(KTSG Online) - Các kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản gửi đến TPHCM càng lúc càng ít đi hoặc là số kiến nghị được tiếp nhận và giải quyết nhanh hơn.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết như trên tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH). Hội nghị lần thứ 22 này do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp cùng JCCH tổ chức ngày 14-12 tại TPHCM.
- Nhà đầu tư Nhật Bản tận dụng khủng hoảng để thâu tóm bất động sản trên toàn cầu
- Đồng Tháp rộng cửa đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản
Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản mỗi cuối năm được tổ chức nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình kinh doanh đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM.
Người đứng đầu UBND TPHCM, ông Phan Văn Mãi, cho rằng việc các kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản gửi đến TPHCM càng lúc càng ít đi hoặc là số kiến nghị được tiếp nhận và giải quyết nhanh hơn là những chỉ dấu tích cực mà thành phố phải tiếp tục phát huy. Còn lại một số vấn đề do tính phức tạp, do cần có thời gian thì thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu để sớm giải quyết.
Đơn cử như vấn đề cải thiện chất lượng dịch vụ của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, hay vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giấy phép lao động hay là hoạt động của Ban quản lý khu công nghệ cao..."Các vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian sắp tới", Chủ tịch UBND TPHCM nói.
Liên quan đến dịch chất lượng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trước đó tại hội nghị một số doanh nghiệp Nhật Bản góp cho rằng hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại đây đang bị tụt hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Các vấn đề như vệ sinh, sắp xếp bãi đỗ xe... vẫn chưa được cải thiện nhiều, hành khách còn xếp hàng chờ đợi để làm thủ tục nhập cảnh...
Đáng chú ý, từ tháng 8-2023 đã có 5 sân bay tại Việt Nam trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu triển khai cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động. Đối tượng sử dụng gồm hành khách Việt Nam, hành khách nước ngoài có thẻ tạm trú hoặc thường trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng rất đáng tiếc, đến nay người nước ngoài vẫn chưa sử dụng được cổng này theo như được thông báo. Trong khi người dân trong nước cũng chưa quan tâm đến cổng tự động mà chỉ tập trung xếp hàng dài để chờ đợi.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất cần cải tiến, phân luồng, chia ra luồng cho người Việt Nam và người nước ngoài giống như các nước lân cận đã làm.
Ở góc độ cơ hội đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp FDI tham gia vào đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp Nhật Bản rất cần sự chia sẻ minh bạch thông tin, các ưu đãi cũng như danh mục dự án, chính sách thu hút đầu tư đi kèm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt, mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Theo ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã có hiệu lực từ tháng 8 sẽ tạo thêm điều kiện hỗ trợ sự phát triển năng động và tiên phong của TPHCM.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn, tại Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM sẽ nêu ra những vấn đề hai bên cùng quan tâm, cần giải quyết trong thời gian sắp tới. Làm sao hai bên sẽ nhìn thấy những không gian mới, động lực mới, cơ hội mới để kiến tạo môi trường, kiến tạo khung định hướng, khung chính sách cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác tại TPHCM để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại được phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng mong muốn, hai bên có thể có những định hướng tiếp tục nghiên cứu cho hợp tác kinh tế, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với cộng đồng doanh nghiệp TPHCM; hợp tác với phía Nhật Bản với chính quyền TPHCM để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại, hợp tác kinh tế có chiều sâu hơn và những đóng góp rõ nét hơn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Phan Văn Mãi gợi mở một số lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ Nhật Bản có thế mạnh… mà hai bên còn dư địa phát triển hợp tác hay không? Đồng thời, ông cũng mong muốn được lắng nghe những góp ý của doanh nghiệp Nhật Bản cho việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để có được môi trường tốt hơn, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn để hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp TPHCM tốt hơn.
Từ ý kiến từ phía đại diện các doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành của thành phố sẽ có trao đổi trở lại và các bên tiếp tục cùng trao đổi với nhau để xác định các trọng tâm tiếp tục phát triển hợp tác thời gian tới.
Hiện Nhật Bản có 1.657 dự án đang hoạt động, chiếm 14% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TPHCM, với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỉ đô la Mỹ.