Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản và an ninh toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản và an ninh toàn cầu

Phúc Minh

Lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima bị nổ ngày 12-3. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Bị ảnh hưởng bởi trận động đất 9 độ richter, 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima (Nhật Bản) đã bị nổ vào ngày 12-3, 14-3 và 15-3. Vấn đề an toàn hạt nhân làm dấy lên mối quan tâm lớn trong cộng đồng quốc tế.

Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) ngày 15-3 đã phỏng vấn nhà nghiên cứu Đằng Kiến Quân tại Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc, để giải thích những vấn đề có liên quan.

Phóng viên: Thưa ông, chuyện gì đã xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản sau động đất và sóng thần?

Ông Đằng Kiến Quân: Khi động đất xảy ra, các nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nhà máy điện hạt nhân số 1 tại Fukushima có 6 lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Fukushima có 4 lò phản ứng. Theo Công ty điện lực Tokyo (Tepco), khi xảy ra động đất và sóng thần, 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân số 1 đang trong quá trình sửa chữa, chỉ có lò phản ứng 1, 2, 3 hoạt động. Đến nay, lò phản ứng 1, 2, 3 tại nhà máy hạt nhân số 1 đã bị nổ.

Trong trường hợp bình thường, khi nhà máy điện hạt nhân gặp thiên tai, hệ thống phanh sẽ tự động tắt lò. Sau vài giây, hệ thống làm mát sẽ bắt đầu làm việc để giúp giảm nhiệt độ và áp suất của lò phản ứng.

Hệ thống làm mát của các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima không hoạt động có ít nhất 3 lý do:

Một là do thiên tai phá hỏng. Theo báo cáo, các lò phản ứng này được thiết kế chống lại động đất 8 độ richter, nhưng trận động đất lần này đến 9 độ richter.

Hai là, các lò phản ứng này hoạt động đã nhiều năm, chẳng hạn như lò phản ứng số 1 đi vào hoạt động từ năm 1971, đã có 40 năm tuổi, đây cũng là tuổi thọ của một lò phản ứng hạt nhân.

Ba là thiếu điện và những thứ phụ trợ khác khiến hệ thống làm mát không thể hoạt động. Mối nguy hiểm lớn nhất của việc hệ thống làm mát bị mất kiểm soát là nhiệt độ và áp suất cao có thể xông ra khỏi nắp lò phản ứng, tạo thành rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng. Trước đó, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô cũ đã xảy ra trường hợp như vậy.

Sau khi các nhà máy điện hạt nhân bị động đất và sóng thần tấn công, người Nhật Bản đã làm gì?

Người Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc cứu trợ động đất và được đào tạo tốt. Khi gặp động đất, họ tương đối bình tĩnh. Nhưng lần này, gây thiệt hại nghiêm trọng không phải là bản thân trận động đất mà là sóng thần.

Chính phủ Nhật Bản đã có phản ứng nhanh chóng. Trước tiên là đóng cửa lò phản ứng hạt nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng; tiếp theo, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan công bố Luật tình trạng khẩn cấp về năng lượng hạt nhân; ba là, nội các Nhật Bản liên tục đưa ra các lời giải thích cho công chúng, minh bạch thông tin để ổn định cảm xúc của người dân, đồng thời báo cáo với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; bốn là sơ tán khẩn cấp người dân trong vòng bán kính 3km, sau đó tăng lên 10km, 20km, rồi 30km; năm là bơm nước biển vào lò phản ứng trong lúc sửa chữa; Cuối cùng là yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ và các nước khác.

Tình hình sử dụng năng lượng hạt nhân của Nhật Bản như thế nào?

Nhật Bản là một đất nước thiếu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, hơn 80% năng lượng được nhập khẩu. Nhật Bản bắt đầu phát triển hạt nhân vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước. Năm 1966, Nhật Bản đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hiện nay, điện hạt nhân chiếm hơn 30% tổng công suất phát điện của Nhật Bản. Theo kế hoạch phát triển năng lượng mới của chính phủ Nhật Bản, vào năm 2030, điện hạt nhân sẽ chiếm 40% tổng công suất phát điện của nước này. Nhật Bản còn dự định xây thêm ít nhất 10 nhà máy điện hạt nhân. Fukushima hiện có 2 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng.

Rò rỉ hạt nhân tại Nhật Bản có ảnh hưởng đến các nước láng giềng không?

Nếu đúng như người Nhật Bản nói là mức bức xạ thấp, điều này sẽ không gây chết người, chỉ cần uống thuốc và làm sạch là có thể làm giảm bớt những thiệt hại gây ra bởi bức xạ. Tuy nhiên, giá trị bức xạ gấp 8 lần người bình thường tiếp xúc với bức xạ từ tự nhiên trong 1 năm, điều này rất đáng lo ngại.

Tai nạn hạt nhân của Nhật Bản có ảnh hưởng đến các nước láng giềng không là vấn đề chưa rõ. Hiện có 2 khả năng. Một là nhiệt độ và áp suất cao của lò phản ứng được làm lạnh, không gây ra sự cố rò rỉ quy mô lớn, các nước láng giềng sẽ không bị tác động nhiều. Hai là, các lò phản ứng phát nổ, nắp bảo hộ bị nứt, chất phóng xạ trong lò phản ứng sẽ tràn ra các khu vực xung quanh, biển và không khí. Chúng ta không thể coi thường tai nạn như vậy xảy ra.

Liệu tai nạn hạt nhân tại Nhật Bản có tác động tiêu cực đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của quốc tế?

Hiện nay, thế giới có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân dùng trong sản xuất điện, trong đó Mỹ có 104 lò. Hơn 70% lượng điện của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân. Tai nạn này chắc chắn sẽ làm cho người ta nghĩ về vấn đề sử dụng hạt nhân cho mục đích hoà bình. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại khu vực dân số dày đặc và các khu vực gần bờ biển, một khi tai nạn xảy ra, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được. Các nước cần xem xét lại chiến lược sử dụng năng lượng hạt nhân, không thể hy sinh môi trường và an toàn của người dân để theo đuổi việc phát triển điện hạt nhân.

Ngày 14-3, Đức đã tuyên bố đình chỉ kế hoạch thông qua hồi năm ngoái gia hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân thêm 3 tháng, đồng thời kiểm tra tính an toàn của tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân tại Đức. Cùng ngày, Phần Lan cũng thông báo Trung tâm an toàn hạt nhân và bức xạ Phần Lan sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện hệ thống an toàn của tất cả các lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước để ngăn ngừa sự cố tương tự tại Nhật Bản xảy ra, gây ra tai nạn rò rỉ hạt nhân. Tất cả những việc này cho thấy tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp hạt nhân quốc tế.

Nhật Bản có cần sự cứu trợ của cộng đồng quốc tế không?

Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản vượt xa khỏi phạm vi một đất nước để phát triển thành một sự kiện an ninh khu vực, thậm chí toàn cầu. Từ góc độ an ninh, bất kỳ vụ rò rỉ hạt nhân quy mô lớn nào đều không nghi ngờ sẽ tác động trực tiếp đến an ninh của các nước lân cận. Từ góc độ kinh tế, Nhật Bản là một xã hội mở, đầu tư trong và ngoài nước rất lớn, nền kinh tế Nhật Bản không tốt chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác như Mỹ và châu Âu. Vì vậy, Nhật Bản nên liên hệ với cộng đồng quốc tế càng sớm càng tốt, cộng đồng quốc tế cũng cần ra tay trợ giúp Nhật Bản.

Liên hiệp quốc, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò hàng đầu trong vấn đề cứu hộ quốc tế này. Đến nay, Mỹ đã gửi các chuyên gia, bao gồm chuyên gia hệ thống làm mát lò phản ứng, tham gia vào các hoạt động cứu hộ tại nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cũng đã gửi cán bộ đến viện trợ.

(theo People)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới