Kiểm soát lũ theo kiểu Bắc Vàm Nao
Vũ Tâm
![]() |
Nông dân đang thu hoạch lúa nếp nằm trong hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, với năng suất trên 6 tấn/héc ta. Ảnh: Vũ Tâm. |
(TBKTSG) - Tuần qua tại An Giang đã diễn ra hội thảo cấp quốc gia về mô hình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao. Đây là hệ thống kiểm soát lũ đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thí điểm mô hình khai thác hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, với sự hợp tác và đầu tư của hai chính phủ Việt Nam và Úc.
Công trình này nhằm kiểm soát lũ cho hơn 24.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho cộng đồng dân cư trong khu vực, nhất là cho các hộ dân sống xa hai con sông chính, sông Tiền và sông Hậu.
Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, kiêm Trưởng ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao, cho biết dự án được vận hành phía cù lao Bắc Vàm Nao theo cách quản lý nước bền vững, làm lợi về xã hội, môi trường và kinh tế thông qua giảm nghèo cho cư dân địa phương.
Hệ thống đê bao kép của dự án là thành lũy của cả vùng trũng giữa sông Tiền và sông Hậu vốn có nước ngọt quanh năm, gồm 100 ki lô mét đê vành đai và 300 ki lô mét đê nội đồng. Chức năng chính của hệ thống đê bao là ngăn nước lũ bảo vệ sản xuất kết hợp làm đường giao thông.
Vành đai kiểm soát lũ có 16 cống chính và 40 cống bộng. Hệ thống dẫn nước từ sông chính vào nội đồng cũng được sử dụng để tiêu thoát nước từ đồng ruộng ra sông trong mùa lũ. Cùng với hệ thống đê bao, một hệ thống kênh khép kín được khai thông với 91 tuyến, dài 321 ki lô mét, đảm bảo nguồn nước trải khắp vùng. Trong đó, vai trò kênh Thần Nông chảy hướng Bắc - Nam giữa vùng trũng, là tuyến kênh cấp I quan trọng nhất nhận nước từ sông Tiền, sông Hậu thông luồng cho hệ thống kênh cấp II để cấp nước tưới cho cả vùng. Kênh Thần Nông còn là trục dẫn nước tiêu thoát chính từ nội đồng ra rạch Cái Tắc.
11 kênh cấp II, phần lớn chạy theo hướng Đông - Tây, chia khu vực dân cư thành nhiều vùng sản xuất. Vào mùa lũ hàng năm, các kênh này tải lượng phù sa dồi dào từ hai sông chính bồi đắp cho đồng ruộng và cũng dẫn nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ sông vào sâu trong nội đồng. Cách làm này đã giúp duy trì sản xuất ổn định và tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống dân nghèo. Mặt khác, hệ thống kênh cấp III cùng với kênh nội đồng là các tuyến kênh phân phối nguồn nước để tưới và tiêu thoát nước úng từ nội đồng trong mùa mưa lũ.
Như vậy, hệ thống kênh của dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao đã tạo thành một loại dịch vụ đặc trưng ở vùng ĐBSCL: cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, tiêu thoát nước và là mạng lưới giao thông nội vùng. Hệ thống đê bao và cửa cống mới được hình thành đã làm tốt dịch vụ thủy lợi nội đồng và giúp địa phương quản lý chất lượng, kiểm soát mực nước theo chu kỳ... vừa giúp cho các thành phần hữu cơ và dinh dưỡng bồi lắng trên mặt ruộng, đồng thời xả rửa các tuyến kênh hàng năm.
Ông Trương Bé Năm, nông dân ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, vui mừng: “Từ khi có hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, gia đình tôi biết cách sống chung với lũ, làm ăn khá hơn, con cái đều được đến trường”. Ông cho biết lúc chưa có hệ thống này, mùa lũ về ngập hết ruộng đồng nhà cửa, một năm chỉ sản xuất được 2 vụ lúa mà thiệt hại nhiều. Nay có hệ thống này nông dân một năm sản xuất được 3 vụ lúa và nếp năng suất rất cao nhờ có đủ nước và yên tâm canh tác không sợ bị mất mùa do lũ. Ông Bé Năm khoe: “Như vụ thu đông này tôi vừa thu hoạch 4 công lúa nếp đạt năng suất gần 6 tấn/héc ta, bán với giá tại ruộng 7.000 đồng/ki lô gam, lãi hơn 15 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Đực, Trưởng ban Quản lý tiểu vùng 18 cống Phú Hiệp, huyện Phú Tân, nói: “Đây là vùng được xem là rốn lũ quanh năm gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Từ khi có hệ thống quản lý nước lũ này, cống Phú Hiệp đã phục vụ nước tưới tiêu cho 3 xã Phú Thọ, Phú Hưng và thị trấn Phú Thọ với tổng diện tích 1.600 héc ta của 4.200 hộ dân. Nhờ được cung cấp nguồn nước ổn định, nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư trong nuôi thủy sản và trồng lúa 3 vụ/năm. Năng suất lúa đông xuân từ 5,5 tấn/héc ta nay lên 7-8 tấn/héc ta, còn vụ thu đông từ 5 tấn nâng lên 6 tấn/héc ta”.
Hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao cũng đã giúp các tuyến vành đai bờ bao ở Phú Tân trở thành đường giao thông bộ thuận lợi cho giao thương so với trước chỉ đi lại bằng xuồng ghe. Rồi trường học, trạm xá, chợ, điện cũng đang hình thành bài bản.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Sau thành công của dự án Bắc Vàm Nao, tỉnh đang xây dựng thêm hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao nằm trên địa phận huyện Chợ Mới với tổng diện tích 30.000 héc ta”. Theo ông Năng, dự án Nam Vàm Nao sẽ khởi công vào đầu quí 1-2011, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu của Chính phủ Việt Nam.
Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao có tổng vốn đầu tư 35,7 triệu đô la Mỹ theo hai giai đoạn, từ năm 2002-2007 và từ năm 2008-2010, trong đó Cơ quan Hợp tác phát triển Úc (AusAID) tài trợ 17,5 triệu đô la Mỹ, còn lại là nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam. Tháng 6-2009, đại diện Chính phủ Úc tiếp tục ký thỏa thuận bổ sung 950.000 đô la Úc để kiểm tra vận hành hệ thống đến tháng 11-2010. Khu vực dự án có diện tích 30.836 héc ta, trong đó diện tích đất sản xuất là 24.039 héc ta (chiếm 78 %) chủ yếu trồng lúa nếp và một phần hoa màu, phân bố tại 19 xã và 3 thị trấn thuộc thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân (An Giang). |