Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu: Nhìn từ trò chơi mua bia

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mỗi khi nhắc đến khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu, người ta thường nhắc đến các bến cảng đang nghẽn tàu, xe tải chở hàng không có tài xế, các nhà máy đóng cửa vì thiếu điện, thiếu chip… Nhưng còn một điểm nghẽn rất quan trọng ít ai để ý: tâm lý đặt hàng hoảng loạn của người điều hành doanh nghiệp.

Học viên năm thứ nhất các chương trình cao học quản trị kinh doanh (MBA) của trường Sloan School of Management thường được làm một bài tập gọi là “Trò chơi mua bia”, một dạng mô hình hóa quan hệ cung cầu giữa nhà máy sản xuất bia, nhà phân phối, công ty bán sỉ và nhà bán lẻ.

Năm nay, đặt trước tình huống thiếu hụt nguồn cung vì nhiều lý do, các sinh viên đóng vai nhà bán lẻ vội vàng mua vào đến 10.000 thùng bia, gánh chịu chi phí trữ hàng đến 213.000 đô la Mỹ.

Chương trình giảng dạy MBA thường nhấn mạnh kỹ năng kiềm chế, tức chế ngự được tâm lý mua trong hoảng loạn mới hạn chế thua lỗ cho cá nhân và góp phần giảm bớt căng thẳng cung cầu trong thực tế. Nhưng học gì thì học, con người ta khi đứng trước viễn cảnh thiếu hàng đều đổ xô vào mua tích trữ hàng bằng mọi giá. Và đó chính là điểm yếu lớn nhất của chuỗi cung ứng hiện nay.

Đại dịch Covid-19 càng làm lộ rõ điểm yếu này trong tâm lý đám đông – chúng ta từng chứng kiến mọi người đổ xô mua từ giấy vệ sinh đến các thùng mì gói, từ khẩu trang đến thực phẩm bất kể chúng chỉ trữ được một thời gian. Tình trạng thiếu hụt hàng hóa là có, nhưng nếu không có các đợt hoảng hốt trữ hàng của dân chúng, cung cầu không đến nỗi mất cân đối như thời gian vừa qua.

Nghe phong phanh sẽ thiếu chip, các nhà sản xuất từ ô tô đến điện thoại di động, từ máy chơi game đến máy tính xách tay, ai nấy đều tranh nhau đặt hàng gấp mấy lần mức thường lệ – từ đó tình trạng thiếu hụt chip ngày càng trở nên trầm trọng. Một ví dụ khác là vaccine phòng ngừa Covid-19, các nước tranh nhau mua gấp mấy lần nhu cầu thực tế nên nay nhiều nước rơi vào tình trạng dư thừa vaccine, trong khi nhiều nước khác vẫn chưa có vaccine ngay cả cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu của mình.

Điều đáng ngạc nhiên, theo tường thuật của Bloomberg, ngay trước khi bắt đầu trò chơi mua bia, Giáo sư John Sterman đã dặn dò 125 học viên MBA: “Đại dịch bộc lộ các khiếm khuyết tiềm ẩn lâu nay trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chúng ta cần nghĩ ra phương cách cải tiến chúng thì mới sẵn sàng cho các cú sốc tương lai, dù chúng là một đại dịch khác, bất ổn xã hội hay biến đổi khí hậu – hay gộp chung tất cả các vấn nạn này”. Thế mà ba giờ sau khi trò chơi kết thúc tất cả 15 nhóm học viên đều mua trữ hàng nhiều hơn cần thiết. Vì sao một nhóm người được chọn lọc lại có quyết định tệ hại như thế?

Chương trình giảng dạy MBA thường nhấn mạnh kỹ năng kiềm chế, tức chế ngự được tâm lý mua trong hoảng loạn mới hạn chế thua lỗ cho cá nhân và góp phần giảm bớt căng thẳng cung cầu trong thực tế. Nhưng học gì thì học, con người ta khi đứng trước viễn cảnh thiếu hàng đều đổ xô vào mua tích trữ hàng bằng mọi giá. Con người chính là mắt xích yếu nhất của chuỗi cung ứng hiện nay.

Thật ra ông Sterman đã tổ chức cho học viên chơi trò chơi mua bia này 40 năm nay và từng viết một số công trình nghiên cứu về kết quả.

Trò chơi mua bia được thiết kế để dạy cho học viên về hiệu ứng vòng xoáy lan tỏa (bullwhip effect), theo đó cầu sẽ bị phóng đại lên khi được truyền theo chuỗi ung ứng từ nhà bán lẻ lên hãng bán sỉ rồi lên nhà sản xuất do nhiều biến số làm cho đơn hàng cao hơn mức bán ra.

Chỉ cần một đơn hàng mua bia nhiều bất thường sẽ kích hoạt tâm lý hoảng loạn khi ai nấy tranh nhau đặt mua để có đủ hàng dự trữ, hiệu ứng vòng xoáy ngày càng lớn khi đi từ dưới lên các khâu trên của chuỗi cung ứng.

Trong thực tế hiện nay hiệu ứng “bullwhip” này đang diễn ra khắp nơi, như người Anh xếp hàng dài mua xăng, các hãng sản xuất xe tranh nhau mua chip để điều khiển nhiều bộ phận trong xe, phụ huynh chờ chực máy tính xách tay hay máy tính bảng yêu thích về là mua ngay… làm hàng hóa càng thêm khan hiếm. Ngay cả Elon Musk, chủ nhân hãng Tesla, phải than trên Twitter: “Sợ hết hàng làm mọi công ty đặt hàng quá mức – cũng như hết giấy vệ sinh nhưng nay trên quy mô cực lớn”.

Các chuỗi bán lẻ nói rõ ý định trữ hàng càng nhiều càng tốt vì họ kỳ vọng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng chứ không giảm trong tương lai gần. Phó chủ tịch Costco Richard Galanti nói họ đặt hàng nhiều và đặt sớm để chuẩn bị cho mùa mua sắm dịp lễ cuối năm rồi còn tự khen mình là quyết định đúng. Bloomberg phỏng vấn hàng loạt nhà bán lẻ như thế và ai nấy đều như những sinh viên mua bia, cứ đặt hàng để tránh rủi ro hàng không về kịp để bán.

Trước đây các nhà quản lý thuộc nằm lòng quy luật duy trì hàng tồn kho ở mức hợp lý, càng ít thì chi phí càng giảm. Nhưng nay họ bỏ qua bài học này, dẫn tới các nhà sản xuất phải tăng công suất gấp ba bốn lần mới đáp ứng nổi.

Những nhà quản trị dày dạn kinh nghiệm mà vẫn hoảng loạn mua hàng như thế, trách gì các sinh viên MBA còn non trẻ. Thế nên mới có chuyện con người là mắt xích yếu nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu.

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết mới đưa được góc nhìn 1 chiều về chuỗi cung ứng. Việc mua bia lại không giống như chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.
    – Bia là sản phẩm được sản xuất và đóng gói gần như ngay tại địa phương tiêu thụ. Việc gián đoạn nguồn cung chủ yếu đến từ năng lực sản xuất của các nhà máy trong dịch bệnh.

    – Trong khi đó có rất nhiều sản phẩm được sản xuất, lắp ráp và đóng gói ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Một chiếc điện thoại thông minh thường mang trên các linh kiện xuất xứ từ nhiều hơn 3 quốc tịch. Dịch bênh không chỉ làm giảm năng lực sản xuất mà gián đoạn chuỗi vận tải quốc tế . Chỉ cần 1 một linh kiện trễ hạn giao hàng 10 ngày thì thời gian sản xuất thành phẩm cũng bị ảnh hưởng 10 ngày.
    Nếu nhiều linh kiện bị trễ với biên độ khác nhau thì ảnh hưởng có thể lên tới cấp số nhân.
    Điều này ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của nhà quản trị chứ không chỉ vì yếu tốt tâm lý.

    • Nếu có bài viết nào ngắn gọn mà đa chiều thì anh viết luôn chứ đừng bình luận ở đây làm gì. Bài viết chỉ tập trung vào một khía cạnh và cố gắng phân tích một góc nhìn khía cạnh đó. Anh muốn trọn vẹn về chuỗi cung ứng trong đại dịch thì nên đòi hỏi xa hơn, chứ kỳ vọng một bài báo không giải quyết được kỳ vọng của anh đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới