Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng không ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng không ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam

Thị trường Việt Nam vẫn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với nền tảng kinh tế ổn định. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đã “đi theo” các chỉ số khác trên thị trường chứng khoán thế giới dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng về căn bản thị trường vẫn tốt và khủng hoảng thế giới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.  

Ít khả năng dòng vốn gián tiếp đảo chiều  

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam chưa liên thông sâu với thị trường khu vực và thế giới, tuy nhiên, tác động và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Điều mà nhiều người đang lo lắng đó là sự đảo chiều của các dòng vốn gián tiếp.  

Trong một cuộc họp bàn về sự tác động của khủng hoảng toàn cầu đến Việt Nam diễn ra ngày 9-10 tại TPHCM, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, nói rằng có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang bán ra mạnh trên thị trường chứng khoán.  

Trong sáu phiên giao dịch đầu tháng 10, khối lượng chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài bán ra gấp khoảng 1,4 lần khối lượng mua vào. Trên thị trường giao dịch trái phiếu, những phiên gần đây, lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài luôn gấp 2-3 lần so với lượng mua vào.  

Một chuyên viên phòng đầu tư trái phiếu của Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng nhận định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng các nhà đầu tư nước ngoài bán ra một phần là do họ đã có lời và muốn tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhưng một phần cũng do muốn rút vốn về hỗ trợ công ty mẹ ở nước ngoài.  

Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng: “Điều này không phải đơn thuần là sự rút vốn mà chỉ là thể hiện sự thận trọng, chọn lọc hơn trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, và một số nhà đầu tư đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình”. Ông Sinh giải thích 80% các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là quỹ đóng và chỉ chuyên huy động để đầu tư vào thị trường Việt Nam, cho nên những quỹ này sẽ không chịu áp lực bán ra và rút vốn về trong thời gian tới.  

Ông Andy Hồ, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, cũng đồng tình với quan điểm của ông Sinh và cho rằng những quỹ đã vào thị trường Việt Nam lâu như VinaCapital hay Dragon Capital vẫn sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài vào thị trường này và VinaCapital đang có ý định huy động tiếp vốn để đầu tư vào Việt Nam.  

Trên thực tế, khối nhà đầu tư nước ngoài trong các phiên gần đây chỉ chiếm trung bình 14% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Như vậy, có thể thấy rằng thị trường chứng khoán thời gian qua đã chịu tác động chính từ cung cầu của khối nhà đầu tư trong nước, mà đa số là nhà đầu tư cá nhân vốn đang có tâm lý bất ổn.   

Trao đổi về vấn đề này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần phải xét ở khía cạnh là thị trường của Việt Nam còn quá nhỏ, nên lượng vốn từng quỹ đầu tư đổ vào đây cũng rất ít, và nhiều quỹ đầu tư cũng không muốn rút vốn ra. Hơn nữa, tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam vẫn còn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.  

Tiềm năng vẫn lớn  

Tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), cho biết thời gian qua ông đã trao đổi với các đối tác của mình tại Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore… là những nước mà sự hoảng loạn và tháo chạy đang diễn ra trên thị trường chứng khoán. Ông Nam nói: “Không chỉ SBS mà cả các đối tác của chúng tôi ở nước ngoài đều có nhìn nhận chung rằng trong cơn khủng hoảng tài chính này, Việt Nam hiện nay được xem là thị trường khá ổn định và độc lập”.

Nền tảng của nền kinh tế vẫn đang phát triển tốt. Theo ông Nam, lạm phát không còn là mối đe dọa cho Việt Nam nữa khi mà chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại trong những tháng vừa qua. Trong khi đó, thực phẩm và dầu mỏ là hai mặt hàng tác động nhiều nhất vào sự tăng chỉ số giá tiêu dùng lại đang có dấu hiệu chững lại và giảm dần.  

Thâm hụt thương mại của Việt Nam dự kiến cuối năm sẽ vào khoảng 17-18 tỉ đô la Mỹ và có thể bù lại được nhờ vào lượng vốn FDI đã giải ngân và các nguồn khác như kiều hối, xuất khẩu, do vậy tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ sẽ ít có biến đổi vào quí 4-2008. Tuy nhiên, một lo lắng cũng xuất hiện đó là lượng vốn giải ngân FDI sẽ không đúng kế hoạch và kiều hối sẽ không về nhiều do ảnh hưởng của khủng hoảng.  

Nhiều người hiện đang lo lắng về việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi các nước trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, theo ông Nam, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là lương thực, thực phẩm, dầu thô, hàng may mặc, giày da… vốn là những mặt hàng thiết yếu, do vậy Việt Nam sẽ ít bị tác động hơn những quốc gia xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ như đồ điện tử hay ô tô…  

Lãi suất cho vay của Việt Nam hiện đang có khuynh hướng giảm dần và điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, cho biết các ngân hàng hiện nay thanh khoản đang tốt lên nhiều, và có chiều hướng dư thừa vốn. “Như vậy việc hạ lãi suất sẽ là điều chắc chắn trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp có vốn vay để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp”, ông Thành nói.  

Với cái nhìn lạc quan trong tình hình khủng hoảng đang lan rộng, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt, cho rằng trong ba năm qua, 60.000 tỉ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán giúp các công ty cải thiện đáng kể tình hình tài chính của mình. “Nếu cuộc khủng hoảng này diễn ra cách đây ba năm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ chống đỡ không nổi do vốn quá thấp. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã mạnh hơn để đương đầu với khủng hoảng”.  

Nhìn về cơn khủng hoảng năm 1997, sau khi cuộc khủng hoảng qua đi, các nền kinh tế sẽ ổn định trở lại và phát triển mạnh trong hai ba năm sau đó. “Việt Nam thời điểm này đã vượt qua được đáy của sự khủng hoảng và tôi tin rằng sẽ phát triển mạnh và vẫn hấp dẫn trong những năm tiếp theo”, ông Hải nói.   

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới