Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu tiêu dùng nội địa – động lực tăng trưởng trước những bất ổn thương mại

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2024, ngoài các giải pháp như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giữ ổn định lãi suất, các chính sách tài khóa như giảm thuế hay kích cầu tiêu dùng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc thúc đẩy thị trường trong nước còn nhắm đến những mục tiêu nào khác?

Đẩy mạnh vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: N.K

Kích cầu tiêu dùng, giảm thuế và tăng thu nhập

“Nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương phát động Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 từ ngày 2 đến 31-12-2024, doanh nghiệp sẽ thực hiện khuyến mại với hạn mức có thể lên đến 100%”, đó là tin nhắn SMS mà người dân nhận được từ Bộ Công Thương vào đầu tuần trước (ngày 2-12). Trong bối cảnh cần phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2024, kích cầu tiêu dùng được xem là một trong những chính sách cần thiết và quan trọng trước tình hình hiện nay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26-11-2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Ngoài giải pháp tích cực tổ chức chương trình khuyến mại, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và có các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước; triển khai các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước trên các nền tảng số hóa, thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử; đẩy mạnh xúc tiến thương mại...

Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng, công cụ thuế có thể cũng sẽ được sử dụng thường xuyên hơn nữa trong giai đoạn tới. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 được thông qua vào ngày 30-11, Quốc hội quyết định gia hạn chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định cho đến hết ngày 30-6-2025, thay vì kết thúc vào cuối năm nay. Theo Chính phủ, việc giảm thuế GTGT làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng cũng có tác động kích thích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Rõ ràng trong bối cảnh thương mại toàn cầu thời gian tới có thể chịu những tác động tiêu cực khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trở lại, trước rủi ro bị áp hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang các nước, việc tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường và kích cầu tiêu dùng trong nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, sức cầu tiêu dùng trong nước do chịu tác động dai dẳng nên đã phần nào suy yếu, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, người dân mất việc làm, giảm thu nhập. Ngoài ra, vì e ngại rủi ro, niềm tin tiêu dùng thấp nên nhiều người có khuynh hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiết kiệm nhiều hơn, nên cũng đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ trong nước.

Chính vì vậy, việc đảm bảo thu nhập cho mức sống thiết yếu là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu. Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng đồng ý bổ sung 55.000 tỉ đồng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định, đồng thời giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Gần đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế, bên cạnh kiến nghị nghiên cứu các khoản giảm trừ đặc thù khác. Hiện mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7-2020, tức đã hơn bốn năm trong khi chi phí mỗi năm đều tăng cao do lạm phát. Một số ý kiến cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân cần được sửa ngay trong năm 2025, để có hiệu lực từ đầu năm 2026.

Mục tiêu xa hơn

Với dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ đang thu hẹp dần, khi xu hướng lãi suất vẫn đang chịu áp lực đi lên, chính sách tài khóa đang có vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù kế hoạch tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2025 là 7%, nhưng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mới đây đặt mục tiêu phấn đấu lên đến 8%, với những giải pháp, chương trình hành động cụ thể cần phải thực hiện.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay quốc tế Long Thành, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu, Chính phủ cho biết cần có cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng...

Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh qua việc tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), khai thác các thị trường mới như Halal, châu Phi. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ... sẽ được đẩy mạnh. Về tiêu dùng, Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, kiểm soát nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm...

Rõ ràng trong bối cảnh thương mại toàn cầu thời gian tới có thể chịu những tác động tiêu cực khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trở lại, trước rủi ro bị áp hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang các nước, việc tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng trong nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tuyên bố sẽ áp thêm mức thuế 25% đối với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc kể từ ngày đầu tiên nhậm chức. Việt Nam dù chưa rơi vào tầm ngắm nhưng vẫn cần phải dè chừng, vì Việt Nam đang là nước có thặng dư thương mại lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại của Mỹ, xếp sau Trung Quốc, Mexico và Canada.

Ngoài ra, việc kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt... cũng là cách để hạn chế bớt nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam trong thời gian tới qua các kênh truyền thống cũng như các nền tảng trực tuyến, mà chắc chắn sẽ gây sức ép lên các doanh nghiệp nội địa, một khi nước này bị Mỹ áp các hàng rào thuế quan mới.

Nghị quyết của Quốc hội cũng đã yêu cầu cần sớm nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, khẩn trương ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế đối với hàng giá trị nhỏ, để cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới