Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không nên để quốc sách chờ lâu!

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thứ Ba tuần này, ngày 14-3-2023, báo mạng vietnamnet giật tít: “Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, phụ huynh Hà Nội ‘ngồi trên lửa’”(1). Và đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được báo chí đặt ra.

Lần giở lại các bài báo cũ thì thấy chuyện này cũng không mới lắm bởi lẽ gần đúng bốn năm trước, ngày 27-3-2019, một tờ báo mạng khác, dantri.com.vn, cũng giật một tít gần như tương tự cho một sự kiện ở Sài Gòn: “Hơn 3 vạn học sinh TPHCM không có cửa vào lớp 10 công lập: Con trẻ hoảng, phụ huynh lo”(2).

Thế mới thấy vấn đề ngày càng có nhiều học sinh không vào được lớp 10 ở các trường công lập không còn là chuyện riêng ở một vài địa phương mà đã là xu hướng chung. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Xin nhường câu trả lời chính xác cho những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó là do việc phát triển trường lớp không theo kịp đà gia tăng dân số.

Theo một bài báo khác cũng của vietnamnet nhan đề “Nghịch lý thiếu trường học, quá nhiều chung cư”(3) dẫn lời độc giả cho rằng ở Hà Nội, việc thiếu trường công lập cho học sinh là một điều nghịch lý bởi lẽ chung cư vẫn mọc lên như nấm. “Trong khi đất xẻ để bán, xây chung cư, biệt thự tại sao không lấy tiền đó đầu tư cho trường học, sân chơi, công viên…?” một bạn đọc đặt câu hỏi(4).

Về mặt lý thuyết, không vào được lớp 10 ở trường công lập không có nghĩa là cánh cửa vào đời đã hoàn toàn đóng sập đối với các em. Học sinh rớt lớp 10 công lập có thể học ở các trường tư thục, trường dạy nghề, trường trung cấp thuộc hệ thống cao đẳng hay trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, các con đường này không hề suôn sẻ. Nhiều trường tư thục cũng rất tốt, nhưng lại ngoài tầm với của đa số phụ huynh. Trong khi đó, các lựa chọn còn lại chưa chắc đảm bảo về mặt số lượng lẫn chất lượng.

Xin nói một chuyện bên lề: theo người viết, trước khi cấm xe gắn máy cần bảo đảm cho người dân các phương tiện thay thế. Tương tự, hạn chế học sinh vào trường công lập cũng cần bảo đảm các lựa chọn thay thế khác cho các em và phụ huynh.

Đành rằng xã hội hóa giáo dục là con đường đã chọn, nên chăng chúng ta cũng phải bảo đảm phát triển cơ sở giáo dục công lập ở các địa phương ít nhất là phải theo kịp tốc độ phát triển dân số để bảo đảm nhu cầu giáo dục cho trẻ em?

Nếu chấp nhận tiền đề này, phải chăng phát triển trường lớp công lập ở các địa phương bắt kịp nhu cầu phát triển dân số cũng cần trở thành một “chỉ tiêu” bắt buộc của chính quyền địa phương, và như vậy, phải chăng lãnh đạo địa phương nào không hoàn thành “chỉ tiêu” này, cũng phải bị xem như “không hoàn thành nhiệm vụ”?

Phải chăng toàn bộ quỹ đất công đã hết không đào đâu ra đất cho trường học công lập? E rằng không hoàn toàn đúng như vậy. Thiết nghĩ, nếu áp “chỉ tiêu” này cho các lãnh đạo, chắc nhiều người sẽ tìm cách thu hồi đất công đang sử dụng không hiệu quả hay đang bị “xí phần” để dùng xây trường. Nếu ai cản trở sẽ được “mời” đi chỗ khác. Một giải pháp khác là dùng tiền bán đất công để mua đất (ở vị trí khác) để xây trường. Sao không làm?

Chúng ta bảo nhau, giáo dục là “quốc sách”, là “nhân tố chìa khóa”, là “động lực” để phát triển đất nước. Thế mà trên thực tế, giáo dục cũng đành chịu thua các dự án bất động sản!

Chiều hôm thứ Năm tuần này, một đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Uỷ ban Nhân dân quận 12, TPHCM, về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa(5).

Chuyện thiếu trường lớp cũng đã được chính quyền và giới chức giáo dục địa phương nêu ra với các đại biểu Quốc hội. Được biết, về trung hạn, trong giai đoạn 2021-2025, quận 12 được cấp trên trực tiếp “bố trí” năm trường với 130 phòng học, trong khi nhu cầu trong giai đoạn này ước tính vào khoảng 1.700 phòng học(6)!

Phát biểu trong buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nói lần giám sát này sẽ giúp Quốc hội có cái nhìn tổng thể nhằm xem xét các mục tiêu đang triển khai và các vướng mắc cần tháo gỡ. “Thực tế, đối với giáo dục không được phép thử [và] sai”, bà phát biểu(7).

Hy vọng, những người có trách nhiệm sẽ ráo riết giải quyến vấn đề này bởi vì đó cũng là quốc sách mà quốc sách thì không nên chờ đợi quá lâu!

—————–

(1)https://vietnamnet.vn/ty-le-tuyen-sinh-thi-vao-lop-10-cong-lap-ha-noi-thap-ky-luc-2120408.html

(2)https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hon-3-van-hoc-sinh-tphcm-khong-co-cua-vao-lop-10-cong-lap-con-tre-hoang-phu-huynh-lo-20190326142625919.htm

(3), (4)https://vietnamnet.vn/vi-sao-ty-le-tuyen-sinh-thi-vao-lop-10-cong-lap-ha-noi-thap-ky-luc-2120705.html

(5), (6), (7)https://giaoducthoidai.vn/ap-luc-si-so-la-thach-thuc-lon-trong-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-moi-post630349.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Có hai ngành nghề kinh doanh không bao giờ bị lỗ, đó là ngành giáo dục và y tế, vì người dân nghèo hay giàu lúc nào cũng cần hai ngành này. Tư nhân rất nhạy bén trong việc này, các trường tư thục, trường quốc tế và phòng khám đa khoa, phòng khám quốc tế ( nhất là pk Trung Quốc) liên tục mở ra, học sinh và bệnh nhân lúc nào cũng đông nghẹt. Còn các trường công thì không đủ, học sinh phải rút thăm hay nhờ mối quan hệ mới vào được trường công. Còn các bệnh viện thì có một điều đặc biệt là bệnh viện dưới tỉnh thì vắng mà bệnh viện ở TP thì bn chen lấn đông nghẹt, nhưng nghịch lý là thay vì mở rộng gấp ba, gấp bốn các bệnh viện lớn nổi tiếng bằng cách cấp đất xây bệnh viện ở ngoại thành giáp ranh các tỉnh, đây là qui luật cung cầu mà ai cũng biết, thì TP đi ngược lại bằng cách phát triển các trạm y tế và dự kiến chuyển bệnh nhân về trạm y tế. Thêm điều nữa mà ai cũng biết là một bác sĩ sau vài năm thực tập và làm việc ở các bệnh viện lớn thì trình độ sẽ cao hơn một bác sĩ làm việc ở trạm y tế vì có bác sĩ giỏi kèm cặp và có số lượng lớn bệnh nhân để trau giồi kinh nghiệm.

  2. Thực ra, chỉ có một thượng sách/ quốc sách lớn nhất. Đó là nói đi đôi với làm. Giữ gìn lòng tin với dân, với nước. Trên mọi cượng vị lãnh đạo, trên mọi lĩnh vực, phải luôn xem đó là lời tuyên thệ thiêng liêng nhất. Nếu vẫn cứ chỉ là lời nói gió bay, thì trước sau gì, mọi thứ cũng sẽ là hạ sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới