(KTSG) - Sau khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan... Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vào chiều 25-4 rằng các bộ ngành đã thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thông tin này được đưa ra sau khi lãnh đạo một số tập đoàn lớn và công ty chứng khoán bị truy tố hình sự, bắt tạm giam với cáo buộc thao túng chứng khoán, lừa đảo.
Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh...”.
Trước đó ba ngày, tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nhắc đến yêu cầu “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”.
Việc Bộ Tài chính công bố quan điểm “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” là nhằm trấn an doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa lúc đang xuất hiện nhiều tin giả và rất tiêu cực khiến thị trường chứng khoán chao đảo, còn cổ đông của nhiều ngân hàng thì lo lắng và bất an. Tuy nhiên, chỉ trấn an thôi thì chưa đủ. Điều mà cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cần là sự bảo đảm một cách chắc chắn và rõ ràng bằng các điều luật để các quan hệ dân sự, hoạt động kinh tế sẽ không bị hình sự hóa khi xảy ra sự cố.
Thông điệp của Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng các bộ ngành có liên quan đưa ra ở thời điểm này là tích cực. Nhưng xét cho cùng thì quyền truy tố và xét xử theo tội danh nào là thuộc về các cơ quan tư pháp, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm điều tra và khởi tố, còn các cơ quan hành pháp khác, thậm chí là cả Chính phủ, không thể can thiệp. Vì vậy, thông điệp nêu trên, trong một chừng mực nào đó, chỉ mang ý nghĩa tâm lý.
Đương nhiên, khi một cá nhân vi phạm pháp luật hình sự thì phải bị truy tố hình sự, chẳng hạn như tội thao túng chứng khoán. Nhưng trong điều kiện nhiều quy định khác trong Bộ Luật hình sự, cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác, chưa thật rõ ràng mà vẫn có thể hiểu và diễn giải theo nhiều hướng khác nhau thì không có gì để bảo đảm chắc chắn một vụ dân sự hoặc kinh tế không bị vô tình hay cố ý khởi tố, truy tố hình sự. Đây là điều mà những nhà làm luật cần nghiên cứu, mổ xẻ để có thể hiện thực hóa mong muốn “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế” của Thủ tướng và cũng là của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc “bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh...” cũng là một yêu cầu chính đáng và mang tính nhân văn. Nhưng thực thi điều này trong thực tế lại không dễ dàng.
Một trong những mối lo lớn nhất hiện nay của không ít doanh nghiệp là rủi ro liên quan đến những quyết định sai của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng không phải lỗi của doanh nghiệp, dẫn đến quyết định liên quan đến hoạt động đầu tư của họ bị hủy bỏ và tài sản thì bị đóng băng hoặc thu hồi. Để doanh nghiệp không phải trả giá cho những sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước, trừ khi chứng minh được họ có thông đồng hoặc lợi ích nhóm, cũng là điều cần sớm được giải quyết.
Không hình sự hóa, hoặc phải hình sự hóa, tất cả đều phải có tiêu chí rõ ràng. Pháp luật của ta vẫn chưa rõ, hoặc còn chung chung về điều này. Cho nên cách nhìn nhận, đánh giá sự việc nhiều khi vẫn mang cảm tính, chủ quan, hoặc duy ý chí. Nguyên tắc quan trọng nhất của mô hình nhà nước pháp quyền là một cá nhân/ tổ chức, khi chưa bị tòa án tuyên án đúng, thì vẫn chưa thể xem là tội phạm. Muốn vậy, cần phải có hệ thống tư pháp khoa học và chặt chẽ. Theo đó người thuộc diện nghi vấn phải được bảo vệ bằng những cơ chế pháp lý trung gian và độc lập (Luật sư/ Trọng tài hòa giải…).