Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ cơ chế chính sách

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kinh tế tuần hoàn được coi là xu hướng tất yếu mà Việt Nam phải áp dụng để thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính  bằng 0 vào năm 2050, như đã cam kết tại Hội nghị môi trường toàn cầu lần 26 (COP26). Tuy nhiên, để phổ biến mô hình này vào các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế thì trước hết phải hoàn thiện hành lang chính sách.

Thông tin trên ghi nhận tại Hội thảo khoa học “Kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam” do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 15-9.

Mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: DNCC

Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn tự phát, quy mô nhỏ lẻ

Tại hội thảo trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) khẳng định kinh tế tuần hoàn sẽ thay thế cho kinh tế truyền thống, trở thành hướng đi chủ đạo để các quốc gia hướng đến phát triển bền vững và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Ông Thọ cho hay, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế (tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế sử dụng), sản xuất (sản xuất sạch, giảm phát thải, tuần hoàn nguyên vật liệu ngay trong sản xuất), tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (quản lý chất thải, phân loại, thu gom và tái chế)...

Cũng tại hội thảo nêu trên, ông Cao Trường Sơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Hội nghị môi trường toàn cầu lần 26 (COP26), Việt Nam và nhiều quốc gia đã cam kết nỗ lực đạt cân bằng phát thải khí nhà kính (phát thải bằng 0) vào năm 2050. Để thực hiện được cam kết này Việt Nam cần phải nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính trong mọi lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp cần đặc biệt được quan tâm do đây là lĩnh vực đóng góp 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Vẫn theo ông Sơn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực cắt giảm 10% lượng khí thải nhà kính phải thải trong nông nghiệp vào năm 2030, góp phần đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Song ông Sơn cho biết, các hoạt động nông nghiệp tuần hoàn của Việt Nam hiện mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ và chưa có sự thống nhất. Trong khi đó nước ta với nền nông nghiệp phát triển nhanh và đang phát sinh 1 lượng lớn chất thải và phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Cơ chế khuyến khích và thúc đẩy thực hiện nông nghiệp tuần hoàn

Ông Sơn cho rằng, chính sách về nông nghiệp tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn tại nước ta chưa được cụ thể và toàn diện như các quốc gia phát triển trên thế giới – hiện còn nằm rải rác trong các luật, chính sách ở những lĩnh vực khác nhau. Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn bài bản, quy mô lớn cần đỏi hòi đỏi phải thiết lập một thể chế hỗ trợ cụ thể, có chiến lược định hướng quy mô quốc gia.

Để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn, ông Sơn cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế khuyến khích và thúc đẩy thực hiện nông nghiệp tuần hoàn (xây dựng thị trường cho sản phẩm, xây dựng quỹ tài chính để hỗ trợ)...

Dựa trên thực tiễn ở Việt Nam và đối chiếu với thế giới, ông Nguyễn Đình Thọ cho rằng, nước ta đã chuẩn bị được điều kiện khá toàn diện để khởi động cho tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Song, ông Thọ cho rằng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vai trò kiến tạo của nhà nước cần được thực hiện qua tạo những ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính để khuyến khích thực hiện hoạt động này.

Thêm nữa, theo ông Thọ, nhà nước cần đưa ra các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp; thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và hình thành quỹ hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các công nghệ, thiết bị sản phẩm tiết kiệm năng lượng, có lợi cho môi trường; đơn giản hóa thủ tục cho vay với các dự án kinh tế tuần hoàn...

“Nhà nước cần kiến tạo ra môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Cần có môi trường với hệ thống luật pháp rõ ràng, lộ trình phù hợp, có các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch,” ông Thọ nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần đưa ra các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật khác như thuế bảo vệ môi trường, pháp luật về đầu tư công để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới