(KTSG Online) – Kết hợp với chính sách trợ cấp hàng tỉ đô la để thu hút hoạt động sản xuất chip quay trở lại Mỹ, biện pháp hạn chế xuất khẩu chip mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm vào Trung Quốc là một phần trong chiến lược hai hướng nhằm ngăn chặn những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh.
- Mỹ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực chip, AI và máy tính lượng tử ở Trung Quốc
- Ngành chip và AI của Trung Quốc có thể tụt hậu hàng chục năm
Chip AI của Nvidia sẽ bị cấm bán sang Trung Quốc
Hôm 17-10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo Mỹ sẽ dừng xuất khẩu thêm các loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc trong những tuần tới. Đồng thời, DOC đưa hai công ty thiết kế chip của Trung Quốc, Moore Thread và Biren, cũng như các các công ty con của họ vào danh sách đen; đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp Mỹ cần phải xin giấy phép đặc biệt để bán hàng cho các công ty này.
Các quy định mới cập nhật của DOC mở rộng thẩm quyền của chính phủ Mỹ trong việc quyết định những sản phẩm chip nào mà các công ty Mỹ có thể bị cấm xuất khẩu với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Theo đó, những sản phẩm chip xuất khẩu sang Trung Quốc không được vượt các giới hạn cụ thể về sức mạnh tính toán.
Những hạn chế trước đây đã cấm hãng thiết kế chip Nvidia bán sang Trung Quốc chip cao cấp H100, vốn được các công ty AI ở Mỹ như OpenAI lựa chọn. Nhưng, các công Trung Quốc vẫn có thể mua các phiên bản chip AI của Nvidia có công suất tính toán thấp hơn như H800 hoặc A800 để huấn luyện các mô hình AI. Quy định mới sẽ cấm Nvidia bán sang Trung Quốc hai loại chip này. Một số loại chip AI của AMD và Intel cũng sẽ nằm trong diện cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các quy định mới cũng yêu cầu các công ty phải thông báo cho chính phủ Mỹ trước khi bán cho Trung Quốc những con chip nằm dưới ngưỡng kiểm soát. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết, chính quyền sẽ xem xét các thông báo này trong vòng 25 ngày để xác định công ty liên quan có cần xin giấy phép xuất khẩu hay không.
Để ngăn chặn nguy cơ các sản phẩm chip cao cấp của Mỹ di chuyển đến Trung Quốc thông qua các nước thứ ba, Mỹ cũng sẽ yêu cầu các nhà sản xuất chip phải xin giấy phép để bán chúng đến hàng chục nước khác đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ. Động thái mới nhất của Mỹ thắt chặt các hạn chế và bịt các lỗ hổng trong một loạt quy định mới kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp và công cụ sản xuất chip công bố hồi tháng 10 năm ngoái.
AI quan trọng đối an ninh quốc gia lẫn tăng trưởng kinh tế
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng DOC Gina Raimondo cho biết mục đích của các quy định cập nhật là nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip cao cấp có thể tạo ra các đột phá về AI và các siêu máy tính. Bà cho rằng chip AI rất quan trọng đối với các ứng dụng quân sự. Bình luận của bà cho thấy Mỹ lo ngại tụt hậu so với Trung Quốc ở một số công nghệ quốc phòng quan trọng. Các quan chức Mỹ nói rằng Mỹ không có ý định gây tổn thương tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nhưng AI cũng có những ứng dụng thương mại có giá trị và những hạn chế xuất khẩu chip AI cứng rắn hơn của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc đang cố gắng phát triển chatbot Ai như ByteDance, công ty mẹ của TikTok, hay hãng tìm kiếm internet Baidu. Về lâu dài, các hạn chế đó cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, do AI tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ của nhiều ngành công nghiệp từ bán lẻ cho đến chăm sóc sức khỏe.
Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định các mô hình AI của Trung Quốc sẽ bị cản trở do biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Ông nói thêm, điều đó có thể có ý nghĩa rộng hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc vì “chúng tôi nghĩ AI có tiềm năng trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi để tăng năng suất trong vài thập niên tới”.
Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ lấy cớ an ninh quốc gia để biện minh cho việc o ép kinh tế nhằm vào các công ty của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách cấm các công ty Trung Quốc mua hàng của Micron, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước Mỹ.
Trợ cấp để phục hồi năng lực sản xuất chip
Trong khi siết chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ hàng đầu sang Trung Quốc, Washington đồng thời trợ cấp hàng tỉ đô la để thu hút các nhà sản xuất chip không phải của Trung Quốc đến lập nhà máy hoặc mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ.
“Khi nói đến việc quản lý sự cạnh tranh với Trung Quốc, chip là trung tâm trong chương trình nghị sự về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ”, Emily Kilcrease, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ (CNA) và cựu phó trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bình luận.
Mỹ mắc kẹt trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc kể từ khi ông Donanld Trump, người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, đưa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen vào năm 2019. Động thái này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải có giấy phép đặc biệt trước khi bán hàng cho Huawei.
Tổng thống Joe Biden ít nhắm đến các công ty tên tuổi của Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, nhưng chính quyền của ông tăng cường nỗ lực ngăn cản tiến bộ của Bắc Kinh trong ba lĩnh vực quan trọng: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Peter Harrell, một cựu quan chức chính phủ Mỹ nhận xét, chính quyền của ông Biden đang chuyển từ chiến lược trước đây là “Mỹ nên đi trước Trung Quốc vài thế hệ trong thiết kế và sản xuất chip” sang “chúng ta nên đi trước càng xa càng tốt về thiết kế và sản xuất chip”. Harrell giải thích sự thay đổi này là do phạm vi ứng dụng rộng rãi của chip có liên quan đến an ninh quốc gia.
Mỹ đang hỗ trợ các nhà sản xuất chip không phải của Trung Quốc đàm phán với các bang như Arizona, Texas và New York để thành lập nhà máy hoặc mở rộng các hoạt động sản xuất hiện có.
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), tỷ trọng năng lực sản xuất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2022. Với sự ủng hộ của Nhà Trắng, năm 2022, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, trợ cấp 52,7 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển bán dẫn trong nước. Các nhà sản xuất chip cả trong và ngoài nước từ TSMC của Đài Loan đến Samsung của Hàn Quốc và Intel của Mỹ đã xếp hàng để đăng ký xin trợ cấp dành cho sản xuất chip. Họ đã công bố kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy tại Mỹ. Ví dụ, Intel đã công bố khoản đầu tư 20 tỉ đô la để xây dựng một nhà máy sản xuất chip lớn mới ở bang Ohio và hy vọng sẽ sử dụng một số tiền trợ cấp từ Đạo luật CHIPS và Khoa học để trang trải cho chi phí xây dựng.
Theo Reuters, NY Times, Bloomberg