Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng thiếu điện và bài toán khó giải cho tăng trưởng kinh tế

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nguồn cung năng lượng không chỉ có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng, mà còn là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, khủng hoảng điện cũng có thể gây ra khủng hoảng kinh tế.

Tình trạng thiếu hụt điện chỉ là một nét chấm phá nổi bật trong một bức tranh rộng lớn của nền kinh tế. Ảnh: N.K

Bài học từ khủng hoảng điện của Trung Quốc

Cách đây đúng hai năm, cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc không chỉ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, mà còn đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia. Khi đó, nhiều nhà máy tại Trung Quốc - công xưởng của toàn cầu, buộc phải giảm số ngày làm việc, giảm công suất hoạt động, thậm chí phải đóng cửa vì thiếu hụt điện, trong khi các khu vực dân cư cũng liên tục bị cắt điện.

Nguyên nhân lý giải tình trạng thiếu hụt điện của Trung Quốc khi đó là do giá than tăng mạnh, nên các nhà máy nhiệt điện vốn sử dụng than là nhiên liệu đầu vào phải cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ, bởi họ bị giới hạn giá bán. Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon vào năm 2030, nâng cao các tiêu chuẩn khí thải và sử dụng hiệu quả năng lượng, càng tạo áp lực lên hoạt động sản xuất than trong nước, còn nguồn cung than từ nhập khẩu lại không đủ, đặc biệt là từ Úc do những căng thẳng địa chính trị leo thang.

Bên cạnh đó, nguồn cung năng lượng tái tạo sụt giảm và thiếu ổn định cũng khiến vấn đề càng thêm trầm trọng. Đơn cử như khu vực sản xuất thủy điện của Trung Quốc đã vật lộn với thời tiết hạn hán ngày càng thường xuyên hơn. Thực tế điều này đã lặp lại trong mùa hè năm 2022, khi nhiều đợt nắng nóng tồi tệ kéo dài đã dẫn đến tình trạng hạn hán, khiến mực nước trong các hồ chứa thủy điện tại Trung Quốc xuống thấp và làm giảm công suất phát của các nhà máy thủy điện.

Kinh tế từ đầu năm đến nay đang có dấu hiệu giảm tốc, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, mà lượng điện còn không thể đáp ứng, sau này khi kinh tế bước vào chu kỳ mở rộng, tăng trưởng mạnh mẽ thì mọi việc sẽ ra sao?

Ngược lại, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, từ cả khu vực sản xuất khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi mạnh sau giai đoạn chống dịch Covid-19 quyết liệt lẫn khu vực dân cư do nhiệt độ nóng lên làm tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị điều hòa. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện còn tăng do sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ và xu hướng chuyển đổi số, số hóa trong mọi lĩnh vực.

Trong khi đó, đầu tư mới vào các dự án sản xuất và phát điện lại đang tụt hậu so với tăng trưởng tiêu thụ điện ngày càng nhanh hơn.

Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc thời điểm đó đã sớm gióng lên hồi chuông cảnh báo về một nguy cơ tương tự cho Việt Nam, quốc gia có những đặc thù như nước láng giềng Trung Quốc, từ vị trí địa lý, tác động của biến đổi khí hậu, cho đến những đặc điểm tương quan trong nền kinh tế. Không ít ý kiến trước đây của các chuyên gia từng lo ngại về một viễn cảnh thiếu hụt điện cho Việt Nam trong tương lai, điều đang thực tế xảy ra.

Nhìn lại những gì Trung Quốc đã trải qua gần đây để thấy tình trạng thiếu hụt điện hiện nay của Việt Nam cũng đang bắt nguồn từ những lý do tương tự, như nhu cầu sử dụng tiếp tục tăng mạnh nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng, đặc biệt cũng do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như El Nino kéo dài, nắng nóng, hạn hán,... cho đến việc thu hút đầu tư trong ngành này có những hạn chế nhất định do chính sách giá mua bán chưa phù hợp, cộng thêm cơ chế độc quyền trong phân phối, truyền tải..., đặc biệt là tại khu vực miền Bắc khi tăng trưởng nguồn cung không theo kịp tăng trưởng tiêu thụ trong những năm qua.

Tác động xấu đến kinh tế

Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Việt Nam, cũng như Trung Quốc hai năm trước khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tương lai, nếu không có những chính sách thu hút đầu tư, chuyển đổi năng lượng phù hợp.

Lưu ý rằng Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 để đóng góp vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với việc các nhà máy nhiệt điện than sẽ bị thu hẹp dần, như Quy hoạch điện VIII đã nêu ra. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung điện trong tương lai, gây áp lực lên các nguồn điện thay thế khác.

Nguồn cung năng lượng không chỉ có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng, mà còn là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, khủng hoảng điện cũng có thể gây ra khủng hoảng kinh tế.

Thực trạng những ngày qua là một minh chứng cụ thể, khi tình trạng thiếu điện, cắt điện đã khiến nhiều nhà máy, các khu công nghiệp trong nước phải tạm ngưng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Điều đáng lo ngại là với diễn biến kinh tế từ đầu năm đến nay đang có dấu hiệu giảm tốc, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, mà lượng điện còn không thể đáp ứng, sau này khi kinh tế bước vào chu kỳ mở rộng, tăng trưởng mạnh mẽ thì mọi việc sẽ ra sao?

Đứng về phía doanh nghiệp, sau những thiệt hại do đại dịch Covid 19 gây ra, kế tiếp là thiếu hụt nguồn nhân lực do sự dịch chuyển của lực lượng lao động, rồi thiếu hụt đơn hàng từ cuối quí 4 năm ngoái, kế tiếp là thiếu vốn, giờ đây lại phải đối mặt với thách thức thiếu điện để sản xuất kinh doanh. Với nguồn lực đang suy kiệt dần, khả năng chống chọi, ứng phó ngày càng suy giảm, các doanh nghiệp càng có nhiều nguy cơ buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Nhìn rộng ra, tình trạng thiếu hụt điện chỉ là một nét chấm phá nổi bật trong một bức tranh rộng lớn hơn. Các yếu tố về cơ sở hạ tầng khác, từ đường sá, cầu cống, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cấp thoát nước, mạng viễn thông, các hạ tầng logistics khác... liệu có đang được đầu tư đúng mức để đảm bảo theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế? Nhìn vào sự giảm tốc của đầu tàu kinh tế TPHCM trong những năm gần đây, có phải một phần nguyên nhân đến từ hạ tầng phát triển quá chậm so với nhu cầu, do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp? Đây là điều đáng suy ngẫm!

Trong khi đó, một trong những giải pháp được đề xuất suốt thời gian qua để thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực điện năng là xem xét nâng giá bán điện, điều mà Trung Quốc cũng đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng điện gần đây. Nhưng đây không phải là một lựa chọn dễ dàng, khi việc tăng giá điện cũng có thể gây ra những tác động sâu rộng lên nhiều lĩnh vực khác, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, trong khi bài toán lạm phát vẫn đang đối mặt với không ít áp lực, chưa nói đến việc kéo theo những phản ứng và bất ổn xã hội tiềm tàng.

Tuy nhiên, nếu để tình trạng thiếu hụt điện kéo dài hoặc cứ lặp lại vào mỗi năm ở những giai đoạn nhất định, các doanh nghiệp cũng sẽ không thể chủ động được các kế hoạch sản xuất kinh doanh, sản phẩm đầu ra không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng lên hoạt động thương mại quốc tế mà còn kéo theo thiếu hụt nguồn cung trong nước. Đơn cử như việc thiếu điện có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón, hoạt động chăn nuôi công nghiệp, hệ quả kéo theo là thiếu hụt hàng hóa từ đó cũng gây sức ép lên giá cả lương thực.

Hồi cuối năm 2018, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo về tương lai ngành năng lượng bền vững cho Việt Nam, khi chỉ ra những thách thức mà ngành điện sẽ phải đối mặt trong tương lai. Từ đó tổ chức này cũng đề xuất những giải pháp, trong đó chủ yếu tập trung vào các nguồn năng lượng thay thế và cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Sau năm năm, những thách thức này dường như đã thành hiện thực, trong khi các giải pháp vẫn còn mãi loay hoay.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhớ thời bao cấp, cúp điện thì dài dài, có điện chỉ lai rai. Ngày nay, thời buổi kinh doanh 4.0, điện thì đủ xài, cúp điện có chăng là hãn hữu. Thừa/ thiếu điện, đôi khi chỉ là khái niệm cảm tính, mang tính thời điểm. Thừa điện quá cũng có hại. Thiếu điện quá cũng không xong. Lợi bất cập hại. Giống như tiết kiệm điện, khuyến khích bảo vệ môi trường. Kêu gọi nhiều chưa hẳn có tác dụng, trừ khi cứ đánh vào giá, tăng lên với những trường hợp sử dụng quá nhiều là xong ? Tiết kiệm điện cũng có nghĩa làm giảm doanh thu, giảm thu nhập ? Bài toán về điện là bài toán kinh tế xã hội lớn, đòi hỏi phải lựa chọn, xử lý tổng thể, nhiều ẩn số, lời giải, phân kỳ, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện thừa – thiếu điện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới