Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng nợ châu Âu: Đến lượt nước Pháp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng nợ châu Âu: Đến lượt nước Pháp?

Kiến Tân

Khủng hoảng nợ châu Âu: Đến lượt nước Pháp?
Cùng với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp N. Sarkozy (trái) nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nhưng tình hình ngày càng khó kiểm soát. Ảnh Internet

(TBKTSG Online) - Tình trạng bi đát của Ý đang khiến cho các ngân hàng Pháp lao đao. Ngày 13-11, tờ The New York Times đặt câu hỏi, liệu có phải Pháp là nước kế tiếp, sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ý sa chân vào cuộc khủng hoảng?

Trùng trùng nguy cơ

Trong khi Ý thay thế Hy Lạp thu hút sự lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng xấu của eurozone, giới đầu tư đang bắt đầu hoang mang trước triển vọng của nền kinh tế Pháp.

Các ngân hàng Pháp đang là những chủ nợ lớn nhất của Ý. Những gốc rễ khiến các ngân hàng Pháp lún sâu vào nợ công Ý bắt nguồn từ nhiều năm trước. Trong thập kỷ qua, các ngân hàng Pháp liên tục bành trướng, thâu tóm những đối thủ tại Ý và vô tình tự bổ sung thêm một lượng lớn trái phiếu Ý vào danh mục đầu tư. Ngân hàng BNP Paribas chẳng hạn, mua lại Banca Nazionale del Lavoro cách đây 5 năm, đã nắm khoảng 12,2 tỉ euro (16,5 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu chính phủ Ý. Tương tự, Ngân hàng Credit Agricole cũng đang nắm giữ 8,7 tỉ euro (11,7 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu Ý.

Giá trị trái phiếu Ý đang được các định chế tài chính khác của Pháp nắm giữ còn nhiều hơn. Theo một báo cáo gần đây của Keefe, Bruyette & Woods thì các định chế tài chính Pháp đang nắm giữ khoảng 100 tỉ đô la Mỹ trái phiếu Ý cộng với khoảng 300 tỉ đô la Mỹ cho khu vực tư nhân Ý vay.

Nếu như giải pháp cứu nước Ý cũng giống với Hy Lạp, tức là các ngân hàng phải chịu mất một nửa các khoản nợ thì đây là thảm họa đối với giới ngân hàng Pháp. Con số 350 tỉ euro (470 tỉ đô la Mỹ) nợ công của Hy Lạp chẳng là gì so với con số xấp xỉ 2.000 tỉ euro (2700 tỉ đô la Mỹ) mà Ý đang gánh.

Vì thế,  giới đầu tư vô cùng lo ngại về triển vọng của kinh tế Pháp. Bằng chứng cho mối lo ngại này là việc lãi vay của Pháp hiện đã tăng lên gấp đôi kể từ đầu tháng Mười, cao hơn Đức và khoảng cách lãi vay giữa Pháp và Đức hồi tuần trước được nới rộng ở mức kỷ lục, cao nhất kể từ khi thành lập khu vực eurozone vào năm 1999. Khi giới đầu tư đánh giá mức độ rủi ro cao thì lãi suất theo đó sẽ tăng lên. Vì thế, nhiều suy đoán cho rằng Pháp sẽ sớm bị tụt hạng tín nhiệm tín dụng chứ khó có thể giữ vững mức AAA hiện nay.

Ngoài ra, các ngân hàng Pháp còn là chủ nợ lớn nắm giữ trái phiếu chính phủ của chính nước Pháp. Lãi suất trái phiếu chính phủ Pháp cũng tăng lên vì nhiều người lo ngại Paris phải chi đậm để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhấn chìm nước Ý. Bên cạnh đó, các ngân hàng Pháp cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường tài chính ngắn hạn so với những đối thủ của họ. Vì thế, các ngân hàng Pháp rất dễ rơi vào tình trạng bi đát nếu tình hình của Ý gây ra một thảm kịch giống như Ngân hàng Lehman Brothers trước đây, làm đóng băng thị trường tín dụng.

Giờ đây người ta chỉ còn biết bám víu vào những lập luận rằng: Ý khó có thể vỡ nợ vì nước này “quá lớn để sụp đổ”. Hơn thế nữa, viễn cảnh u tối của Pháp cũng khó xảy ra vì tỉ lệ nợ công so trên GDP nước này chỉ là 85%, thấp hơn nhiều so với mức 120% của Ý. Những lập luận tương tự như thế cũng từng được nói đến hồi tháng 7 năm nay khi Ý bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chẳng có gì là không thể xảy ra, tình hình của nước Ý đang dần vượt qua tầm kiểm soát; cho nên, hoàn cảnh hiện tại của Ý có thể tái diễn đối với Pháp vào một ngày không xa.

Pháp tự biết thân phận

Tổng thống Nicolas Sarkozy dường như đã nhận thức được mối hiểm họa có thể xảy đến cho nước Pháp, theo The Economist. Ngày 7-11, chính phủ của ông Sarkozy chính thức loan báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm khoảng 7 tỉ euro (tương đương 9,5 tỉ đô la Mỹ) cho ngân sách Pháp vào năm 2012. Trước đó, ông Sarkozy từng đề ra kế hoạch tiết kiệm 11 tỉ euro. Đây được xem là bước ngoặt mới của tổng thống Pháp vì trong quá khứ ông đã cương quyết từ chối thắt lưng buộc bụng.

Năm 2007, ông Sarkozy bất ngờ có mặt tại một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU để tuyên bố rằng Pháp sẽ trì hoãn 2 năm đối với cam kết cân bằng ngân sách. Đến năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu, ông Sarkozy cũng cấm đề cập đến thuật ngữ “thắt lưng buộc bụng”, cụm từ có thể gây ra sự lo ngại.

Kế hoạch tiết kiệm ngân sách mà ông Sarkozy đưa ra không làm thay đổi mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 4,5% GDP vào năm tới và 3% GDP vào năm 2013. Tuy nhiên, biện pháp trên được xem là cách phản ứng của Pháp trước tình hình kinh tế trở nên ì ạch. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, Tổng thống Sarkozy thừa nhận GDP vào năm 2012 của Pháp chỉ tăng khoảng 1%, thấp hơn mức 1,75% dự báo trước đó. Kế hoạch của ông Sarkozy chủ yếu tập trung vào việc tăng thuế chứ không phải cắt giảm chi tiêu. Thuế giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ sẽ tăng từ mức 5,5% hiện nay lên thành 7%. Thuế doanh nghiệp cũng bị tăng lên. Về phần cắt giảm chi tiêu, biện pháp nổi bật nhất là nâng tuổi nghỉ hưu lên thành 62 tuổi để cắt giảm bớt trợ cấp xã hội.

(tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới