Thứ Năm, 27/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Khủng hoảng thiếu nước cam’ đẩy giá lên cao kỷ lục

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thời tiết xấu và dịch bệnh ở Brazil, nước xuất khẩu nước cam ép lớn nhất thế giới, đã đẩy giá kỳ hạn của mặt hàng này liên tục cán các mức cao kỷ lục. Giới chức trách Brazil đang thúc đẩy các nhà sản xuất khám phá xem liệu họ có thể sử dụng nước ép từ trái quýt để làm đồ uống thay thế nước cam hay không.

Cam được thu hoạch tại một trang trại ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: Getty

Tại Mỹ, hợp đồng tương lai của nước cam ép, cho phép phòng ngừa rủi ro trước những biến động về giá, tăng giá chóng mặt kể từ cuối năm 2022 khi một cơn bão, sau đó là một đợt rét đậm, tàn phá các vườn cam ở bang Florida, khu vực trồng cam chính ở Mỹ, nhà sản xuất nước cam ép lớn thứ hai thế giới.

Giá của nước cam ép tăng sốc tháng này do viễn cảnh vụ thu hoạch ảm đạm ở Brazil khiến thị trường hoảng sợ. Hợp đồng tương lai của nước cam cô đặc, được giao dịch trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE) ở New York, đạt mức cao kỷ lục 4,92 đô la Mỹ/pound (0,453 kg) vào hôm 28-5. Mức giá này cao gần gấp đôi so với một năm trước.

“Đây là một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy, ngay cả trong những đợt băng giá và bão lớn”, Kees Cools, Chủ tịch Hiệp hội nước ép rau quả quốc tế (IFU), nói.

Theo IFU, tình trạng thiếu hụt nước cam nghiêm trọng làm dấy lên lo ngại giá cả đắt đỏ sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và định hình lại cơ bản ngành công nghiệp nước cam toàn cầu.

Thông thường, các nhà sản xuất có thể khắc phục sự khác biệt về hương vị giữa mùa này với mùa khác bằng cách pha trộn nước cam đông lạnh dự trữ, có thời hạn sử dụng hai năm, từ mùa trước với vụ mùa mới hơn. Nhưng 3 năm liên tiếp nguồn cung nước cam sụt giảm đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ.

Theo ông Kees Cools, giải pháp lâu dài cho tình trạng khan hiếm cam có thể là làm nước cam từ quýt. Quýt là loại cây ăn trái có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Tại Nhật Bản, nước thường nhập khẩu 90% nhu cầu nước cam trong nước, chủ yếu từ Brazil, tình trạng khan hiếm nguồn cung càng trở nên trầm trọng hơn do đồng yen yếu, đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao hơn nữa. Seven & i Holdings, chủ sở hữu chuỗi siêu thị 7-Eleven, đã chuyển hướng sang nguồn cung quýt nội địa để tung ra sản phẩm nước cam trộn nước quýt ép.

Cools cho biết, IFU đang xem xét quy trình quản lý để cho phép nước cam có chứa các loại nước trái cây họ cam quýt ngoài cam. Điều đó sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi về mặt quy định pháp luật, đầu tiên là bộ quy tắc tiêu chuẩn thực phẩm Codex Alimentarius do các cơ quan của Liên hợp quốc thiết lập, sau đó là ở cấp quốc gia, chẳng hạn như Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Giá nước cam ép cô đặc tăng lên mức cao kỷ lục trên Sàn giao dịch liên lục địa ở New York. Ảnh: Financial Times

Nguồn cung nước cam bị siết chặt từ 20 năm trước, khi đó bệnh vàng lá gân xanh, một căn bệnh nan y lây lan do côn trùng rầy hút nhựa cây khiến quả cam có vị đắng trước khi cây chết hoàn toàn, lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ.

Đến năm 2008, dịch bệnh này đã lan rộng khắp Florida, nơi trước đây chiếm hơn 80% nguồn cung nước cam của Mỹ. Theo Cools, hai thập niên trước, Florida sản xuất khoảng 240 triệu hộp nước cam mỗi năm. Ngày nay, do tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn, con số này đã giảm xuống chỉ còn 17 triệu hộp.

Nguồn cung của Brazil đã giúp bù đắp sự thiếu hụt này. Nhưng hiện tại, cường quốc nông nghiệp Nam Mỹ cũng bắt đầu gặp khó khăn. Theo ước tính từ Fundecitrus, một hiệp hội của nông dân trồng cam và nhà sản xuất nước cam ép ở bang São Paulo, sản lượng nước cam ép của Brazil trong năm nay dự kiến giảm 25%, xuống còn 232 triệu hộp.

Theo Andrés Padilla, nhà phân tích của ngân hàng Rabobank, nhiệt độ cao hơn mức trung bình và lượng mưa dưới mức trung bình đang tàn phá các vườn cam ở Brazil. Ông nói, chưa đến 1/3 số trang trại cam ở Brazil được tưới tiêu đầy đủ.

Rabobank ước tính, gần 40% vườn cam ở vùng trồng chính ở phía đông nam Brazil bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh. Padilla cho biết căn bệnh này cũng làm cho cam rụng sớm hơn, có nghĩa là nông dân có xu hướng thu hoạch sớm hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến hương vị nước cam. Tình trạng này đang gây thách thức cho ngành công nghiệp nước cam của Brazil

Cách duy nhất để chặn đứng căn bệnh là chặt bỏ cây cam bị nhiễm bệnh, điều mà người nông dân không muốn làm vì muốn tận dụng những quả cam còn lại trên cây. “Năng suất và chất lượng quả sẽ kém nếu không chặt bỏ cây bị nhiễm bệnh”, ông Kees Cools cho biết.

Các lãnh đạo trong ngành dự báo, người tiêu dùng có thể sẽ cảm nhận tác động thiếu nước cam ép trong nhiều năm tới. Nhiều nhà sản xuất nước cam ép đã chuyển chi phí gia tăng sang cho khách hàng.

“Do những yếu tố hỗn loạn và không chắc chắn trên toàn cầu và ở Anh, chúng tôi đã phải xem xét lại giá cả và kích cỡ đồ uống”, Sarah Baldwin, CEO của Purity Soft Drinks, nhà sản xuất nước giải khát của Anh, nói.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Jack Scoville, nhà môi giới của Price Futures Group ở Chicago, cho biết trước đại dịch Covid-19, một số người Mỹ đã bỏ uống nước cam vì lo ngại hàm lượng đường cao và chuyển sang sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin C hàng ngày. Nhưng trong thời kỳ Covid-19, nhiều người tiêu dùng tăng cường sử dụng nước cam để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới