Chủ Nhật, 29/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị giãn nợ, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp xây dựng

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, cho phép các ngân hàng giãn nợ và áp dụng các chính sách đã thực hiện thành công trong thời kỳ đại dịch.

Các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng có đơn kiến nghị lên Thủ tướng xin được giãn nợ ngân hàng – Ảnh: Cổng thông tin Bộ Xây dựng

Cổng thông tin Bộ Xây dựng cho biết, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA), Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam (VSCE) thay mặt 21 doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho phép các doanh nghiệp được giãn nợ ngân hàng.

Sau thời gian chống chọi dịch Covid-19, nhiều ngành đã không trụ vững, sụt giảm mạnh như bất động sản, du lịch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất vât liệu xây dựng, trong khi lãi suất ngân hàng tăng rất cao trong nhiều tháng, khiến các doanh nghiệp bất động sản nói chung, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng nói riêng không tránh khỏi sự mất cân đối dòng tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái toàn ngành, với hàng vạn người lao động bị mất việc làm.

SACA đề xuất 3 giải pháp cấp thiết để tháo gỡ các vướng mắc, tránh sự đổ vỡ dây chuyền bất động sản, xây dựng. Cụ thể, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian được cơ cấu là 24 tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Mục đích của kiến nghị là giúp các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng do mất khả năng thanh toán của khách hàng trong ngành bất động sản, có thời gian thu hồi nợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm có doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay; đồng thời, hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nhanh chóng có giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản. Điều này giúp doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác.

Qua đó, tránh lãng phí các nguồn lực của doanh nghiệp, tránh lãng phí tài sản của xã hội (nhà và đất) do ách tắc pháp lý kéo dài; giảm chi phí tài chính, giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm; hạn chế các rủi ro về pháp lý gây thiệt hại cho người mua nhà và quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành bất động sản.

Cùng với đó, SACA kiến nghị xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản để cập nhật thường xuyên thông tin quy hoạch, thông tin pháp lý, thông tin về tiến độ cơ bản của dự án cùng tình hình mua bán bao gồm số lượng và giá giao dịch tại từng thời điểm, giúp nhà đầu tư và người dân có được đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay mua bán một bất động sản.

Từ đó, hạn chế tình trạng mất cân đối cung – cầu toàn ngành, tránh xảy ra “bong bóng” bất động sản, hoặc mất cân đối, lệch pha trong đầu tư ở từng phân cấp, từng loại hình nhà ở, công trình và tránh được việc đầu tư không phù hợp với nhu cầu thực của thị trường.

Theo dòng sự kiện, TTXVN đưa tin Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TPHCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quí 1-2023. Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Nguyên nhân là ngành bất động sản đóng băng, các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo, trong khi doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%.

Trước những khó khăn trên, HUBA tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đừng nhầm lẫn. Đây không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề quản trị. Ngân hàng không thể và không được phép đứng ra “ôm nợ/ khất nợ/ lãnh nợ” cho mọi sai lầm điều hành quản trị kinh doanh của toàn xã hội. Như vậy sẽ trả giá rất lớn cho toàn hệ thống, không thể cứu vãn. Phải chọn một nút thắt chính để xử lý. Không nhất thiết phải gia giãn nợ tràn lan. Một khi thị trường bất động sản phục hồi, dòng tiền quay trở lại, thị trường vận hành đúng đắn… thì những khoản công nợ dây dưa cũng sẽ được giải tỏa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới