Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kiểm soát ô nhiễm túi ni lông trong sinh hoạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểm soát ô nhiễm túi ni lông trong sinh hoạt

Văn Nam

Kiểm soát ô nhiễm túi ni lông trong sinh hoạt
Túi ni lông khó phân hủy đang gây ra nạn "ô nhiễm trắng" cho môi trường – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ giảm dần, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nhựa khó phân hủy trong sinh hoạt. Mục tiêu đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nhựa sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010 và đưa lượng bao bì thân thiện môi trường tương ứng vào thay thế.

Đây là một trong các nội dung trong dự thảo Đề án kiển soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 dự kiến sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt trong tuần này.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cuối tuần qua, ông Đặng Văn Lợi, Phó cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết đề án sẽ tập trung kiểm soát việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến khâu thu hồi, tái chế.

Theo ông Lợi, mục tiêu lớn của đề án là hạn chế việc người dân sử dụng túi ni lông gây ô nhiễm môi trường, loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất túi ni lông khó phân hủy trong đời sống, khuyến khích người tiêu dùng tăng cường sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường.

Mục tiêu đến năm 2020 thu gom và tái sử dụng được 35% tổng lượng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tái chế thành sản phẩm thân thiện môi trường bằng công nghệ tái chế phù hợp.

Ngoài ra, đến năm 2020 sẽ giảm 65% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010 và tương ứng đưa loại bao bì thân thiện môi trường vào thay thế; giảm 40% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010.

Riêng tại TPHCM, số lượng túi ni lông sử dụng tại các chợ khoàng 1.800 kg/tháng/chợ, các trung tâm thương mại sử dụng 1.130 kg/tháng/trung tâm và các siêu thị dùng gần 9.000 kg/tháng/siêu thị, theo thông tin trong dự thảo trên.

Theo ông Lợi, thời gian qua, mặc dù việc sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy thông thường còn hạn chế, nhưng với những biện pháp đánh thuế môi trường, chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất túi thân thiện môi trường mới ban hành gần đây, chắc chắn nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường rất nhiều.  

Riêng tại TPHCM, qua khảo sát mới đây của Quỹ tái chế chất thải TPHCM (Refu), trung bình mỗi ngày người dân thành phố thải ra môi trường khoảng 50 tấn túi ni lông. Nhiều người dân khi được hỏi đều biết tác hại từ việc sử dụng túi ni lông, nhưng lại không thể hạn chế sử dụng bởi chưa có nhiều loại bao bì khác thay thế.

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu mỗi ngày một người thải bỏ một túi nhựa thì mỗi năm cả nước sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi nhựa.

Một lượng lớn túi ni-lông phát tán vào môi trường mỗi ngày chui xuống cống rãnh, sông suối hay hòa lẫn vào trong đất … tất cả điều này gây tác hại rất lớn đến môi trường, để lại hậu quả lâu dài như làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, ngăn chặn oxy đi qua đất, gây tắc nghẽn cống rãnh, hoặc nổi lềnh bềnh trên sông, suối do khó phân hủy.

Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông khó phân hủy đang được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới