Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kiểm toán Nhà nước nói gì về EVN và các ngân hàng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểm toán Nhà nước nói gì về EVN và các ngân hàng?

Ngọc Lan

Kiểm toán Nhà nước nói gì về EVN và các ngân hàng?
EVN  đảm bảo khả năng trả nợ dài hạn sau hai lần tăng giá điện năm 2012. Tuy nhiên thanh khoản của tập đoàn này vẫn ở mức rủi ro Ảnh:TL

(TBKTSG Online)- Kết quả kiểm toán tại Tập đoàn điện lực năm 2012 (EVN) mới được Kiểm toán nhà nước (KTNN) công bố hôm 25/7 cho thấy quan hệ mua bán điện giữa công ty mẹ và công ty con chưa khách quan, có sự bù lỗ trong nội bộ khá lớn. Đây là một trong các lý do dẫn đến rủi ro thanh khoản của tập đoàn này còn cao.

Dư nợ qua lại giữa các đơn vị trong EVN là rất lớn

Theo kết quả kiểm toán EVN, doanh nghiệp đang nợ tiền bán điện giữa công ty con với công ty mẹ rất lớn và ngược lại. Như 5 tổng công ty điện lực nợ công ty mẹ về tiền điện 9.884 tỉ đồng. Trong đó công ty mẹ nợ lại (chủ yếu tiền mua điện) với các đơn vị phát điện cũng lớn. Tính riêng các nhà máy điện bị công ty mẹ nợ 6.062 tỉ đồng. Vấn đề là số dư nợ phải thu, phải trả của công ty mẹ đối với các đơn vị có liên quan trong tập đoàn rất lớn nhưng công ty mẹ không lập bảng theo dõi, phân tích tuổi nợ đầy đủ, không có điều khoản về thời hạn thanh toán nợ. Việc thanh toán tiền của công ty mua bán điện thuộc công ty mẹ cho các nhà máy phát điện thường xuyên chậm.

KTNN cho rằng. quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con/công ty liên kết chưa đảm bảo khách quan do trong cơ cấu giá điện mua bán nội bộ năm 2012 tính đến yếu tố bù lỗ của năm 2011 cho các đơn vị. Cụ thể: công ty mẹ thông qua việc giảm giá bán điện nội bộ để bù lỗ năm 2011 cho 5 Tổng công ty điện lực 100% vốn EVN là 1717 tỉ đồng. Các công ty này lỗ do kinh doanh các năm trước.

Tuy nhận định như vậy song ông Nguyễn Hồng Long, trưởng kiểm toán chuyên ngành 6 (KTNN) nói tại cuộc họp báo ngày 25/7 rằng báo cáo tài chính EVN kê khai, xử lý như vậy là phù hợp với hạch toán kế toán, nhằm bình ổn và kiềm chế lạm phát như chỉ đạo của Chính phủ về việc bán điện trước năm 2012.

Ngoài dư nợ các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, EVN còn nợ tiền điện các tập đoàn khác như Tập đoàn dầu khí và Tập đoàn than- khoáng sản 16.072 tỉ đồng (đến hết năm 2012), trong đó phần lớn là nợ quá hạn. Tuy nhiên các khoản công nợ này đã được Chính phủ cho khoanh từ năm 2011 và EVN cam kết trả 2.650 tỉ đồng trước ngày 31/12/2013. Số còn lại hoàn trả trong 7 năm, mỗi năm trả 1000 tỉ đồng.

Có nhà máy sản xuất điện lên đến 246.000 đồng/kWh:

Vẫn ông Long nói , công ty mẹ thông qua giảm giá bán điện nội bộ để bù lỗ năm 2011 cho hai công ty nhiệt điện 100% vốn EVN tổng số tiền là 865 tỉ đồng. Ngoài ra còn bù lỗ cho hai công ty cổ phần có vốn EVN chi phối là Nhà máy nhiệt điện Uông Bí 722 tỉ đồng, bù lỗ cho Công ty TNHH một thành viên nhiệt điện Cần Thơ là 143 tỉ đồng cũng vì lý do đảm bảo sản lượng huy động trong các thời điểm thiếu hụt.

Tại Nhà máy nhiệt điện Cần Thơ chạy dầu, giá thành sản xuất điện lên đến 36.000 đồng/số điện, gấp 36 lần giá thành sản xuất thủy điện. Hay như nhà máy nhiệt điện Thủ Đức nếu huy động ở một vài thời điểm cũng lên đến 246.000 đồng/kWh. Tuy nhiên đôi khi vẫn phải huy động lượng điện rất đắt này để bù đắp thiếu hụt do các sự cố trên đường dây. Ngay kể cả trường hợp nhà máy điện Thủ Đức không huy động vẫn phải trả 91 tỉ đồng trong năm 2012 để bảo dưỡng, duy tu.

Vấn đề là kể cả nợ đọng và bù lỗ , bù chéo lớn như vậy nhưng đến năm 2013, sau hai lần tăng giá điện từ năm 2012 (tổng cộng tăng thêm 10%), chỉ cần EVN có lãi từ năm 2012 đã đảm bảo khả năng trả nợ dài hạn.

Ông Long nói EVN lãi 8.819 tỉ đồng năm 2012, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 7,52%. Kết quả này đã bao gồm xử lý chênh lệch tỷ giá hơn 10.000 tỉ đồng và xử lý lỗ do sản xuất kinh doanh (bán điện dưới giá thành) những năm trước để lại.

EVN vay nợ rất nhiều để đầu tư vào hệ thống phát điện, truyền tải điện. Đến hết năm 2012, tổng các khoản vay của tập đoàn là 25.044 tỉ đồng. Trong đó phần lớn là vay dài hạn phần còn lại là ngắn hạn (6.100 tỉ đồng).

Với kết quả kinh doanh tốt dần lên và các khoản vay dài hạn thì KTNN đánh giá khả năng trả nợ dài hạn bình quân 5 năm tới của tập đoàn (25306 tỉ đồng/năm) là đảm bảo nhờ tính thêm khấu hao và tài sản bổ sung được đánh giá lại.

Tuy nhiên thanh khoản của EVN luôn ở mức thiếu hụt. Ví dụ khả năng thanh khoản cho năm 2013 được tính như sau: tổng số các khoản có thể đáp ứng thanh khoản nhanh là 41.761 tỉ đồng, trong khi tổng nhu cầu cần thanh toán 2013 là 71.739 tỉ đồng. Như vậy thanh khoản thiếu hụt gần 31 ngàn tỉ, cho thấy rủi ro thanh khoản của EVN là mức cao.

Báo cáo kiểm toán 2012 công bố 2 lần?

Bên cạnh các thông tin trên, tại cuộc họp báo sáng 25-7, Kiểm toán Nhà nước cũng công bố nhiều thông tin về kết quả kiểm toán năm 2012 tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, Agribank.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Điển hình cho việc này là tại chi nhánh Agribank TPHCM, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương đến ngày 31-12-2012 là 3.700 tỉ đồng (nợ gốc trên 2.967 tỉ đồng, lãi 732,3 tỉ đồng); tại chi nhánh Tân Bình: Đến ngày 30-6-2012, tổng dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỉ đồng, của nhóm khách hàng cán bộ tín dụng là 24,2 tỉ đồng.

Và việc Argibank, Vietcombank và VietinBank huy động vốn vượt trần lãi suất vào thời điểm năm 2012 cũng được nói đến. Cụ thể, số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỉ đồng, Vietcombank là 25,56 tỉ đồng và VietinBank là 30,79 tỉ đồng.

Đáng chú ý là báo cáo kiểm toán năm 2012 đã được công bố trước đó vào tháng 5-2014. Các nội dung về dư nợ của công ty Diệp Bạch Dương, các sai phạm của các ngân hàng đều đã được báo chí lúc đó thông tin khá đầy đủ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng đã từng đưa tin về các nội dung trên tại:

>> Khởi động tái cơ cấu ngân hàng lớn nhất Việt Nam

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới