Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ như thế nào?

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hẳn không phải ngẫu nhiên, khu thương mại tự do (FTZ) được chọn là điểm nhấn trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 của Bộ Công Thương công bố đầu tháng 12-2024. Theo báo cáo này, dù là mô hình quen thuộc trên thế giới, Việt Nam chưa có FTZ nào được hình thành và đương nhiên, chúng ta cũng chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để vận hành một FTZ.

Tháng 6-2024, trong Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các nội dung về chức năng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, các chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư… đối với FTZ đã được quy định.

Đà Nẵng sẽ phải hoàn thiện đề án, hồ sơ thành lập FTZ Đà Nẵng và các chính sách đi kèm trình lên Chính phủ để hiện thực hóa chủ trương này vào năm 2025. Tới thời điểm này, gần như chắc chắn, Đà Nẵng sẽ là địa phương xây dựng và vận hành FTZ đầu tiên tại Việt Nam.

Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn đầu triển khai FTZ, tập trung chủ yếu tại các khu vực kinh tế trọng điểm như Đà Nẵng. Ảnh: NHÂN TÂM

Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 đã đưa ra một vài nét phác thảo về FTZ Đà Nẵng. Theo đó, FTZ này bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Về các chính sách ưu đãi đầu tư, đa phần các quy định, chính sách áp dụng trong FTZ Đà Nẵng được xây dựng như các chính sách dành cho khu kinh tế, bao gồm: thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong 15 năm), miễn giảm tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt như khu phi thuế quan trong khu kinh tế.

Về cơ chế quản lý, Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với FTZ Đà Nẵng. Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm giám sát việc phân cấp và ủy quyền cho ban quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật.

Tờ trình về Đề án thành lập FTZ mà Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin cụ thể hơn. FTZ Đà Nẵng sẽ có lộ trình đầu tư theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2029 với số vốn đầu tư 35.800 tỉ đồng, giai đoạn sau năm 2029 với số vốn đầu tư dự kiến trên 4.100 tỉ đồng, được bố trí tại 10 vị trí không liền kề, gắn kết với cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng, diện tích khi hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng là khoảng hơn 2.300 héc ta.

Ngoài xương sống là phát triển logistics gắn với cảng Liên Chiểu, FTZ Đà Nẵng sẽ ưu tiên sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao (điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, linh kiện phụ trợ hàng không, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn); lĩnh vực thương mại, dịch vụ (bán hàng miễn thuế, du lịch y tế, MICE, kinh doanh casino); lĩnh vực đổi mới sáng tạo (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn); lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, giáo dục nghề và trọng tài kinh tế…).

Đà Nẵng dự báo FTZ Đà Nẵng có thể đóng góp 8-9% vào GRDP của địa phương, thu hút 41.000 lao động tới năm 2030 và đóng góp 25% vào GRDP, thu hút 137.000 lao động tới năm 2050.

Nhìn nhận về thách thức đối với việc hình thành các FTZ tại Việt Nam nói chung và FTZ Đà Nẵng nói riêng, ngoài yếu tố khách quan, Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đã có các FTZ phát triển như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Báo cáo Logistics 2024 chỉ ra các yếu tố chủ quan về khung pháp lý, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng logistics.

Cụ thể, theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và phát triển FTZ, đồng thời, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của quản lý nhà nước đối với các khu vực này.

Về nhân lực, dù Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đông đảo, nhưng kỹ năng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp trong các FTZ.

Về cơ sở hạ tầng logistics, theo các chuyên gia, vẫn cần đầu tư thêm vào các dịch vụ hỗ trợ logistics như kho bãi, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ phụ trợ khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm và các FTZ cần được nâng cấp và mở rộng hơn nữa để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt và hiệu quả.

Đề xuất về một cơ chế chính sách mở để thu hút đầu tư vào FTZ Đà Nẵng đã được đưa ra tại “Diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” tổ chức giữa tháng 11-2024. Nếu “mở” ở đây mang hàm ý linh hoạt, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất theo từng nhà đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, có lẽ, đề xuất này nên được cân nhắc kỹ lưỡng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới