Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiểm soát giá: không khả thi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểm soát giá: không khả thi!

Sơn Nghĩa

Giá gas trong nước phụ thuộc vào giá thế giới nên khó thực hiện việc đăng ký giá với Nhà nước. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Việc kiểm soát giá theo dự thảo thông tư mới do Bộ Tài chính soạn thảo nhằm thay thế Thông tư 104 được ban hành từ cuối năm 2008, theo nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không khả thi và còn nhiều bất cập.

“Việc kiểm soát giá theo dự thảo thông tư mới sẽ rất khó thực hiện, vì nhiều lý do”, ông Trần Trung Chính, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas), khẳng định.

Theo dự thảo thông tư mới, mặt hàng gas (khí hóa lỏng) cũng nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Doanh nghiệp kinh doanh gas buộc thực hiện đăng ký giá với Nhà nước. Thực tế rất khó để thực hiện điều này, bởi doanh nghiệp nhập khẩu gas phụ thuộc vào giá cả biến động hàng ngày trên thị trường quốc tế. Giá gas sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu thị trường và có lợi cho người tiêu dùng, khi thị trường có cạnh tranh lành mạnh.

Kiểm soát giá sẽ gây khó khăn cho những nhà đầu tư nước ngoài, gây bị động cho doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh và ảnh hưởng đến những mục tiêu dài hạn của nhà đầu tư. Ông Chính dẫn chứng, hiện ở thị trường gas, doanh nghiệp tư nhân mua gas từ nhà sản xuất, hay đầu mối nhập khẩu, họ đã đạt được lợi nhuận khoảng 30 đô la Mỹ/tấn gas.

Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài phải đạt mức lợi nhuận cao hơn mới có lời. Khoản lợi nhuận này của doanh nghiệp phải bù được chi phí đầu tư kho cảng và những khoản đầu tư khác từ thời điểm ban đầu khởi nghiệp ở Việt Nam. “Do vậy, Nhà nước không thể áp đặt giá bán cho doanh nghiệp, bởi mức hạch toán của từng doanh nghiệp ở mỗi thời điểm khác nhau”, ông Chính nói.

Theo dự thảo thông tư mới, mặt hàng thép xây dựng cũng nằm trong danh mục bình ổn giá. Bình luận về thông tin này, giám đốc một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất thép tại Việt Nam, cho biết: “Công ty tôi đã quá mệt mỏi khi chịu sức ép cạnh tranh ở thị trường trong nước, nay nếu bị kiểm soát giá bởi Nhà nước chắc tôi cân nhắc lại quyết định kinh doanh ở thị trường Việt Nam”.

Vị này than thở, đầu năm 2010, nguyên liệu đầu vào của ngành thép như than, điện đã tăng giá, Nhà nước không thể ấn định giá bán ra của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những yếu tố đầu vào của ngành như phôi, sắt cũng thay đổi liên tục, buộc các doanh nghiệp thép phải linh động điều chỉnh giá bán ra, theo từng thời điểm của thị trường.

Trước những lo lắng của doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng trước tình hình giá cả biến động mạnh trong thời gian qua, Nhà nước can thiệp vào giá là điều cần thiết nhằm tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, việc can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp bằng những biện pháp hành chính như dự thảo thông tư mới là điều không ổn.

“Với nhiều thành phần kinh tế tham gia trong ngành thép và cạnh tranh để tồn tại, nên không có chuyện doanh nghiệp tự ý tăng giá”. Ông Nghi nói, hiện tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước trong ngành thép chiếm 30%, các liên doanh thép 24%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 46%.

Dù dự thảo chưa có hiệu lực nhưng đã có những tác động tiêu cực ban đầu, giám đốc một liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho biết ngay từ đầu năm nay, toàn bộ sản lượng lysine (chất phụ gia chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi) của công ty ông đã được xuất ra nước ngoài. Công ty thực thi chiến lược này nhằm tránh bị kiểm soát giá cả. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải nhập khẩu nguyên liệu này từ nước ngoài.

Ông Trần Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, bức xúc: “Đã gần ba tháng trôi qua, dự thảo thông tư mới đã xếp mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá. Nhưng khả năng dự thảo có đi vào thực tế hay không? Nếu có, khi nào thông tư này có hiệu lực? Những thông tin này hiện vẫn còn bỏ ngỏ”. Điều này gây tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp trong ngành, họ bị động trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới