(KTSG Online) - Tại phiên bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 vào chiều 6-12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, sau Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm, chủ trương bố trí lại cán bộ sau kỷ luật theo Kết luận 20 của Bộ Chính trị, bước đầu đã giải quyết một số trường hợp.
Ông Võ Văn Thưởng nhắc lại việc khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc có sai phạm. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu các thể chế chính trị khác, nếu lãnh đạo phải từ chức thường là do sai lầm trong công tác và có sức ép trong nội bộ Đảng.
- TPHCM bỏ mô hình tổ dân phố, gần 38.000 cán bộ sẽ nghỉ việc
- Dự báo kinh tế TPHCM năm 2022 tăng trưởng trên 9%
Trước đó, trong phiên khai mạc vào sáng 5-12, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Theo ông, một trong những điểm mới của nghị quyết là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước.
Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm. Để kiểm soát quyền lực, cần xác định rõ hơn vai trò, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp.
Cấp có thẩm quyền phải phân công rành mạch và tăng cường kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan. Nguyên tắc tập trung dân chủ phải thực hiện đầy đủ đi cùng với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Đồng thời, cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước phải được hoàn thiện, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nghị quyết cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã nêu đó là: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Từ chức, khi có khuyết điểm, sai phạm, hoặc bị sức ép của dư luận. Nếu vậy thì từ chức cũng đồng nghĩa với bản thân bị mất uy tín, danh dự. Thế thì quả là không đầy đủ. Từ chức, cũng có thể vì không thích ứng, thích nghi được với môi trường công việc, với quan hệ trên dưới. Hoặc cũng có thể vì lý do cá nhân nói riêng. Nói chung, không nên biến khái niệm từ chức trở thành “tội đồ” hoặc “tội tình” như cách hiểu phổ quát lâu nay. Từ chức, đó là thái độ trách nhiệm cao của bản thân đối với nghề nghiệp. Đơn giản vậy thôi. Dễ hiểu, dễ làm, dễ thông cảm.
Nội các Anh quốc, khi một bộ trưởng/ quan chức từ chức vì lý do nào đó, chủ quan hoặc khách quan, đều có thư gởi cho thủ tướng, và thủ tướng cũng hồi đáp lại ngay. Đó cũng là một nếp văn hóa từ chức. Không phải là quy trình pháp lý, bắt buộc cá nhân phải làm. Vào hay ra, lên hay xuống, thích hay không… tất cả đều diễn ra theo một trật tự công khai, minh bạch được xã hội mặc nhiên thừa nhận. Trong một thể chế dân chủ, mọi việc có liên quan đến bộ máy hành chính, không còn là việc riêng, việc cục bộ nữa, mà luôn cần có sự giám sát chặt chẽ của công luận.