Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng năng lượng ‘bóp nghẹt’ doanh nghiệp nhỏ châu Âu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang ‘bóp nghẹt’ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế châu lục này, khiến một số chủ doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất hoặc đóng cửa cửa hàng. Theo Ủy ban châu Âu (EC), các công ty sử dụng ít hơn 250 nhân viên chiếm khoảng 99% số doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) và hơn một nửa GDP của khối này. Họ đang sử dụng khoảng 100 triệu người.

Công ty giấy LC Paper ở vùng Catalonia Tây Ban Nha đang chịu sức ép lớn do chi phí khi đốt tăng cao. Ảnh: WSJ

Không đủ lực để cầm cự

Gần đây, Katrien Vandenheuvel, một cựu giáo viên 41 tuổi, quyết định đóng cửa cửa hàng tạp hóa của gia đình cô ở một ngôi làng bên ngoài thành phố Antwerp, Bỉ,  sau khi nhận ra cô cần bán thêm khoảng 3.000 ổ bánh mì mỗi tháng để trang trải hóa đơn khí đốt đang tăng cao hơn. Cửa hàng của gia đình cô đã tính giá bánh ngọt và pho mát cao hơn so với các cửa hàng chuỗi. Vandenheuvel thừa nhận việc tăng giá đủ để bù đắp chi phí cao hơn sẽ khiến nhiều khách hàng bỏ đi.

 “Chúng tôi không muốn vay nợ thêm nữa”, cô nói và cho biết thêm các tiệm bánh địa phương và các nhà cung cấp thịt trong khu vực đang mất dần khách hàng vì tăng giá bán

Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu, từ tiệm bánh cho đến nhà sản xuất quần áo và thảm, thiếu quy mô kinh tế để cầm cự giữa lúc chi phí năng lượng tăng cao do Nga hạn chế nguồn cung khí đốt sang khu vực này. Những doanh nghiệp lớn có quy mô toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất thép, hóa chất, phân bón và các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng khác nằm trong số những doanh nghiệp đầu tiên cảm nhận sức ép vì giá khí đốt đắt đỏ, buộc họ phải đóng cửa các nhà máy luyện kim và các hoạt động chi phí cao khác ở châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Âu, không có sự hiện diện trên toàn cầu, đang gặp khó khăn trong việc nhanh chóng chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài lục địa, nơi giá năng lượng đang thấp hơn. Thay vào đó, họ cho biết đang bị các nhà cung cấp chèn ép và không thể chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng. Gánh nặng chi phí xuất hiện khi cú sốc chuỗi cung ứng gây ách tắc các lô hàng, dẫn đến thời gian chờ đợi giao nguyên liệu thô lâu hơn ngay đúng lúc nhiều doanh nghiệp đang phục hồi sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.

Hauke Burkhardt, người đứng đầu bộ phận cho vay doanh nghiệp của Ngân hàng  Deutsche Bank (Đức), cho biết việc tăng giá sẽ khó khăn hơn đối với các công ty vừa và nhỏ của châu Âu so với các công ty đa quốc gia. Burkhardt cảnh báo phần lớn tổn thương của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của họ trong những tháng tới.

Các công ty lớn hơn cũng được hưởng lợi từ các hợp đồng mua năng lượng dài hạn mà họ đã ký kết trước khi giá khí đốt và dầu thô tăng vọt. Một số doanh nghiệp lớn sử dụng các công cụ phái sinh trên thị trường tài chính để phòng ngừa rủi ro biến động giá và họ đầu tư nhiều hơn vào việc cắt giảm sử dụng năng lượng trước khi xảy ra đợt tăng giá tồi tệ nhất.

Heimo Scheuch, Giám đốc điều hành Wienerberger (Áo), nhà sản xuất gạch lớn nhất thế giới, cho biết quy mô, sức mua, hiệu quả và cơ cấu chi phí là những lợi thế của công ty ông so với các đối thủ nhỏ hơn.

Holger Schmieding, nhà nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg của Đức, cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực đã cắt giảm sản lượng và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp làm như vậy.

Hãng bảo hiểm Allianz (Đức) dự kiến ​​đà tăng của giá khí đốt tự nhiên trong năm nay sẽ bào mòn khoảng 150 tỉ đô la thu nhập trước thuế và các chi phí khác ở nhóm công ty vừa và nhỏ của châu Âu trong lĩnh vực sản xuất. Ana Boata, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Allianz, cho biết các doanh nghiệp bị bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các nhà sản xuất kim loại, giấy, bột giấy, hóa chất, thực phẩm và đồ uống và hàng dệt may vốn đang khát năng lượng.

Thua lỗ khi chi phí khí đốt tăng 10 lần

Pau Vila, 27 tuổi, Tổng giám đốc LC Paper, một doanh nghiệp giấy gia đình ở vùng Catalonia của Tây Ban Nha, với khoảng 130 nhân viên, nói: “Tình hình thực sự đang khá nguy ngập lúc này”.

Nhà máy của LC Paper cung cấp các cuộn giấy khổng lồ cho các nhà sản xuất giấy vệ sinh và khăn giấy sử dụng ở bệnh viện, sân bay và văn phòng, đồng thời sản xuất giấy vệ sinh đóng gói bán lẻ cho các siêu thị. Vila than vãn giá khí đốt tăng nhanh đến mức đôi lúc công ty ông bị hụt hết lợi nhuận khi đơn hàng hoàn thành.

Theo Vila, việc tăng giá để bù đắp hóa đơn năng lượng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu, vì vậy, LC Paper chỉ có thể cắt giảm ca làm việc để tiết kiệm tiền.

Tại Bồ Đào Nha và Ý, gần như tất cả nhà máy dệt do tư nhân điều hành đã hủy bỏ mục tiêu sản xuất phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh cuối năm. Một số công ty dệt tự nguyện cắt giảm sản lượng để tiết kiệm khí đốt bằng vận hành các lò hơi ít ngày hơn trong tuần hoặc kéo dài kỳ nghỉ hè cho nhân viên.

Mário Jorge Machado, 60 tuổi, đang sử dụng 320 người trong công việc kinh doanh dệt may của mình gần thành phố Porto, miền bắc Bồ Đào Nha. Công ty Adalberto Estampados của ông nhuộm các loại vải mà cuối cùng dùng để sản xuất quần áo của các thương hiệu như Hugo Boss và Moschino. Ông cho biết chi phí khí đốt, rất cần thiết cho quá trình hấp và sấy vải, tăng gấp hơn 10 lần so với cách đây một năm.

“Mỗi khi bạn bán được một mét vải, bạn đang thua lỗ”, ông nói và bày tỏ hy vọng các quan chức Bồ Đào Nha sẽ tăng cường cứu trợ cho các công ty trong ngành dệt may đang chịu sức ép vì chi phí năng lượng. Nhưng ông thừa nhận trợ cấp sẽ không đủ đối với một số công ty.

Dirk Vantyghem, Tổng giám đốc Tập đoàn thương mại hàng dệt và may mặc châu Âu Euratex, nói: “Rất nhiều công ty nhỏ trong ngành có năng lực tài chính hạn chế và nguồn dự trữ tiền mặt eo hẹp”.

Một số ngành công nghiệp khác cũng lo lắng họ sẽ bị tụt lại phía sau nếu nguồn cung khí đốt cạn kiệt và các chính phủ EU buộc phải phân loại ngành công nghiệp nào được phép tiếp tục sử dụng khí đốt.

Theo Renaud Batier, Tổng giám đốc Tập đoàn thương mại gốm sứ châu Âu, Cerame-Unie, nhu cầu đối với gốm sứ gia dụng và công nghiệp vẫn còn mạnh mẽ nên hầu hết các nhà máy sản xuất gốm sứ trong khu vực tiếp tục duy trì hoạt động.

Nhưng sẽ khó khăn hơn để các công ty cố gắng tiết kiệm khí đốt nhưng vẫn duy trì sản xuất. Batier nói: “Nếu các chính phủ quyết định các ưu tiên và không phân bổ khí đốt cho ngành công nghiệp của chúng tôi, điều này sẽ gây ra tác động rất lâu dài, đặc biệt là ở hạ nguồn (các nhà phân phối và bán lẻ)”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới