Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kiểm soát Covid-19 là biện pháp kinh tế tốt nhất, bài học từ Thụy Điển

Trần Quốc Hùng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau gần hai năm phải đối phó với đại dịch Covid-19, trải qua nhiều biến chủng của nó, vẫn còn tranh cãi về các biện pháp tối ưu để chống dịch.

Chỉ một người đàn ông đeo khẩu trang nơi công cộng ở Stockholm (Thụy Điển). Ảnh: Getty Images

Hiện nay, tiêm chủng nhanh để đạt tỷ lệ bao phủ ít nhất trên 70% dân số được nhiều người coi là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, ở nhiều nước vẫn còn khá đông người (khoảng 20-30% dân số) không chịu tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau, thành ra cũng không dễ dàng gì để đạt mục tiêu này. Gây tranh cãi nhiều hơn nữa là các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội bằng luật lệ có tính cách cưỡng bức. Có nhiều lý do được đưa ra để chống các biện pháp này, từ việc cho là giãn cách xã hội như đeo khẩu trang… không có hiệu quả trong việc giảm và tránh lây nhiễm nhưng gây suy thoái kinh tế; đến mức coi các biện pháp y tế công cộng bằng luật lệ là độc tài và vi phạm quyền tự do của công dân.

Tuy có mức nhiễm bệnh và tử vong rất cao, tình hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển không khác nhiều lắm so với ba nước láng giềng, vốn đã áp dụng luật lệ phong tỏa và giãn cách xã hội chặt chẽ hơn.

Bài viết này trình bày kinh nghiệm của Thụy Điển -một nước tiên tiến duy nhất trên thế giới đã chủ động không ban hành luật lệ phong tỏa và giãn cách xã hội để chống Covid-19; chỉ khuyến khích dân chúng đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông đảo nhưng không bắt buộc.

Chính phủ Thụy Điển có một số cơ sở để áp dụng sách lược thả lỏng này: dân Thụy Điển có truyền thống trách nhiệm xã hội cao; tỷ lệ hộ gia đình chỉ có một người khá cao nên ít nguy cơ lây nhiễm trong nhà; và với mạng lưới y tế sâu rộng và tiên tiến, nhiều chuyên gia nghĩ là có thể đảm bảo chữa trị các ca bệnh và xử lý các ca (có nguy cơ) tử vong để cho lây bệnh nhằm đạt mức miễn nhiễm cộng đồng tự nhiên.

Chính phủ Thụy Điển hy vọng có thể đối phó với Covid-19 mà không phải áp dụng các biện pháp y tế công cộng có tính cách cưỡng bức, và như thế sẽ giảm bớt các hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội.

Quan trọng nhất, cho đến nay ở Thụy Điển số ca nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 tính trên một triệu dân thuộc hạng cao nhất thế giới: 109.784 và 1.438 - chỉ kém hơn Mỹ đôi chút: 115.251 và 1.934. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở Thụy Điển cao hơn hẳn so với ba nước Bắc Âu (Nordic) láng giềng, vốn đã áp dụng luật lệ phong tỏa và giãn cách xã hội chặt chẽ hơn: 57.906 và 441 ở Đan Mạch; 27.070 và 148 ở Na Uy; và 21.898 và 182 ở Phần Lan. Cần để ý là tỷ lệ tiêm chủng hai liều ở Thụy Điển đạt 50,4%, thấp hơn tỷ lệ 68,3% ở Đan Mạch nhưng cao hơn 47% ở Na Uy và 45,3% ở Phần Lan. Thành thử sự khác biệt tương đối nhỏ về tỷ lệ tiêm chủng không giải thích được sự khác biệt quá lớn trong tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong giữa bốn nước Bắc Âu.Tuy Thụy Điển có một số điều kiện cá biệt và kích cỡ mẫu n=1, kinh nghiệm y tế và kinh tế của nước này trong dịch Covid-19 vẫn cung cấp nhiều dữ kiện khách quan đáng suy ngẫm.

Tuy có mức nhiễm bệnh và tử vong rất cao, tình hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển không khác nhiều lắm so với ba nước láng giềng. Trong năm 2020, GDP thật sau khi trừ lạm phát tăng trưởng âm 3% ở Thụy Điển; âm 2,7% ở Đan Mạch; âm 2,5% ở Na Uy và âm 3,1% ở Phần Lan. Theo dự báo cho năm 2022 và 2023, GDP sẽ tăng 3,4% và 3,3% ở Thụy Điển; tăng 3% và 3,4% ở Đan Mạch; 3,6% và 3,4% ở Na Uy; 2,8% và 2% ở Phần Lan.

Thử thách gay go hơn việc có biện pháp đúng là thực hiện các biện pháp đó một cách hữu hiệu và đồng bộ, không bị vấp váp, tạo kẽ hở gây ra ổ hay sự kiện siêu nhiễm - thí dụ như để nhiều người tranh nhau vào phòng thiếu thông thoáng để tiêm chủng, hay chen lấn ở các chợ, siêu thị để mua thực phẩm.

Nói chung, trên cơ sở so sánh bốn nước Bắc Âu với nhau, có thể nhận xét là nếu thả lỏng việc phong tỏa và giãn cách xã hội thì sẽ/có thể bị tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong rất cao; nhưng kinh tế vẫn bị suy thoái (như trong năm 2020) và phục hồi giống như các nước áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng một cách chặt chẽ hơn. Nói cách khác, không có hoặc ít có sự trao đổi (tradeoff) giữa các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội và hậu quả kinh tế. Cụ thể hơn, không thể suy nghĩ là thực hiện các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội mềm mỏng một chút thì hậu quả kinh tế sẽ bớt xấu một chút - vì làm như thế thì các biện pháp phong tỏa không hiệu nghiệm, không giảm bớt mức lây nhiễm bệnh và không có tác dụng tích cực gì cho nền kinh tế.

Quan trọng hơn nữa, với mức truyền nhiễm cao và nhanh của biến chủng Delta, kỳ vọng là để lây bệnh nhằm đạt được miễn nhiễm cộng đồng tự nhiên có vẻ trở thành ảo ảnh - càng tới gần càng thấy nó xa thêm. Nếu như trước đây nhiều nhà khoa học cho là cần có tỷ lệ miễn dịch khoảng 70-80% dân số mới có tình trạng miễn nhiễm cộng đồng, thì nay có người nghĩ rằng tỷ lệ này phải trên 90% - một con số rất khó thực hiện vì trong xã hội có những người không chịu tiêm chủng. Ngoài ra, tình trạng miễn dịch vì cơ thể có kháng thể sau khi lây và lành bệnh cũng không tích cực gì, vì hiện nay khoảng 30% số người lành bệnh có triệu chứng Covid mãn tính trong một thời gian dài sau đó - trở thành một vấn đề y tế cho xã hội.

Để kết luận, có thể nói là kiểm soát dịch Covid-19 là biện pháp kinh tế tốt nhất! Và sau gần hai năm vật lộn với Covid-19, biện pháp tốt nhất này ngày càng rõ nét hơn. Đó là:

1. Tiêm chủng nhanh theo thứ tự ưu tiên đúng (những người trên 65 tuổi hay có bệnh nền, cùng với nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch và công nhân các ngành sản xuất thiết yếu). Tất nhiên làm sao cho kịp thời đủ vaccin để việc tiêm chủng không bị gián đoạn tự nó cũng là một thử thách lớn.

2. Nếu lây nhiễm vẫn còn cao trong lúc tiến hành tiêm chủng thì phải có biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội thích hợp - không những phải có hiệu quả mà còn phải đảm bảo cho dân nghèo có thể sống trong thời gian phong tỏa, nhất là khi kéo dài.

Thử thách gay go hơn việc có biện pháp đúng là thực hiện các biện pháp đó một cách hữu hiệu và đồng bộ, không bị vấp váp, tạo kẽ hở gây ra ổ hay sự kiện siêu nhiễm - thí dụ như để nhiều người tranh nhau vào phòng thiếu thông thoáng để tiêm chủng, hay chen lấn ở các chợ, siêu thị để mua thực phẩm. Trong thời gian qua, trên thế giới đã có một số nước không vượt qua được thử thách này.

(*) Kinh tế gia ở Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới