biến các khẩu hiệu hợp lòng dân thành giải pháp hợp lý, mang lại kết quả hợp lòng dân?

Việc giao cho Chính phủ nghĩa vụ ban hành nghị định tại điều 19.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vô tình tạo ra hiện tượng: các điều kiện kinh doanh con, cháu tha hồ mọc sum sê; cơ quan soạn thảo sẽ “ẩn lậu”, giấu không đưa vào luật các điều khoản cốt lõi, và để dành nó để đưa vào nghị định, thông tư, tạo nên hiện tượng “luật ống”, “luật khung”.

Giải pháp nhanh nhất là sử dụng người mới, thay vì ép người cũ, tư duy cũ đổi từ hệ quy chiếu pháp chế sang hệ quy chiếu pháp quyền.

Giải pháp: Ở nhiều quốc gia, nhằm tránh hiện tượng “dắt chó dài dây”, thì điều khoản này cần soạn theo hướng ngược lại, theo đó, chỉ cần đưa vào hai quy tắc, thì nội nhật trong 24 tháng, tình hình sẽ thay đổi:

Quy tắc thứ nhất: Chính phủ, bộ, các cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự thảo có nghĩa vụ và chỉ được phép ban hành các văn bản hướng dẫn tại các điều khoản mà Quốc hội đã ủy quyền trong luật.

Quy tắc thứ hai: Các văn bản hướng dẫn do Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ mặc nhiên chấm dứt hiệu lực sau 24 tháng nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trong khoảng thời gian này.

Lỗi thứ hai: hoạt động thanh tra chưa hiệu quả

Từ năm 1946 tới nay, lực lượng thanh tra ngày càng tăng biên chế, nhưng số lượng thanh tra kém chất lượng cũng không ít, và vì vậy, không giúp ngăn chặn việc hình thành đại án hàng trăm ngàn tỉ đồng như đại án Ngân hàng SCB.

Giải pháp: Sửa điều 3, khoản 1, khoản 2 của Luật Tố tụng hành chính - cho phép người dân, doanh nghiệp khởi kiện không chỉ quyết định hành chính cá biệt, mà cả các tiêu chuẩn, thủ tục nhiêu khê, quy hoạch vô lý nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Lỗi thứ ba: tư duy ưu tiên giải pháp hành chính, hình sự; không chú trọng thiết kế giải pháp kinh tế

Trước các hiện tượng có vấn đề của xã hội, tư duy pháp chế thường sẽ yêu cầu tăng thanh tra, tăng xử phạt hành chính, xử lý hình sự; mà không chú trọng việc thiết kế các động lực kinh tế, các công cụ kinh tế, phương pháp kinh tế như thuế, phí, đấu giá; trợ giá; hủy giao dịch bất chính.

Mức xử phạt không tương xứng với số lợi bất chính thu được, nên dẫn tới hiện tượng doanh nhân buôn bán động vật hoang dã chủ động nhờ cơ quan hành chính ra quyết định xử phạt, rồi lại dàn xếp được quyền “mua hóa giá” chính mặt hàng đó, để hợp pháp hóa nguồn gốc và tiếp tục mang sản phẩm đi tiêu thụ. Sau khi trừ bốn chi phí: (a) giá thu mua gốc từ người dân, (b) chi phí lót tay, (c) chi phí nộp phạt, (d) chi phí mua đấu giá, thì họ vẫn có lời một cách vô cùng an toàn.

Giải pháp: Thiết kế động lực kinh tế, chế tài kinh tế cụ thể, bám sát vào từng loại hành vi có vấn đề cụ thể.

Tư duy này phải được đặt lên hàng đầu đúng theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW: Xác định rõ cái gì là quan hệ kinh tế. Tại sao người dân có hành vi xấu? Khi thực hiện hành vi xấu, họ thu lợi như thế nào? Có cách gì hướng thiện họ, hay vì pháp luật quá chật hẹp bức bách họ phải vi phạm? Và luôn đặt việc quy định chế tài hành chính, hình sự là giải pháp cuối cùng, như kháng sinh liều cao - vừa tốn kém, vừa tạo ra nguy cơ kháng thuốc.

Muốn làm được như vậy thì tư duy luật học phải đổi mới, các giáo trình luật học cần viết lại theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW. Để viết mới, giải pháp nhanh nhất là sử dụng người mới, thay vì ép người cũ, tư duy cũ đổi từ hệ quy chiếu pháp chế sang hệ quy chiếu pháp quyền.

(*) Trọng tài viên VIAC, cố vấn cao cấp ICCL
(1) Dẫn theo Agemoglu, WNF
(2) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quyet-liet-phong-chong-tham-nhung-tuyet-doi-tranh-cai-cam-loi-ich-

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới