Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng cát

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm năm trước người ta thuật lại một nghịch lý xảy ra gần như tại cùng một địa điểm. Trên một đoạn sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở Đại Lộc, Quảng Nam, hàng chục thiết bị hoạt động ngày đêm khai thác cát từ lòng sông. Nhưng điều nghịch lý là chỉ cách địa điểm hút cát vài chục mét là một bờ kè dã chiến được dựng lên để giảm bớt tác dụng xói mòn của dòng chảy lên bờ sông.

Ngay sau bờ kè này, người dân phải dùng các bao chứa cát và cọc tre nhằm ngăn phần nào xói lở trên vùng đất họ đang ở. Lâu nay, chúng ta vẫn nói “bên lở, bên bồi”. Nhưng với nghịch lý này, có lẽ phải sửa lại thành “bên nào cũng lở”.

Chưa hết, xuôi dần về phía hạ lưu, hàng chục cây số bờ sông bị sạt lở đến tận bãi biển Cửa Đại, Hội An, khiến chính quyền địa phương phải xây kè. Tại cầu Hà Nha, huyện Đại Lộc, mỗi cây số bờ kè tốn 25 tỉ đồng, trong khi số tiền thu được từ 18 mỏ cát ở huyện này chỉ có 6 tỉ đồng(1). Còn tại Hội An, tổng số tiền xây kè khi ấy đã lên đến 140 tỉ đồng.

Hiện giờ, không rõ sự tình đã tiến triển ra sao. Có điều cũng như năm năm trước, tình trạng khai thác và nguy cơ một cuộc khủng hoảng cát xây dựng vẫn không giảm, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Bằng chứng là cuối tuần trước, báo Tuổi Trẻ đăng bài nhan đề Ở miền Tây “mua cát khó hơn mua vàng”(2), tường thuật tình trạng khan hiếm cát tại nhiều tỉnh trên sông Tiền và sông Hậu do các mỏ cát ở đó đã hết trữ lượng hay giảm sản lượng. Bài báo cho biết các địa phương khó có khả năng đáp ứng được nhu cầu cát xây dựng ngay tại tỉnh nhà, đừng nói gì đến chuyện cung ứng cho các nơi khác. Do đó, thiết nghĩ, nếu tình hình này tiếp tục, khủng hoảng nguồn cung cấp cát sẽ xảy ra.

Thực ra, nguy cơ một cuộc khủng hoảng cát không chỉ có tại Việt Nam, mà trên quy mô toàn cầu. Năm ngoái, một bài báo đăng trên trang mạng của đài truyền hình cáp CNBC viết: “Toàn bộ xã hội chúng ta được xây trên cát. Trên thế giới, cát là loại vật liệu được tiêu thụ nhiều nhất, chỉ sau nước, và là một thành phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày của nhân loại”(3). Theo bài báo này, thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu cát. Còn các nhà khoa học cho rằng cát chính là một thách thức nữa đối với vấn đề phát triển bền vững trong thế kỷ thứ 21.

Hiện chưa có cách nào xác định chính xác lượng cát xây dựng tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới. Nhưng vẫn có thể ước tính nó bằng cách dựa vào lượng xi măng đã dùng. Theo số liệu của Liên hiệp quốc(4), thế giới sử dụng mỗi năm khoảng 4,1 tỉ tấn xi măng, nghĩa là phải có tương ứng một lượng cát xây dựng lên đến từ 40-50 tỉ tấn. Theo CNBC, tiêu thụ cát toàn cầu đã tăng gấp ba trong hai thập niên vừa qua, là hậu quả của các đợt đô thị hóa trên toàn thế giới.

Người viết cho rằng có một sự tương đồng kỳ lạ giữa nước và cát khi nói đến cách loài người sử dụng hai loại nguyên liệu này trong đời sống. Hơn 70% diện tích quả đất được bao phủ bởi nước, nhưng 96,5% lượng nước đó là nước mặn. Lượng nước ngọt con người dùng được không đầy 4%. Nếu nước tràn ngập các đại dương, cát cũng bao phủ một phần rất lớn đất liền với trữ lượng khổng lồ trên sa mạc và bãi biển. Tiếc thay, cát hiện dùng được cho hoạt động con người - từ xây dựng đến chế tạo chất bán dẫn - chủ yếu đến từ đáy sông và các mỏ cát, lại chiếm một phần nhỏ.

Thực ra, cũng đã có một số kết quả từ nỗ lực của con người thay thế việc khai thác cát tự nhiên. Ví dụ, tại thành phố Zurich của Thụy Sỹ, có các công trình xây dựng dùng đến 98% vật liệu từ bê tông tái chế. Năm năm trước tại TPHCM, đã có những thử nghiệm dùng cát nước mặn hay cát nhân tạo thay cát sông. Đã đến lúc cần đầu tư thực sự nghiêm túc, xứng tầm vào các công trình như vậy. Trước thực tế là khó lòng khai thác thêm các mỏ cát hiện có, đây là những bước đi cần được khuyến khích hơn nữa nhằm đẩy lùi cơn khủng hoảng cát đang đến rất gần. Cũng như “chiến tranh nước”(5), khủng hoảng cát bảo chúng ta rằng không có tài nguyên nào là vô tận cả, dù chúng đã từng “rẻ như nước”.

--------

(1) https://tuoitre.vn/khai-thac-cat-thu-vai-ti-mat-tien-chong-sat-lo-hang-tram-ti-1366591.htm

(2) https://tuoitre.vn/o-mien-tay-mua-cat-kho-hon-mua-vang-20220513103952375.htm

(3),(4) https://www.cnbc.com/2021/03/05/sand-shortage-the-world-is-running-out-of-a-crucial-commodity.html

(5) https://thesaigontimes.vn/dat-nhu-nuoc/

2 BÌNH LUẬN

  1. VN núi non trùng điệp sao không đào núi mà lấy vật liệu san lấp mặt bằng, làm đường vừa chắc vừa tránh dùng cát, ham rẻ hôm nay lại trả giá đắt về sau, đất nước nghèo hoài

  2. Lâu đài xây trên cát mới là đáng sợ nhất. Còn nếu thiếu cát xây dựng thì vẫn còn giải pháp thay thế khác. Vấn đề là ta có biết lựa chọn hay không mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới