Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản đảo chiều chính sách khi nền kinh tế đang dần hồi phục

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường với sự hồi phục của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đi kèm với đó là các rủi ro lạm phát. Đây là chỉ báo cho những điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu cũng ghi nhận xu hướng hồi phục, trong đó xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% và nhập khẩu tăng nhanh hơn ở mức 11% so với tháng trước. Ảnh: H.P

Nền kinh tế đang trong đà hồi phục tốt

Chỉ số quản lý thu mua (PMI), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), và xuất khẩu đều hồi phục tích cực, cho thấy quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam vốn dựa nhiều vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang tiến triển thuận lợi.

Dữ liệu PMI mới nhất tiếp tục xác nhận sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đang tiến triển khá tích cực. Trong tháng 7-2024, PMI sản xuất của Việt Nam đạt 54,7, giữ vững mức cao nhất kể từ tháng 5-2022. Điều này cho thấy sự mở rộng liên tục của lĩnh vực sản xuất, đánh dấu sự tăng trưởng trong đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, đơn đặt hàng mới đã tăng trong bốn tháng liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng có chậm hơn so với mức kỷ lục gần đây trong tháng 6. Các nhà sản xuất đã tăng cường hoạt động sản xuất với tốc độ mở rộng đạt mức cao thứ hai trong lịch sử. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động mua sắm nguyên liệu và tăng cường tuyển dụng, mặc dù tốc độ tăng nhân lực chậm hơn so với tháng trước.

Các chỉ số dẫn dắt như PMI, IIP, xuất khẩu đều cho thấy quá trình hồi phục của nền kinh tế đang diễn ra khá thuận lợi và được kỳ vọng sẽ phản ánh trong các chỉ số xác nhận như GDP hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quí 3 và cả năm 2024.

Chỉ số IIP đang ghi nhận sự hồi phục tương ứng, tháng 7-2024 tăng 0,7% so với tháng trước.

Xuất nhập khẩu cũng ghi nhận xu hướng hồi phục, trong đó xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng trước và nhập khẩu tăng nhanh hơn ở mức 11% so với tháng trước. Tốc độ nhập khẩu tăng nhanh hơn cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực nhập nguyên vật liệu để chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm.

Nhìn chung, các chỉ số dẫn dắt đều cho thấy quá trình hồi phục của nền kinh tế đang diễn ra khá thuận lợi và được kỳ vọng sẽ phản ánh trong các chỉ số xác nhận như GDP hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quí 3 và cả năm 2024.

Lạm phát chi phí ở khu vực sản xuất đang tăng cao

Ở chỉ tiêu điều hành còn lại là lạm phát, xu hướng diễn ra không quá tích cực. Mặc dù lạm phát trong các tháng gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng áp lực vẫn hiện hữu khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tiến sát đến lạm phát mục tiêu của Quốc hội. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số CPI tháng 7-2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Bình quân bảy tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12%.

Bên cạnh khu vực tiêu dùng, áp lực lạm phát cũng đã hiện hữu ở khu vực sản xuất trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu từ PMI, lạm phát chi phí đầu vào đã tăng mạnh trong tháng 6 với tốc độ tăng cao nhất trong gần hai năm qua và tiếp tục duy trì mức cao trong tháng 7. Sự gia tăng này một phần do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, đặc biệt là nguyên liệu thô như dầu mỏ, kim loại và các nguyên liệu cơ bản khác.

Ở thời điểm hiện tại, lạm phát chi phí đầu vào sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đang sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các yêu cầu đặt hàng mới, từ đó khiến hàng tồn kho giảm mạnh. Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải mua nguyên vật liệu bổ sung để tiếp tục duy trì các đơn đặt hàng mới trong những tháng tới. Mức chi phí đầu vào tăng cao cũng đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm trong những đơn hàng cuối năm.

Tóm lại, lạm phát cao ở chi phí sản xuất sẽ bào mòn thành quả hồi phục sản xuất của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hồi phục nói chung của nền kinh tế.

Kịch bản đảo chiều chính sách có thể diễn ra

Nền kinh tế đang dần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong khi áp lực về lạm phát vẫn hiện hữu. Từ đó, khả năng về một kịch bản đảo chiều chính sách điều hành có thể diễn ra.

Cụ thể, khi nền kinh tế đã đạt được trạng thái bình thường, các chính sách kích thích kinh tế sẽ được giảm bớt để tránh kích thích nền kinh tế tăng trưởng nóng. Theo đó, chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ kết thúc giai đoạn nới lỏng như đã chứng kiến trong khoảng hai năm trở lại đây, đồng nghĩa với quá trình tăng lãi suất điều hành và kết thúc các đợt giảm thuế, phí.

Đây là vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và trong năm 2025, bao gồm các kịch bản kinh doanh cho trường hợp các chính sách hỗ trợ thuế, phí dừng lại, cũng như kế hoạch tài chính trong bối cảnh mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới