(KTSG Online) - Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn cho các địa phương (trừ Quảng Ninh) kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cấp tỉnh. Trước ngày 31-3-2024, các địa phương cần gửi báo cáo kết quả của công tác kiểm tra này.
- Đơn vị tổ chức lễ hội và nhận tiền công đức phải mở tài khoản tiếp nhận
- Đà Nẵng bảo tồn di tích Ma nhai
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương (trừ Quảng Ninh) kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cấp tỉnh, TTXVN đưa tin. Trong đó, những nội dung kiểm tra sẽ liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, sổ sách ghi chép những khoản thu và chi. Thời kỳ kiểm tra là năm 2023.
Cũng theo bản tin trên, Bộ Tài chính giao Sở Tài Chính phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức này, đồng thời, gửi báo cáo đến bộ trước ngày 31-3-2024.
Những tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích sẽ tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo về kết quả thực hiện thí điểm việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.
Năm 2022 tổng số thu là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), chiếm khoảng 40-60% số thu công đức, tài trợ năm 2019. Tổng số chi 54,4 tỉ đồng. Tính trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu 61 tỉ đồng. Tổng số chi 29,4 tỉ đồng.