(KTSG Online) - Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Tương lai của ngân hàng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Cần Thơ và Tạp chí JABES tổ chức vào sáng ngày 10-12.
Xu thế tất yếu: AI định hình chiến lược phát triển kinh doanh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) với sự giao thoa của các công nghệ số - vật lý – sinh học có khả năng tác động, làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống, làm việc và tác động mạnh mẽ tới chính sách phát triển của từng quốc gia. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ số trọng điểm của cuộc cuộc cách mạng này và là xu hướng chuyển đổi số trong sự phát triển của ngành ngân hàng.
Đại dịch Covid-19 thời gian qua diễn ra như một cú hích, càng làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, giúp đảm bảo khả năng vận hành và kinh doanh liên tục, đặc biệt trong các nghiệp vụ chăm sóc khách hàng của ngân hàng trong bối cảnh giãn cách xã hội với nhiều diễn biến phức tạp.
Lợi ích có thể kể đến việc ứng dụng các công nghệ AI như một trợ lý ảo, giúp cho các kênh giao tiếp với khách hàng đảm bảo được sự liền mạch, cũng như giải được bài toán làm sao có thể tiếp cận và phục vụ hàng ngàn khách hàng cùng một thời điểm.
Đồng quan điểm về xu thế của trí tuệ nhân tạo và việc chuyển đổi thành ngân hàng số, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, ông Đỗ Thái Bình - Giám Đốc Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp lớn - Hội sở Ngân hàng quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, chiến lược đẩy mạnh dịch vụ Internet Banking của các ngân hàng thời gian qua được đánh giá hầu như đã hóa giải toàn bộ và tăng hiệu suất gần như tuyệt đối quá trình nhập liệu ngay từ ban đầu và được xem là đại diện, khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số về công nghệ thanh toán giữa khách hàng và ngân hàng.
Bên cạnh Internet Banking, Mobile Banking, ngân hàng số được xem là một bước nhảy vọt vì khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện tất cả các giao dịch thông qua một chiếc điện thoại nhỏ gọn. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, giao dịch, đồng thời cho phép có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, ngân hàng số giúp các ngân hàng thương mại giảm thiểu các chi phí, tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh.
Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ, giúp các doanh nghiệp khối tài chính – bảo hiểm – ngân hàng chuyển đổi số, ông Dương Lê Minh Đức - Giám đốc kinh doanh FPT. AI cho rằng, AI giúp doanh nghiệp có thể phục vụ được nhiều khách hàng hơn, tối ưu hóa chi phí.
“Chúng ta đang dần dịch chuyển từ những công nghệ của AI trong nhiệm vụ hỗ trợ khách dựa trên hành vi của họ, nâng cao tính cá nhân hóa và dễ dàng đo lường mức độ hài lòng, tăng trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, thông qua cơ sở dữ liệu được lưu trữ điện tử, các ngân hàng có thể phân tích, đánh giá khách hàng để từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn”, ông Dương Lê Minh Đức nhận định.
Xây dựng khuôn khổ pháp lý ề hoạt động AI
Chính vì ngày càng có những lợi ích vượt trội như vậy, đồng thời AI được xem là một chiến lược phát triển kinh doanh không thể thiếu, nên việc định hình và phân tích, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho các ngân hàng, như rủi ro về đặc quyền dữ liệu; lạm dụng và sử dụng dữ liệu sai mục đích; sử dụng dữ liệu nhằm điều khiển, thao túng suy nghĩ của người tiêu dùng; hay rủi ro về tiêu chí “loại bỏ xã hội” mà các chuyên gia giải thích là loại bỏ một số cá thể hoặc một bộ phận của xã hội khỏi các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống... là điều hết sức cần thiết, đồng thời đặt ra vấn đề cấp thiết là đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý chuyên biệt .
Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực đưa ra nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy AI trong ngành ngân hàng, như Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Tài chính – Ngân hàng nằm trong số các ngành ưu tiên chuyển đổi số; Chỉ thị 01 về tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; Quyết định 749 về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030; hay Quyết định 127, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Nhưng với những yêu cầu cấp thiết cộng với sự phát triển nhanh chóng như hiện nay cần quyết liệt hơn nữa về câu chuyện định hình rõ hơn về ý nghĩa AI, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng thiết kế, hoàn thiện hơn nữa cơ chế, khuôn khổ pháp lý để hạn chế, khắc phục được các rủi ro trên, trực tiếp thúc đẩy chuyển đổi số phát triển.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết hiện nay quy định của pháp luật về lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ đang tập trung vào tiêu chuẩn, kiến trúc, nguyên tắc ứng dụng và nghiên cứu, phát triển cho công nghệ thông tin, còn ứng dụng AI cho hoạt động nghiệp vụ về cơ bản được vận dụng theo khuôn khổ pháp lý của hoat động nghiệp vụ đó.
Đồng quan điểm, tại hội thảo một số diễn giả và chuyên gia cũng đưa ra kiến nghị, trong dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, luật bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng; xây dựng khuôn khổ pháp lý ở cấp độ luật về hoạt động AI.
Trong ngắn hạn, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn cho phép ngành ngân hàng khai thác, đối chiếu thông tin khách hàng trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân (CCCD), khai thác thông tin trong CCCD gắn chip...
Khó khăn lớn nhất, vẫn là nguồn nhân lực
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các ngân hàng hiện nay đang gặp hạn chế rất lớn về nguồn lực có trình độ cao chuyên về công nghệ và nghiệp vụ. Việc cải tổ bộ máy tổ chức để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số dẫn đến vấn đề cạnh tranh nguồn lực trong ngành ngân hàng hiện nay luôn ở mức cao. Các ngân hàng phải chịu sự cạnh tranh không chỉ đến từ các ngân hàng khác mà còn từ các công ty Fintech, Bigtech..
Do vậy, các ngân hàng sẽ phải đầu tư, nâng cấp hệ thống an ninh, an toàn bảo mật để đối phó với nguy cơ bị tấn công dữ liệu. Ngược lại, để bảo vệ bản thân, khách hàng cũng cần thích nghi nhiều hơn với những sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng, khách hàng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của những kẻ tấn công nếu không nắm rõ cách thức sử dụng của sản phẩm.
“Việc ứng dụng AI sẽ khiến các ngân hàng phải tổ chức lại bộ máy, nhiều công việc thủ công bàn giấy sẽ mất dần đi, do ứng dụng công nghệ tự động hóa quy trình với robot. Việc đào tạo lại kĩ năng mới cho cán bộ, công chức ngân hàng thích nghi với xu hướng chuyển đổi số trở thành thách thức tương đối lớn của ngành ngân hàng,” đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Đồng quan điểm, ông Dương Lê Minh Đức - Giám đốc kinh doanh FPT. AI nhấn mạnh thêm, một sản phẩm AI phải là sự kết hợp giữa tính chính xác, chuẩn, nhanh của máy móc và “tính người”.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém trong kỷ nguyên AI là vai trò của con người. Bởi có những tác vụ mà con người có thể làm tốt hơn máy, như lãnh đạo, thấu hiểu, sáng tạo và ra quyết định, còn những tác vụ máy thực hiện tốt hơn con người như thực thi mô hình, các tác vụ mang tính chất lặp lại với khả năng xử lý với sai số thấp... khi hiểu và phối hợp hai tác vụ này lại sẽ giải quyết được những khúc mắc giúp đạt được hiệu quả trong công việc cao nhất.