Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng nợ châu Âu: Thị trường thất vọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng nợ châu Âu: Thị trường thất vọng

Thanh Tuyền

Khủng hoảng nợ châu Âu: Thị trường thất vọng
Các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Brussels. Ảnh:Reuters

(TBKTSG Online) – Các thị trường chứng khoán ngày 8-12 giảm điểm mạnh sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bác bỏ đề xuất tăng cường hỗ trợ cho các nước khu vực đồng euro (eurozone) đang nợ “ngập đầu”.

Thị trường mong chờ ECB tăng mua trái phiếu chính phủ Ý nếu các chính phủ eurozone đồng ý các quy định hạn chế vay mượn và cải tổ nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố sẽ không đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu do vi phạm Hiệp ước châu Âu. Ông chỉ đưa ra các biện pháp hỗ trợ mới cho các ngân hàng eurozone và cắt giảm lãi suất xuống còn 1% do dự đoán khả năng thâm hụt vốn mà các ngân hàng châu Âu phải đối mặt.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng chỉ có ECB mới đủ sức mạnh cứu eurozone nhưng đã thất vọng bởi sự thận trọng của ECB trong việc mua trái phiếu.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ngày 8-12 (tức sáng ngày 9-12 tại Việt Nam) giảm 1,6%. Chỉ số S&P 500 giảm nhiều hơn với 2,1%, tương đương 26,66 điểm, xuống còn 1234,35 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng mất 1,99%, chốt phiên giao dịch ở mức 1.596,38 điểm.

Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng trượt dốc. Chỉ số Dax của Đức thấp hơn 2% và chỉ số FTSE của Anh giảm 1,14%. Chứng khoán Pháp và Ý lần lượt giảm 2,5% và 4,3%.

Lãnh đạo EU nhất trí về quy định tài chính mới

Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 8-12 đã thống nhất các quy định tài chính mới khắt khe hơn sau khi Chủ tịch ECB đóng cánh cửa hy vọng về khả năng giúp đỡ giải quyết khủng hoảng nợ của eurozone.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ), 27 nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về điều gọi là “trừng phạt tự động” đối với những nước vi phạm quy định thâm hụt ngân sách của eurozone, trừ khi 3/4 các nước bỏ phiếu chống lại lệnh trừng phạt đó. Lãnh đạo EU cũng phê chuẩn quy định tài chính mới về ngân sách cân bằng, dự định sẽ được đưa vào hiến pháp các nước thành viên.

Tuy nhiên, họ vẫn còn tranh luận về việc làm thế nào để tăng cường sức mạnh của quỹ cứu trợ trong tương lai và chưa đề cập đến câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi là liệu quy định mới có đòi hỏi phải thay đổi Hiệp ước châu Âu hay không.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu và là chủ tịch hội nghị, ông Herman Van Rompuy, mong muốn 27 nước EU đồng ý với quy định mới sẽ thông qua việc điều chỉnh một phần trong hiệp ước mà không cần phải chỉnh sửa toàn bộ nội dung. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu sửa đổi đầy đủ hiệp ước để đưa ra các biện pháp có sức ảnh hưởng lớn hơn.

(Theo BBC, Reuters)

EU cắt viện trợ 19 nền kinh tế mới nổi

Chánh Tài

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8-12 quyết định cắt viện trợ cho 19 nền kinh tế mới nổi kể từ năm 2014. Các nước này gồm: Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Kazakhstan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Maldives, Mexico, Panama, Peru, Thái Lan, Venezuela và Uruguay.

EC cho rằng một số siêu cường mới nổi như Trung Quốc và Brazil thậm chí còn có khả năng giải cứu nền kinh tế châu Âu đang chìm trong khủng hoảng nợ công thì không cớ gì lại đi nhận viện trợ của EU.

Cao ủy phát triển của EU Andris Piebalgs nói quyết định này được đưa ra để tạo ra sự thay đổi trong mối quan hệ của EU với các nền kinh tế mới nổi và tập trung viện trợ đối với những nước nghèo nhất trong giai đoạn từ năm 2014-2020.

Liên hiệp các tổ chức cứu trợ và phát triển phi chính phủ EU (CONCORD) phản đối quyết định vì cho rằng các dữ liệu kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế trên có thể che giấu thực tế mức sống nghèo khổ của nhiều người dân. CONCORD cho rằng EU không nên sử dụng viện trợ làm công cụ phục vụ cho các lợi ích chiến lược. Theo tổ chức cứu trợ ActionAid, 75% người nghèo của thế giới sống ở các nước có mức thu nhập trung bình.

EU là nhà viện trợ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% tổng viện trợ của thế giới với 53,8 tỉ euro viện trợ phân phối cho các nước vào năm 2010. EC trực tiếp điều phối khoảng 20% số tiền viện trợ đó, khoảng 11 tỉ euro.

(Theo India Times, FT)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới