Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không thể thiếu vai trò của điện toán đám mây

Trần Đăng Quang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam xác định ba trụ cột cho chuyển đổi số toàn diện gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về lĩnh vực chính phủ số, nhằm chi tiết hóa chương trình này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đảm bảo hạ tầng số phục vụ phát triển chính phủ số là bước đi đầu tiên, tạo nền tảng cho việc xây dựng và triển khai hệ thống thông tin phục vụ chính phủ số.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp phát triển chính phủ số là việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả.

Như vậy, điện toán đám mây là một trong những trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số nền tảng (platform) thiết yếu hay hệ thống đường truyền Internet cáp quang. Câu hỏi đặt ra là các bước đi tiếp theo nên như thế nào để tối ưu hóa việc đầu tư và khai thác hạ tầng lõi này

Vai trò của điện toán đám mây

Đại dịch Covid-19 đã khiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải dịch chuyển phần lớn hoạt động quản lý và vận hành lên môi trường trực tuyến. Nhờ vậy mà trong quá trình phòng, chống dịch của các cơ quan nhà nước, hàng loạt sáng kiến công nghệ, ứng dụng công nghệ, quy trình trực tuyến được hình thành và thực hiện. Tuy nhiên, an toàn dữ liệu và hiệu quả kinh tế là vấn đề cần đặc biệt chú trọng trong giai đoạn này.

Một ví dụ gần đây là sự cố hệ thống đăng ký “luồng xanh” bị tấn công vào hệ thống server lưu trữ dữ liệu, khiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải di chuyển toàn bộ dữ liệu và hệ thống phần mềm đến cụm server của Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhìn rộng hơn, bài toán về việc phải có cơ sở hạ tầng phù hợp để lưu trữ và quản lý dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số là vấn đề chính sách lớn mà Chính phủ cần quan tâm, trong đó công nghệ điện toán đám mây như là hạ tầng số trọng yếu cần phải được đặt ở trung tâm tiến trình này.

Chính sách ưu tiên điện toán đám mây trên thế giới

Trong khi một số quốc gia như Indonesia, Việt Nam đưa khuôn khổ sử dụng điện toán đám mây lồng ghép trong chiến lược chuyển đổi số, quá trình xây dựng và phát triển chính phủ số, thì một số quốc gia trên thế giới lại đưa ra một khung chính sách riêng biệt nhằm thúc đẩy việc sử dụng điện toán đám mây trong khu vực công. Theo đó, chính sách ưu tiên điện toán đám mây (Cloud-first Policy) là yêu cầu các cơ quan/tổ chức đánh giá độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trước khi xem xét các giải pháp công nghệ thay thế.

Nhờ vào chính sách ưu tiên điện toán đám mây, các chính phủ trên thế giới đã thu được những lợi ích đáng kể về giá trị kinh tế cũng như nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ công. Như tại Mỹ, việc sử dụng điện toán đám mây đã được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước ở khu vực công.

Chẳng hạn, tiểu bang California dự kiến hoàn thiện Hệ thống phúc lợi tự động toàn tiểu bang (CalSAWS)(1). Đây là hệ thống được xây dựng dựa trên đám mây để hỗ trợ hệ thống tích hợp trên toàn tiểu bang vào năm 2023, dự kiến sẽ tiết kiệm cho tiểu bang tới 30 triệu đô la mỗi năm. Cụ thể, 58 quận của California sẽ dựa vào CalSAWS khi xác định công dân nào đủ điều kiện nhận hỗ trợ dưới hình thức tiền mặt, tem thực phẩm, bảo hiểm y tế và các lợi ích công cộng khác.

Kinh nghiệm triển khai chính sách ưu tiên điện toán đám mây của Úc

Năm 2017, dựa trên Chính sách điện toán đám mây của chính phủ, Úc đã nâng cấp và sửa đổi thành Chiến lược điện toán đám mây an toàn (Secure Cloud Strategy) nhằm hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tận dụng những gì đám mây cung cấp hướng tới một phương pháp cải tiến dịch vụ nhanh hơn. Ưu điểm của điện toán đám mây được chiến lược chỉ ra là tăng tốc độ cung cấp các nền tảng mới, cho phép cải tiến liên tục, cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ, hạn chế việc bảo trì và cho phép các cơ quan tập trung vào cải thiện việc cung cấp dịch vụ.

Theo chiến lược này, các cơ quan nhà nước có thể lựa chọn mô hình đám mây phù hợp với nhu cầu của họ nhưng phải dựa trên bảy nguyên tắc chính, trong đó mấu chốt gồm bốn điểm: (1) đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ dựa trên đánh giá rủi ro bằng cách áp dụng chính sách bảo mật có liên quan thay vì chỉ kiểm tra sự tuân thủ; (2) thiết kế dịch vụ phù hợp dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Theo đó, tất cả các cơ quan phải sử dụng dịch vụ đám mây cho các dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa dịch vụ bất cứ khi nào các dịch vụ đám mây phù hợp với mục đích, có giá trị kinh tế và chứng minh khả năng quản lý rủi ro phù hợp; (3) các cơ quan nên ưu tiên sử dụng dịch vụ đám mây công cộng nếu có thể, đảm bảo dịch vụ đáp ứng các yêu cầu bảo mật cần thiết; (4) các cơ quan được khuyến khích sử dụng đám mây nhiều nhất có thể hoặc phát triển các dịch vụ hỗ trợ đám mây.

Đám mây ở Việt Nam đang ở đâu?

Bên cạnh chiến lược đã được công bố, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố một số dự thảo văn bản pháp luật trong đó có điều chỉnh công nghệ điện toán đám mây. Ví dụ như dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước mà theo đó điện toán đám mây là phương án kỹ thuật đầu tiên được xem xét khi lựa chọn các phương án phát triển hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ chính phủ số. Tương tự, dự thảo Quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng đề cập đến điện toán đám mây như là một trong những hạ tầng quan trọng, phấn đấu để tích hợp, ứng dụng rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã bổ sung một số quy định về điện toán đám mây và tiếp cận công nghệ này dưới hình thức dịch vụ trung tâm dữ liệu. Các quy định về điện toán đám mây là những điều khoản cơ bản điều chỉnh các vấn đề tương tự với dịch vụ cho thuê máy chủ, dịch vụ cho thuê chỗ tại trung tâm dữ liệu, và dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu.

Tuy nhiên, các quy định về lưu trữ dữ liệu tại địa phương hay các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật về trung tâm dữ liệu vẫn đang gây ra những lo ngại về tác động bất lợi đến sự phát triển của thị trường dịch vụ đám mây; tăng chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp kinh doanh đám mây, qua đó tác động gián tiếp bất lợi lên khách hàng sử dụng dịch vụ này (tăng chi phí, giảm chất lượng bảo mật...).

Tựu trung lại, điện toán đám mây là một mô hình có tính phức tạp khi dữ liệu được lưu trữ trên đám mây có thể lưu chuyển từ bất kỳ đâu. Kết hợp với kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, có thể thấy Việt Nam cần có thêm chính sách/chiến lược riêng về sử dụng điện toán đám mây nói chung và sử dụng trong khu vực công nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của hạ tầng công nghệ số này. Trong đó, một số nội dung cần ưu tiên nên tập trung vào quy định về phân loại dữ liệu trong cơ quan nhà nước; chính sách ưu tiên điện toán đám mây và quy định về mua sắm/thuê dịch vụ đám mây.

---------

(*) Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

(1) https://www.accenture.com/us-en/case-studies/public-service/calsaws-cloud-journey?src=SOMS

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới