Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị tăng thẩm quyền xử lý nợ xấu cho tổ chức tín dụng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu với các quy định theo hướng tăng quyền cho các tổ chức tín dụng.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất Quốc hội xem xét ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu với các quy định theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định và tăng quyền cho các tổ chức tín dụng với 4 điểm.

Nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu có số dư 384.960 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6-2021, cao hơn 2,8% so với cuối năm 2020. Ảnh minh hoạ: Đ.K.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định về việc thu giữ tài sản đảm bảo theo hướng tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm tại Luật riêng về xử lý nợ xấu

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42 theo hướng có quy định loại trừ không áp dụng: Quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn (Khoản 3 Điều 317) và quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn (Khoản 4 Điều 323) của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đối với các vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Tòa án.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42 theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu.

Thứ tư, bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Để công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, NHNN kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế - bao gồm việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

NHNN cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân (TAND) tối cao để yêu cầu TAND các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Ngoài ra, cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án dân sự sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42.

Bên cạnh đó, TAND tối cao phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu trích xuất.

Nguy cơ nợ xấu gia tăng

Đề xuất của NHNN được đưa ra trong bối cảnh nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu có số dư 384.960 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6-2021, cao hơn 2,8% so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư. Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN đã sửa đổi, bổ sung có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này là 7,21%.

Đáng lưu ý, nguy cơ nợ xấu gia tăng vì Covid 19 xuất hiện tại thời điểm Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào tháng 8-2022. Theo đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan mà không được ưu tiên áp dụng các chính sách của Nghị quyết 42.

Điều này, theo NHNN, sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC và quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng, NHNN đã cho phép các ngân hàng trích lập dự phòng trong 3 năm với tối thiểu 30% nợ cơ cấu lại mỗi năm. Việc dự phòng, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của các ngân hàng. "Ngân hàng nào khỏe trích hết, ngân hàng nào yếu thì trích dần", ông Tú cho biết.

Về vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, NHNN cho biết vướng mắc lớn nhất là về quyền thu giữ tài sản đảm bảo. “Nghị quyết 42 quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSBĐ) của khoản nợ xấu. Nhưng thực tế, tổ chức tín dụng chỉ thu giữ thành công khi khách hàng hợp tác. Còn khi khách hàng chống đối, việc thu giữ thường không đạt được kết quả”, NHNN thông tin.

Thứ hai, Nghị quyết 42 quy định, điều kiện để tổ chức tín dụng có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu là “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo”. Nhưng các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này do do Nghị định 163/2006 không quy định nội dung này

Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ để thu giữ tài sản bảm đảm theo quy định trên. Nhưng khách hàng thường không hợp tác để ký lại điều chỉnh hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ.

Thứ ba, các thủ tục rút gần như chưa được triển khai trên thực tế. Nguyên nhân, theo NHNN, là khó khăn liên quan đến việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác để xác nhận.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 Bộ luật Tố tụng 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Do đó, nhiều chủ tài sản đã cố tình tạo ra các tình tiết mới khiến vụ án không thể giải quyết theo dạng rút gọn.

Thứ tư, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, dù Nghị quyết 42 đã quy định ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ cho tổ chức tín dụng rồi mới đến nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, thực tế, tại nhiều địa phương, cơ quan thuế vẫn yêu cầu bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo phải đóng thay tiền thuế thu nhập cho bên bảo đảm mới thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, sang tên cho người nhận chuyển nhượng. Các cơ quan thi hành án thường tiến hành trích thu luôn tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân đối với các tài sản đảm bảo bán đấu giá thành trước khi chuyển tiền về cho tài sản đảm bảo, mặc dù TSBĐ sau khi xử lý vẫn không đủ trả nợ cho tổ chức tín dụng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Câu chuyện dài nhiều tập trong hành trình xử lý nợ xấu. Để hạn chế bớt tình trạng này trong điều kiện hệ thống pháp luật của ta vẫn còn quá nhiêu khê, TCTD phải làm tốt hai việc 1. Không cho vay theo ý chí của bất cứ ai tác động, 2. Trước khi cho vay phải tính kế thu hồi nợ như thế nào ? Vậy là ổn, đừng mong chờ luật lệ sửa theo ý mình.

  2. Mọi người cho hỏi, theo điều 4 nghị quyết 42:

    1. Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này bao gồm:

    a) Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15 tháng 8 năm 2017;

    b) Khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

    Có nghĩa là chỉ những khoản nợ được hình thành trước 15/8/2017 mới được áp dụng nghị quyết này, còn ví du như khoản vay ngân hàng phát sinh năm 2019 thì không được áp dụng nghị quyết 42. Có đúng ko ạ?
    Xin cám ơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới