Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng phi công ở châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng phi công ở châu Á

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Khi nhu cầu đi lại bằng hàng không của người dân châu Á tăng vọt, nhiều hãng giá rẻ đã ra mắt, khiến lực lượng phi công trong khu vực vốn đang thiếu hụt càng trở nên khan hiếm hơn. Trong khi một cuộc chạy đua đào tạo phi công đang diễn ra thì nhiều hãng bay tìm các giải pháp ngắn hạn là… “câu” phi công từ hãng khác.

Khủng hoảng phi công ở châu Á
Hãng sản xuất máy bay Boeing ước tính từ nay đến năm 2037, thế giới cần khoảng 790.000 phi công mới, trong đó, 261.000 phi công sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng hàng không đang bùng nổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tình trạng khan hiếm phi công ở châu Á xảy ra khi hãng bay trong khu vực mua thêm máy bay càng nhanh càng tốt để đáp ứng lượng hành khách gia tăng mạnh.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổng số hành khách hàng không trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 4,59 tỉ người vào năm 2019, tăng 38% so với năm 2014. Phần lớn mức tăng này chủ yếu là nhờ ngày càng có nhiều người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, đặc biệt là trong Châu Á, nơi các hãng hàng không giá rẻ đang mạng lại cơ hội bay ra nước ngoài lần đầu tiên cho nhiều người dân trong nước.

Hãng sản xuất máy bay Boeing ước tính từ nay đến năm 2037, thế giới cần khoảng 790.000 phi công mới, trong đó, 261.000 phi công sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng hàng không đang bùng nổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Abdulla Al Hammadi, Phó Chủ tịch Học viện huấn luyện bay Emirates ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết các trường dạy bay phải cung ứng ít nhất 80 học viên tốt nghiệp mỗi ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu phi công toàn cầu.

Được khai trương vào năm 2017, học viện này hiện có 200 học viên và đang muốn tăng gấp đôi con số này vào năm 2020. Mục tiêu cuối cùng là học viện có thể huấn luyện cùng lúc 600 phi công cho mỗi khóa.

Tại Úc, hãng hàng không Virgin Australia Airlines, đang lên kế hoạch mở một trường dạy bay ở thành phố Tamworth và vận hành nó với sự hỗ trợ của Trường Cao đẳng Hàng không quốc tế Úc.

Để vận hành một trường dạy bay đòi hỏi rất nhiều trình độ chuyên môn và công nghệ cần thiết và điều này có nghĩa là chỉ một số ít các hãng hàng không có thể tự vận hành các trung tâm đào tạo bay của riêng họ.

Các hãng bay châu Á đang tăng lương và phúc lợi để thu hút hoặc giữ chân các phi công dạy dặn kinh nghiệm. Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á IndiGo (Ấn Độ) đang tìm cách “câu” các phi công từ các hãng bay khác vốn gặp khó khăn tài chính bằng cách đề nghị trả luôn những khoản lương mà các hãng bay đó còn nợ họ.

Hồi tháng 2, IndiGO đã phải hủy hơn 30 chuyến bay mỗi ngày do thiếu phi công. IndiGo đang sử dụng hơn 3.000 phi công, trong đó có hơn 50 phi công nước ngoài. Hãng lên kế hoạch thuê khoảng 120 phi công nước ngoài do phi công trong nước không có đủ số lượng để tuyển. Tuy nhiên, một lãnh đạo hàng không cho biết cho biết ngành vận tải hàng không Ấn Độ không đủ sức để thuê phi công nước ngoài vì chi phí lương bổng của họ cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp Ấn Độ.

Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) ước tính trong 10 năm tới, các hãng hàng không Ấn Độ cần tuyển thêm 17.164 phi công mới.

Ngày 25-5, bà Usha Padhee, một lãnh đạo cấp cao ở Bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ đã họp thảo luận với các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ấn Độ về tính khả thi của kế hoạch điều phi công máy bay chiến đấu sang bay các máy bay dân sự. Một chỉ huy không quân Ấn Độ cho biết việc điều phi công quân sự sang lái máy bay dân dụng không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, các phi công quân sự cần phải được trải qua đợt huấn luyện ngắn để làm quen với loại máy bay dân sự mà họ sẽ bay. CAPA cho biết các hãng hàng không Ấn Độ sẽ cần thêm hơn 800 phi công trong giai đoạn 2019-2020.

Kế hoạch trên, nếu được thực hiện, sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng đang gây khó khăn cho các hoạt động của các hãng hàng không Ấn Độ.

Năm ngoái, công ty dịch vụ trực thăng Pawan Hans (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận ghi nhớ với không quân Ấn Độ để thuê các phi công quân sự.

Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng đang cạnh tranh tuyển dụng phi công bằng cách chào mới các khoản lương bổng hậu hĩnh. Tình trạng “câu” phi công của nhau của các hãng bay ở Hàn Quốc trở nên quyết liệt đến mức ngành hàng không đề nghị Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc can thiệp.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm phi công, các hãng hàng không ở Trung Quốc có một cách tiếp cận khác, đó là giúp mọi người trở thành phi công dễ dàng hơn. Hãng hàng không Air China gần đây đã nới lỏng yêu cầu về chiều cao của phi công từ mức 1,7-1,85m sang mức từ 1,68-1,88m. Một số đối thủ của Air China nới lỏng các tiêu chuẩn khác bao gồm các yêu cầu về thị lực.

Các hãng hàng không châu Á đang thiếu hụt phi công nghiêm trọng, khiến nhiều hãng phải thuê phi công nước ngoài với chi phí lương bổng cao. Ảnh: HR Asia

Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA và Japan Airlines cũng đang chạy đua tuyển thêm phi công để xử lý lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đang gia tăng mạnh. Hãng hàng không khu vực ANA Wings và hãng hàng không giá rẻ Peach (đều là công ty con của ANA) đã bắt đầu tuyển dụng thực tập sinh phi công.

Peter Harbison, Chủ tịch danh dự CAPA cho biết các hãng hàng không có thể muốn thử nghiệm sử dụng một phi công cho các số tuyến bay vốn cần từ hai phi công trở lên.

“Nhu cầu tăng nhanh. Điều này có thể khiến các hãng hãng không thuê những phi công mà bình thường, họ không nhận, làm tăng đáng kể chi phí huấn luyện thêm”,  Hideki Kazama, nhà phân tích cấp cao ở Trung tâm Quản lý hàng không Nhật Bản, có trụ sở ở Tokyo, nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới