Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm để chống sụt lún nền

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo chương trình cung cấp nước sạch, phấn đấu giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000 m3/ngày đêm và chấm dứt khai thác nước ngầm ở TPHCM giai đoạn 2020-2030. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây tình trạng sụt lún nền cho thành phố.

Tình trạng khoan giếng ngầm tự phát là một trong nhiều nguyên nhân gây sụt lún tầng đất yếu ở TPHCM. Ảnh: TL

Theo báo cáo của Sở TN&MT, TPHCM trong 4 năm qua đã giảm mạnh lượng khai thác nước dưới mặt đất từ 716.581 m3/ngày đêm xuống còn 264.581 m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703 m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805 m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220 m3/ngày đêm…

Để hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn, Sở TN&MT đã yêu cầu Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn phải có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp nước sạch cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định…

Đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất, thành phố chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất ngắn hạn với một số đơn vị, đối tượng cụ thể có tính đặc thù (nhà máy bia, nước giải khát, nước đóng chai…), khu vực sử dụng nước để tưới cây phục vụ các công trình công cộng (công viên, tiểu cảnh dọc các tuyến đường), khu vực chưa có mạng lưới cấp nước hoặc đã có mạng lưới nhưng chất lượng, áp lực nước còn yếu…

TTXVN dẫn thông tin từ ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, mục tiêu đến năm 2025, TPHCM sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000 m3/ngày đêm và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Cũng để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm tự phát trong dân, Sở TN&MT phối hợp cùng UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thường có hộ dân khoan giếng không phép như: Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, 12, 8, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… các công ty kinh doanh nước sạch sẽ khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân sử dụng; vận động, khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay cho nước giếng khoan.

Đối với các trạm giếng ngừng khai thác, các nhà máy nước sẽ đề xuất chuyển đổi công năng thành các vị trí cấp nước dự phòng chiến lược phục vụ kế hoạch cấp nước an toàn cho thành phố khi có sự cố không thể khai thác trực tiếp từ nguồn nước sông hoặc sự cố trên mạng lưới đường ống truyền tải nước.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, thành phố đang đứng trước nguy cơ thấp dưới mực nước biển trong tương lai gần, do mỗi năm toàn thành phố sụt lún nền 2 cm/năm, thậm chí có nơi 6-10 cm/năm gây ngập nước thường xuyên và mất an toàn cho người dân.

Nguyên nhân chính gây sụt lún tại thành phố được các chuyên gia JICA ghi nhận bởi TPHCM là đô thị mới trên nền đất yếu, nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ bán ngập triều, có độ rỗng trong tầng địa chất phía trên rất lớn. Nên khi quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, đường giao thông diễn ra nhanh, ồ ạt, nền địa chất sẽ nén chặt lại gây ra hiện tượng lún.

Vì thế các quận vùng ven như Tân Phú, quận 12, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh… cứ triều cường là ngập chứ không cần đợi mưa lớn. Tình trạng ngập cục bộ, mưa cục bộ kết hợp triều cường sẽ thường xuyên hơn và ảnh hưởng 1/3 diện tích thành phố nếu không có giải pháp…

Một nguyên nhân khác là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức. Hiện nay, tổng lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn là hơn 716.580 m3/ngày, trong đó chiếm phần lớn là hộ đơn lẻ với hơn 355.000 m3/ngày, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp, Sở TN&MT đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới