Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không làm giàu trên tương lai con trẻ

Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sách giáo khoa là loại sách cung cấp cho học trò các kiến thức cơ bản nhất về tự nhiên, xã hội và con người. Vì vậy, không thể biến sách giáo khoa thành ngành kinh doanh để làm giàu.

Sách giáo khoa cơ bản đến mức trẻ con ở tất cả các quốc gia đều hiểu về nó như một hiện tượng tự nhiên, xã hội, chỉ trừ sách giáo khoa về lịch sử, chính trị, văn hóa thì có những hợp phần khác nhau về những chuyện địa phương. Sách giáo khoa không phải là sản phẩm chuyên khảo dành cho một đối tượng, mà kiến thức chứa đựng trong đó dành cho tất cả con trẻ trong một quốc gia.

Cho nên, đòi hỏi sách phải đảm bảo cho được các tiêu chí chính xác, ổn định, thống nhất, phổ thông, dễ hiểu.

Nội dung của sách giáo khoa cho học sinh phổ thông dường như không thay đổi trong nhiều năm. Nếu cứ vài ba năm lại thay đổi thì sẽ dẫn đến hệ lụy làm rối loạn hệ thống giáo dục, kéo theo đó là những hệ quả khôn lường về mặt văn hóa – xã hội.

Tất nhiên xã hội luôn vận động, sẽ có cái mới xuất hiện, những cái mới này chủ yếu là về mặt văn hóa – xã hội, còn về khoa học tự nhiên thì không có nhiều cái mới bởi các kiến thức cơ bản đã được định hình từ thế kỷ 19, 20. Do vậy, những chuyện cấp bách, thời sự, hay giật gân hầu như không được đưa vào trong sách giáo khoa mà có thể được đưa vào phụ lục hay bài giảng của thầy, cô. Với tính chất như thế, nó đảm bảo được tính thống nhất, lâu dài theo thời gian.

Ở miền Nam trước năm 1975 và miền Bắc trước năm 1980, sách giáo khoa truyền từ cha đến con, từ anh đến em, từ chú đến cháu cỡ hơn 10 năm là chuyện thường thấy. Tất cả sách giáo khoa trước năm 1975 đều có lời nhắc nhở người sử dụng ở trang đầu với nội dung là “Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì viết nhẹ tay bằng bút chì cho dễ tẩy xóa”.

Ở miền Bắc có một thời cũng như thế. Còn nhớ vào những năm 1970 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi bắt đầu giữa hè là đi xin các tờ họa báo của Trung Quốc để bao sách, cho nên sách giáo khoa rất thẳng thớm, chuyển giao được ít nhất là cho 6-7 anh em trong nhà, cho dù ngày ấy giấy in chất lượng thấp.

Sách được chuyển giao qua nhiều thế hệ không chỉ cho thấy sự thống nhất về nội dung, chương trình mà còn có ý nghĩa về kinh tế và môi trường.

Những gia đình nào có con đi học từ lớp 1 đến hết lớp 12 mới thấy số tiền chi cho mua sách giáo khoa và sách tham khảo tốn kém đến mức nào. Nhiều triệu đồng là một gánh nặng cho các gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình dân tộc ít người. Một trong các lý do mà nhiều gia đình cho con nghỉ học là tiền chi đầu năm cho một đứa trẻ đến trường, trong đó có sách giáo khoa, trở nên quá sức của cha mẹ.

Cái khổ này không chỉ cho người dân nông thôn mà ở thành phố cũng chịu áp lực. Bởi lẽ, sách mỗi năm mỗi kiểu, mỗi giá khác nhau, sau một năm học, hàng chồng sách còn mới tinh nhưng phải bán ve chai vì sách mới “ra lò” được cho là “hay hơn”, biên soạn tốt hơn và theo quy chuẩn mới.

Cô Mai Hạnh, giáo viên văn trường Trần Đại Nghĩa, cho rằng việc sách giáo khoa thay đổi như thế không chỉ lãng phí mà còn làm khó cho cả thầy cô, học trò và phụ huynh. Giáo viên năm nào cũng phải đi tập huấn nâng cao, học trò thì chạy hụt hơi với cái được cho là hiện đại, còn phụ huynh thì không biết làm sao mà phụ giúp con học, vì năm ngoái mới cất công tìm hiểu dạy cho đứa lớn, đến đứa nhỏ thì chương trình, nội dung lại khác rồi. Điều này ngay cả với những người có học vấn cao cũng lúng túng chứ đừng nói gì đến người bình dân.

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rằng năm nay sách khổ to, in màu đẹp, chất lượng in cao hơn thì giá đắt hơn là đúng rồi. Sách đẹp thì ai chả ham, nhưng loại sách “hoành tráng” này liệu tồn tại được bao lâu? Biết đâu vài ba bữa nữa ai đó phát hiện ra những sai sót của sách giáo khoa mới, thế là sách lại bị thu hồi, hủy bỏ, in mới. Thôi thì cứ nghiến răng bỏ tiền ra mua một bộ đắt tiền mà tồn tại được 10-15 năm cũng đáng, nhà đông anh em thì truyền nhau, nhà ít con thì tặng cho thư viện, tủ sách cộng đồng hoặc tặng cho trẻ em vùng khó khăn, nhưng chỉ sợ nó không bền vững.

Nhưng còn chuyện này, chẳng biết ông bộ trưởng nghĩ sao chứ con trẻ bây giờ cực quá, một nhóc tỳ 7-8 tuổi đã mang cái cặp nặng 5-6 ki lô gam, nay có thêm mớ sách to, dày thì đôi vai nhỏ bé lại trĩu xuống hơn nữa. Những cố gắng cải tạo nòi giống bằng vài cốc sữa mà các nhà hảo tâm tặng cho các cháu coi như công cốc.

Có một thực tế là mỗi lần cải tiến sách, nâng giá thì có rất nhiều người được lợi. Trước hết là các nhà biên soạn sách. Số tiền họ nhận được không phải như nhuận bút ít ỏi của một bài báo hay cuốn sách mà là cực khủng, vì biên soạn sách là việc đại sự quốc gia cho nên bao giờ cũng là tiền của các dự án, lớn thì dự án quốc tế có vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhỏ thì dự án quốc gia với kinh phí hàng trăm tỉ đồng, lớn thì hàng trăm triệu đô.

Rồi các vị được “chọn mặt gửi vàng” trong nhóm biên soạn này loanh quanh cũng chỉ có các khuôn mặt quen thuộc, sau đó là các hội đồng xét duyệt cũng vậy, các nhà tổ chức và các nhà quản lý các bộ, cục, vụ có liên quan trực tiếp, sau nữa là nhà in, cuối cùng là những nhà phát hành từ đại lý đến nhà sách và khâu cuối nhất là các cán bộ thủ thư của các thư viện ở các trường bán sách cho các học trò được nhận chiết khấu.

Tất cả những ai thuộc nhóm làm và bán sách đều thu lợi lớn, thậm chí rất lớn mặc dù giá thành sách giáo khoa là rất rẻ vì in mỗi lần hàng chục triệu bản, chưa kể lần in nối bản còn rẻ hơn nữa. Còn người chịu thiệt là các vị phụ huynh và con trẻ.

Không phải vô lý mà trong kỳ họp Quốc hội lần này, sách giáo khoa trở thành tâm điểm chú ý và thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội. Có vị đặt thẳng ra câu hỏi liệu có vụ Việt Á trong khi lựa chọn sách giáo khoa hay không? Có nên thả nổi giá sách để cho các nhà xuất bản quyết định giá bán hay đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá?

Giáo dục miễn phí cho bậc học phổ thông là một trong số các mục tiêu quan trọng nhất của các quốc gia tiến bộ, và thực tế trên thế giới có rất nhiều quốc gia làm được điều đó. Ở Việt Nam có một số tỉnh thành làm được điều này, hướng đến mục tiêu giáo dục miễn phí thì việc miễn phí hay trợ giá sách giáo khoa là điều nên làm.

Việc thương mại hóa sách giáo khoa có thể làm lợi cho một số người nhưng làm thiệt hại lớn cho xã hội, các doanh nghiệp có thể kiếm tiền bằng nhiều phương thức khác nhau, nhưng làm giàu trên tương lai con trẻ là điều tối kỵ. Như Khổng Tử có nói hai lĩnh vực dạy người và cứu người mà bị nhuốm màu kim tiền thì xã hội đó hỏng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết rất hay – “Việc thương mại hóa sách giáo khoa có thể làm lợi cho một số người nhưng làm thiệt hại lớn cho xã hội, các doanh nghiệp có thể kiếm tiền bằng nhiều phương thức khác nhau, nhưng làm giàu trên tương lai con trẻ là điều tối kỵ. Như Khổng Tử có nói hai lĩnh vực dạy người và cứu người mà bị nhuốm màu kim tiền thì xã hội đó hỏng” !.

  2. Muốn có sách hay/ đẹp/ rẻ thì phải làm tốt hai việc, xây dựng văn hóa làm sách/ đọc sách, từ trẻ em đến người lớn phải thấu hiểu điều này. Làm sách cho ai, đối tượng nào, để làm gì phải có mục tiêu rõ ràng. Đối với sách giáo dục thì càng phải cẩn trọng hơn nữa. Đọc sách không đơn giản chỉ là đọc hiểu, mà còn biết trân trọng giữ gìn, bảo quản, lưu truyền sách. Đó là văn hóa đọc sách chân thiện mỹ, biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường sống. Xem ra, cả hai thứ này ta đã và đang hỏng cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới