(KTSG Online) – Đưa thức ăn nuôi tôm trở thành mặt hàng “quản lý có điều kiện về giá” để làm rõ giá thành sản xuất thực sự của nhà máy nhằm công bố giá phù hợp hơn so với hiện nay. Đây là nội dung được các đơn vị liên quan thống nhất tham mưu với UBND tỉnh Sóc Trăng để kiến nghị đến trung ương nhằm giúp người nuôi tôm có điều kiện tiếp cận sản phẩm đầu vào với giá hợp lý hơn…
Trao đổi với KTSG Online, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngành nông nghiệp đã thống nhất với Sở Công Thương, Sở Tài Chính và Chi cục quản lý thị trường tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội đưa thức ăn nuôi tôm vào diện “quản lý có điều kiện về giá” để giúp ngành hàng chủ lực này của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung phát triển.
Giá nhà máy công bố và giá người nuôi tiếp cận ra sao?
Bà Bình của Chi cục thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, để có cơ sở tham mưu kiến nghị như nêu trên, đơn vị này đã có cuộc khảo sát mức giá bán được các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm công bố so với mức giá thực tế hiện được đại lý cung cấp cho các trang trại nuôi lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ.
Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, mức báo giá chính thống được các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm công bố bình quân khoảng 44.000 đồng/kg.
Cụ thể, Công ty TNHH GROMINH Việt Nam báo giá thức ăn chuyên dùng cho tôm sú cao cấp “Gromax New” có giá dao động từ 49.350-49.750 đồng/kg, tương đương mức 987.000-995.000 đồng/bao 20 kg (tuỳ loại); loại chuyên dùng cho tôm thẻ chân trắng “Vannamei Vista New” có giá dao động từ 43.800- 44.200 đồng/kg, tương đương 876.000- 884.000 đồng/bao 20 kg (tuỳ loại); loại dành cho tôm “Grow Aqua New” có giá từ 45.950- 46.350 đồng/kg, tương đương 919.000-927.000 đồng/bao 20 kg (tuỳ loại).
Trong khi đó, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (chi nhánh nhà máy 3 tại Đồng Nai) báo giá thức ăn tôm “Nasa” công thức đặc biệt có giá dao động từ 44.350-44.650 đồng/kg và loại “Star Feed” dành cho tôm thẻ chân trắng có giá dao động từ 43.650-43.950 đồng/kg (tuỳ loại); Công ty TNHH Hải Đại Vĩnh Long báo giá thức ăn dành cho tôm thương hiệu “Hải Long Vương” có giá dao động từ 46.800-47.200 đồng/kg và loại “Hải Long Vương” dành cho tôm thẻ có giá dao động từ 44.800-45.300 đồng/kg (tuỳ loại).
Tuy nhiên, theo bà Bình, kết quả khảo sát của đơn vị này từ các trại nuôi quy mô lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ cho thấy: trại nuôi quy mô lớn đang tiếp cận thức ăn nuôi tôm với giá bình quân khoảng 25.000-28.000 đồng/kg. Trong khi đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ mua tiền mặt có giá bình quân khoảng 31.000-33.000 đồng/kg và mua nợ (trả tiền vào cuối vụ thu hoạch) thì giá tiếp cận thức ăn tôm từ các đại lý dao động từ 38.000-42.000 đồng/kg.
Khi so sánh mức giá tiếp cận của trang trại nuôi quy mô lớn với hộ nuôi nhỏ lẻ, thì mức chênh lệch có thể lên đến hơn 10.000 đồng/kg. “Nếu tính từ mốc đầu tiên với mốc cuối cùng trong một sản phẩm mà người nuôi tôm tiếp cận, thì mức chênh lệch là rất lớn, hơn 10.000 đồng/kg”, bà Bình cho biết.
Vị chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trường hợp nông dân sản xuất tốt, thì để nuôi được 1 kg tôm nguyên liệu cần đến 1,2 kg thức ăn hay nói cách khác mức chênh lệch trong tiếp cận thức ăn nuôi tôm của nông dân nhỏ lẻ so với trang trại là khoảng 12.000 đồng. “Chưa sản xuất gì hết, chỉ mới tính bài toán mua bán giữa hộ nuôi nhỏ lẻ và trại nuôi lớn, thì họ phải chịu như vậy (chênh lệch) rồi”, bà nói.
Vì sao doanh nghiệp tiếp cận “giá mềm” hơn hộ nuôi?
Qua thực trạng giá cả như nêu trên, rõ ràng doanh nghiệp và trại nuôi tôm quy mô lớn đang tiếp cận giá bán thức ăn “mền” hơn so với hộ nuôi nhỏ lẻ rất nhiều.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho biết, trường hợp nhà máy bán trực tiếp cho các doanh nghiệp và trại nuôi quy mô lớn, thì hiện chào bán với giá chỉ trên dưới 28.000 đồng/kg
Dẫn chứng điều vừa nói, ông Quang đưa cho phóng viên xem báo giá của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam gửi trực tiếp cho Công ty TNHH thuỷ hải sản Minh Phú Kiên Giang; Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú- Lộc An và Công ty TNHH MTV chuỗi cung ứng thuỷ sản Minh Phú (thuộc Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú) có giá chào bán dao động chỉ từ 26.900 đến 28.800 đồng/kg (tuỳ dòng sản phẩm Makro hay Star Feed và tuỳ vào độ đạm).
Tuy nhiên, theo ông Quang, sau khi đơn vị này không đồng ý với mức giá nêu trên, thì phía C.P Việt Nam đã "thương lượng" giá mới, giảm xuống mức giá chỉ còn 24.100-24.500 đồng/kg đối với dòng sản phẩm Makro (tuỳ độ đạm).
Ông Quang cho rằng, nhà máy thức ăn nuôi tôm bán với giá như nêu trên là đã có lãi. Bởi, bình quân giá thành sản xuất chỉ rơi vào khoảng 24.500-25.000 đồng/kg. “Trước đây, họ (nhà máy thức ăn nuôi tôm) ký hợp đồng gia công cùng tôi với giá 24.500 đồng/kg là họ đã có lời rồi”, ông nói.
Vậy câu hỏi được đặt ra, tại sao nông dân nuôi tôm lại tiếp cận với giá chênh lệch quá lớn so với doanh nghiệp?
Ông Trình Trung Phi đến từ Tập đoàn thuỷ sản Việt Úc giải thích, do người nông dân phải mua sản phẩm qua rất nhiều khâu trung gian gian, tức không tiếp cận trực tiếp từ nhà máy nên giá bị đẩy lên rất cao. “Đấy là cái gốc vấn đề khiến doanh nghiệp tiếp cận được mức giá hai mươi mấy ngàn đồng/kg, trong khi nông dân tiếp cận với giá 40.000-50.000 đồng/kg”, ông Phi giải thích và nói rằng, đó cũng là lý do khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước (nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu do hộ nuôi nhỏ lẻ thực hiện- PV).
Ông Quang của Minh Phú cũng thừa nhận, để có được mức giá như nêu trên, đơn vị này phải có bảo lãnh của ngân hàng, có cam kết là phải trả được tiền cho doanh nghiệp.
Theo ông, nông dân nuôi tôm chịu rủi ro rất lớn (tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ khoảng 30%- PV), trong khi thiếu đảm bảo sẽ trả được tiền, cho nên, họ phải mua qua đại lý cấp 1, 2 và 3 khiến giá tăng cao. “Họ dự phòng cái khả năng có lấy được tiền bán hàng hay không nên giá mới bị đẩy lên 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá chúng tôi tiếp cận”, ông Quang giải thích.
"Quản lý có điều kiện về giá” hay mua chung?
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẵn sàng bán cho doanh nghiệp lớn với mức giá thấp (như trường hợp của Tập đoàn thủy sản Minh Phú - PV), nhưng tại sao công bố giá bán lên đến hơn 40.000 đồng/kg?
Trả lời vấn đề nêu trên, bà Bình gọi đây là một “kẽ hở”, cho nên, khi các ngành chức năng đi kiểm tra đại lý kinh doanh, thì không thể xử phạt được vì họ bán không vượt giá được nhà máy đưa ra. “Tuy nhiên, đây là mặt hàng hết sức quan trọng cho sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế, nhiều hộ nông dân nên chúng tôi cùng các đơn vị liên quan thống nhất trình UBND tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa mặt hàng thức ăn tôm vào diện "quản lý có điều kiện về giá" để giám sát, kiểm soát giá, giúp người dân an tâm sản xuất”, bà Bình cho biết.
Cụ thể, bà Bình cho rằng, khi đưa vào diện “quản lý có điều kiện về giá”, tức có cơ sở để thẩm định giá thành sản xuất 1 kg thức ăn của nhà máy thật sự là bao nhiêu nhằm công bố giá bán hợp lý và xác thực tế hơn. “Đó là cái mình thấy bất cập nên quản lý giá là phải quản lý ngay chỗ đó, chứ bây giờ không phải là mặt hàng quản lý có điều kiện về giá thành ra không kiểm tra được”, bà giải thích.
Trao đổi với KTSG Online, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng nhấn mạnh, tham mưu UBND tỉnh để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thuỷ sản vào diện quản lý có điều kiện vì chuỗi cung ứng hiện nay có nhiều bất cập.
“Ví dụ, đối với thức ăn nuôi tôm, hiện nhà máy giao cho đại lý cấp 1 và trang trại lớn khoảng 25.000-28.000 đồng/kg, nhưng nông dân tiếp cận lên tới 40.000 đồng/kg, tức cái chuỗi này gây thiệt thòi cho nông dân rất lớn”, ông dẫn chứng.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu có cần đề xuất "quản lý có điều kiện về giá" hay không, thì ông Quang của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho rằng không cần thiết. Bởi lẽ, cái gốc của vấn đề là nông dân phải mua chung, tức mua số lượng lớn và có sự đảm bảo trả được nợ, thì nhà máy thức ăn sẵn sàng bán với giá thấp. “Bây giờ, người dân nuôi tôm thành công, đảm bảo trả được tiền, thì người ta (nhà máy) sẵn sàng mang đến tận nơi để bán, giá chỉ 27.000 đông/kg”, ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH KAV Lawyers cho biết, quản lý có điều kiện về giá thì phải theo Luật giá hiện hành. “Việc này cần kiểm tra quy định của Luật giá, nhưng thường mặt hàng thiết yếu, độc quyền Nhà nước mới phải kiểm soát về giá, còn lại giá cả thì theo quy luật cung - cầu, vận hành của thị trường”, ông cho biết.
Theo ông, trường hợp cơ quan có thẩm quyền muốn kiểm soát vấn đề giá bán, thì cần căn cứ vào Luật giá hiện nay để kiểm soát việc “kê khai giá, niêm yết giá” theo đúng quy định, chứ không phải quy định thêm điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, về mặt giá cả, để làm rõ cần phải có sự vào cuộc của cấp Trung ương. “Khi mới Covid-19 xong, doanh nghiệp sản xuất thức ăn đổ lỗi do logistics, giao nhận hàng khó khăn làm tăng giá nên tăng giá bán, nhưng thực tế vẫn có nguồn nguyên liệu như bã đậu nành của Argentina đâu có lên giá”, ông dẫn chứng.
Để giúp nông dân tiếp cận vật tư đầu vào giá hợp lý, theo ông Huy, cần phải thực hiện mua chung, bán chung. Thậm chí, như Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, có cả đội ngũ kỹ thuật phụ trách kiểm tra về hạ tầng, chất lượng nguồn nước… Bởi lẽ, nếu phụ thuộc vào đội ngũ kỹ thuật của các đại lý, thì chi phí đầu vào chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao.
Theo gợi ý của ông Huy, trong một hợp tác xã, hiệp hội hay một chuỗi liên kết sản xuất cần phải có đội kỹ thuật hỗ trợ kiểm tra điều kiện thả nuôi, thì cơ hội nuôi thành công sẽ cao hơn. “Khi đó, ngân hàng sẽ vào đầu tư thông qua các thoả thuận: hợp tác xã hay tổ hợp tác này sẽ nhận thức ăn từ nhà máy A, B, C…, tức có bảo lãnh trả nợ của ngân hàng, thì nông dân sẽ có điều kiện được tiếp cận giá vật tư đầu vào hợp lý hơn”, ông gợi ý.
Nông dân thì tui thấy chúng ta nên tôn trọng quy luật của thị trường nhất là đã cam kết với quốc tế. Nếu ngân hàng có thể thoả thuận lãi suất cho vay thì doanh nghiệp sản xuất có quyền định giá và chính sách bán hàng cho từng phân khúc khách hàng để đảm bảo hiệu quả về vốn. Vấn đề bài viết nêu không có gì mới bởi những hộ nuôi tôm thẻ Nam Sông Hậu thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng mua bằng tiền mặt ở công ty thì giá chỉ 60% so với người mua thiếu ở đại lý đã gần 10 năm nay. Thực tế DN và HTX mua được giá rẻ nhờ có NH bảo lãnh cho thấy cái mà chúng ta cần là xây dựng một chuỗi cung ứng toàn diện đủ mạnh để hút các hộ cá thể vào tổ hợp tác, hợp tác xã, tuân thủ vùng quy hoạch để thực hành sản xuất tập trung, sản xuất lớn có sự liên kết chặt chẽ giữa hiệp hội ngành hàng, DN hoạt động sản xuất, nông hộ với chính quyền để bảo lãnh với hệ thống cung ứng như cung ứng giống, thức ăn, thuốc, máy móc hạ tầng, công nghệ, quy trình, dịch vụ logistics, cung ứng vốn, nhân lực, thu mua, phân phối, bán, nghiên cứu phát triển sản phẩm, thị trường, thương hiệu…
Xây dựng một hệ thống như vậy thì mới chuyển đổi được hệ thống một cách đồng bộ, có thể mua chung, bán chung và chia sẻ rủi ro, tạo niềm tin tham gia liên kết phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác thay vì chúng ta làm nông thôn mới với chỉ tiêu này kia về số lượng mà không thể hình thành được một chuỗi liên kết đúng nghĩa để hỗ trợ người nuôi, hay nói cách nào đó là cách làm nông thôn mới của ta liệu có hay hơn Saemaul Undong của ngày xưa ấy?
Bài viết nêu chỉ nêu đúng một phần thực trạng hiện nay. Theo tôi câu chuyện cấp thiết hiện nay là làm sao tăng tỉ lệ thành công cho người nuôi tôm cao lên 60-70% thì khi đó nông dân sẽ có tiền để mua được thức ăn giá thấp.
Theo tôi nhận định hiện tại nuôi tôm ngày càng khó khăn là do môi trường thiên nhiên bị tàn phá nặng nề từ chính người nuôi tôm công nghệ cao. Bởi vì lượng xả thải ra môi trường rất lớn mà không ai kiểm soát hay có cách khắc phục, từ đó nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm nặng nề.
Khi mọi người đi ngang một mô hình nuôi công nghệ cao thì đều nghe mùi hôi thối nồng nặc, kênh rạch để lấy nước thì đen ngòm.
Ngoài ra công tác nạo vét kênh mương thủy lợi của cơ quan nhà nước rất kém. Dẫn đến nguồn nước nuôi tôm không được lưu thông sẽ tích tụ nước xấu. Người nuôi lại lấy nước đó vào nuôi tôm tiếp thì làm sao trúng tôm được.
Theo tôi nghĩ nhà nước nên đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường nước cho người nuôi tôm thì tỉ lệ thành công mới tăng cao và giảm chi phí giá thành cho con tôm.
Xây dựng phương pháp xử lý nước thải hiệu quả triển khai cho người nuôi tôm thực hiện.
Xây dựng phương pháp nuôi tuần hoàn, thân thiện và bền vững với môi trường.
Khi môi trường phục hồi thì mọi chi phí sẽ giảm xuống như nhiều năm về trước. Người nông dân sẽ sống được với con tôm.